Bị gián chui vào tai trong lúc ngủ, cần xử trí thế nào khi côn trùng chui vào tai?

Sống khỏe 09/03/2021 15:03

Tùy từng loại côn trùng, tùy kích cỡ, sẽ có cách xử trí phù hợp và an toàn khi bị chúng chui vào tai. Đặc biệt không nên dùng mẹo để xử trí để tránh gây hại cho tai

Các bác sĩ của khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí mới tiến hành xử trí một trường hợp gián chui vào tai trong lúc ngủ. Đặc biệt là khi các bác sĩ can thiệp thì con vật này vẫn còn sống cử động gây đau tai người bệnh.

Đó là trường hợp bệnh nhân 34 tuổi, ở Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Trong lúc đang ngủ dưới sàn nhà thấy có hiện tượng ngứa sau đó đau trong tai.

Nghi ngờ có côn trùng chui vào tai ngay sau đó người bệnh đã được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Qua thăm khám và khai thác tiền sử bệnh các bác sĩ phát hiện bên ngoài ống tai người bệnh có chân của côn trùng đang cử động.

Nội soi tai mũi họng phát hiện một con gián kích thước khoảng 1,5 - 2 cm đang chui trong ống tai.

Bị gián chui vào tai trong lúc ngủ, cần xử trí thế nào khi côn trùng chui vào tai? - Ảnh 1

Con gián dài 2cm được gắp khỏi ống tai người bệnh

Ngay sau đó các bác sĩ đã tiến hành gắp côn trùng ra khỏi tai người bệnh. Tuy nhiên trước khi thực hiện thủ thuật các bác sĩ đã làm chết con gián để giảm tác động gây đau cho người bệnh.

Qua trường hợp này, bác sĩ Uông Hồng Hợp, Trưởng khoa Tai Mũi Họng của bệnh viện khuyến cáo, khi côn trùng chui vào tai người bệnh cần bình tĩnh xử trí bằng cách dùng nước sạch (nước lọc hoặc nước muối) đổ vào tai nghi ngờ có dị vật, giữ nguyên 10 - 15 phút để côn trùng chết hoặc bay ra khỏi tai. Sau đó đưa người bệnh đến cơ sở y tế có chuyên khoa gần nhất để can thiệp.

Khi bị côn trùng chui vào tai, người bệnh sẽ cảm nhận được tai bị tấn công và mức độ đau sẽ khác nhau tùy người. Côn trùng nhỏ thì cơn đau nhẹ, nhưng cũng có nhiều trường hợp đau dữ dội do bị đốt. Một số còn bị chảy nước hoặc chảy máu do côn trùng cắn sâu vào màng nhĩ.

Trường hợp bị đau dữ dội, thậm chí chảy máu, cần đến bệnh viện ngay. Bệnh viện có đủ trang thiết bị y tế hiện đại để gắp côn trùng ra và đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.

Nếu loại côn trùng chui vào tai có kích thước lớn thì bạn cần làm nó chết trước khi lấy ra ngoài để tránh làm tổn thương ống tai. Với côn trùng nhỏ, chỉ cần sử dụng nước rửa chuyên dụng để làm chết rồi dùng thủ thuật gắp ra an toàn. Sau khi lấy côn trùng ra cần rửa sạch tai và nhỏ thuốc vào tai vài ngày sau để tránh nhiễm trùng.

Lưu ý, không tự ý xử trí côn trùng chui vào tai bằng những cách dân gian như hơ lá, xông hơi hay dùng tăm bông ngoáy vào tai. Làm như vậy sẽ khiến côn trùng hoảng sợ, chạy sâu vào trong. Sự thiếu hiểu biết không giết được con vật mà còn khiến bệnh nhân có nguy cơ bị tai biến và thương tật vĩnh viễn suốt đời. Cũng không nên quá lo lắng, hốt hoảng có thể kích động khiến côn trùng chui sâu vào trong tai.

Để phòng ngừa côn trùng chui vào tai cần chú ý:

– Sống sạch sẽ, dọn dẹp nhà cửa thoáng mát để hạn chế côn trùng ẩn náu.

– Ngủ giường, hạn chế ngủ trên đất hay những nơi ẩm thấp, khi đi ngủ cần mắc màn để hạn chế tối đa tình trạng trên.

– Với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, phải vệ sinh sạch sẽ sau khi bé bú sữa, thay quần áo, ga, áo gối thường xuyên để côn trùng không bị dụ tới.

Người già mắc chứng nhớ nhớ quên quên do nguyên nhân gì và cách phòng ngừa ra sao?

Sa sút trí tuệ là hội chứng lâm sàng bị gây ra bởi tổn thương não, gây ra tình trạng nhớ nhớ quên quên của người già. Làm thế nào để phòng ngừa và cải thiện tình trạng này?

TIN MỚI NHẤT