Cuộc sống sau ngày trở về từ chiến trường của cựu chiến binh bị bom đạn tàn phá khuôn mặt, mù đôi mắt

Xã hội 02/07/2018 11:37

Cưới vợ được 3 tháng, cụ Phụng tòng quân vào chiến trường đánh giặc. Trong một trận đánh, cả sư đoàn bị bom Mỹ đánh trúng khiến rất nhiều chiến sỹ hi sinh. Cụ may mắn sống sót nhưng cơ thể bị bom đạn tàn phá nặng nề, hủy hoại cả khuôn mặt và cánh tay phải.

Nỗi đau chiến tranh

Bom đạn của chiến tranh tàn phá khiến khuôn mặt cụ Trần Văn Phụng (76 tuổi, ngụ thôn Phú Bình 1, xã Cam Tân, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) bị biến dạng hoàn toàn, đôi mắt mù hẳn, một đoạn của cánh tay phải từ vai xuống khuỷu tay không còn khớp xương. Cụ ngồi lặng trước căn nhà cấp 4 của mình, hướng khuôn mặt về phía hư vô.

Cuộc sống sau ngày trở về từ chiến trường của cựu chiến binh bị bom đạn tàn phá khuôn mặt, mù đôi mắt  - Ảnh 1
Khuôn mặt, cánh tay của cụ Phụng bị bom đạn tàn phá nặng nề -Ảnh: Gia đình cung cấp

Cụ Phụng chậm rãi kể, đầu năm 1968, khi vừa cưới vợ được 3 tháng thì ông lên đường đánh giặc theo tiếng gọi của Tổ quốc. Ngày ấy, ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh, cụ bà Nguyễn Thị Hương (78 tuổi, vợ cụ Phụng) cố gắng gạt nước mắt, ở nhà cầu mong cho chiến tranh nhanh chóng kết thúc, chồng được trở về bình yên.

Cụ Phụng được phân công vào sư đoàn 22 đóng tại tỉnh Bình Định. Trong một trận đánh ác liệt với lính Mỹ, sư đoàn của cụ bị bom dội trúng, rất nhiều chiến sỹ đã hi sinh. Cụ Phụng may mắn sống sót nhưng bị thương nặng. Bom đạn đã hủy hoại cả khuôn mặt khiến cụ chẳng còn cơ hội nhìn thấy đường. Cánh tay phải cũng gãy nát.

Sau trận đánh, một số chiến sỹ khác đi tìm và phát hiện cụ thoi thóp trong một lùm cây nên đã nhanh chóng đưa về lán sơ cứu. Năm 1972, ròng rã suốt hơn hai năm cứu chữa, sức khỏe dần bình phục, cụ được xuất ngũ trở về khi cơ thể không còn lành lặn.

"Suốt hơn 2 năm đợi chờ không có tin tức, tôi cứ nghĩ không còn cơ hội gặp lại chồng nữa. Nhưng rồi, hạnh phúc vỡ òa khi nhìn thấy ông ấy được các chú bộ đội dẫn về tận nhà. Ngày về, chẳng ai trong làng nhận ra ông nữa", cụ Hương nhớ lại ngày chồng trở về.

Bóng tối ngày về

Cũng từ đó đến nay, suốt 50 năm trôi qua, cuộc sống của cụ Phụng chìm trong bóng tối. Đôi mắt bị mù, cánh tay phải cũng bị thương rất nặng khiến cụ chỉ ngồi một chỗ, cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào người thân. Thời gian sau đó, nhờ cố gắng nên cụ đã tập mò mẩm, tập làm quen với cuộc sống, tự sinh hoạt cá nhân, đi lại quanh nhà.

Cuộc sống sau ngày trở về từ chiến trường của cựu chiến binh bị bom đạn tàn phá khuôn mặt, mù đôi mắt  - Ảnh 2
50 năm qua cuộc sống cụ Phụng chìm trong bóng tối -Ảnh: Gia đình cung cấp

Đợi chờ mãi, cuối cùng, hạnh phúc cũng vỡ òa khi hai năm sau, họ đón chào cô con gái đầu lòng và đó cũng là người con duy nhất của cặp vợ chồng bất hạnh.

Chồng tàn tật sau ngày trở về từ chiến tranh, gánh nặng đeo lên vai cụ Hương. Khi còn khỏe mạnh, cụ bà làm ruộng, đi làm thuê làm mướn khắp nơi để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Nay già yếu, cuộc sống của họ trông chờ vào khoản tiền trợ cấp xã hội 750 nghìn đồng/tháng của cụ Phụng.

Cô con gái duy nhất của hai cụ là Trần Thị Kim Liễu (44 tuổi) lấy chồng gần nhà nên thường xuyên qua lại giúp đỡ, chăm sóc lúc ốm đau. Chị cũng không có việc làm ổn định, hàng ngày bán bánh mỳ và vé số dạo kiếm sống.

Giờ đây, sống ở những ngày tháng cuối cuộc đời nhưng ký ức về cuộc chiến tranh vẫn in hằn trong tâm trí của cụ Phụng như thể vừa mới xảy ra ngày hôm qua. Dù cơ thể không lành lặn nhưng cụ vẫn cho mình là người may mắn vì còn sống sót trở về.

"Trở về với hình hài là một người tàn phế nhưng tôi vẫn cho mình là người may mắn hơn những đồng đội của tôi. Trận đánh năm ấy, họ đã ngã xuống rất nhiều. Những vết thương mà tôi đang mang suốt 50 năm qua chưa là gì so với sự hi sinh cao cả của đồng đội.

Tôi chỉ thấy buồn là trở thành gánh nặng cho vợ con, khiến những người thương yêu nhất phải vất vả", ông Phụng thở dài chia sẻ.

Số phận đáng thương của bé trai 3 tuổi bị cha bỏ rơi, mắc phải căn bệnh hiểm nghèo

Bé Giang chào đời được 40 ngày thì người cha bỏ đi biền biệt sau khi chối bỏ trách nhiệm với vợ con. Người mẹ đau đớn ôm con về nhà ngoại ở. Lên 6 tháng tuổi, bé được phát hiện mắc bệnh tim bẩm sinh. Sau ca phẫu thuật biến chứng, Giang phải sống đời thực vật.

TIN MỚI NHẤT