Vụ chìm ca nô làm 17 người tử vong thương tâm: Vì sao lại cho hoán cải những tàu cao tốc thân nhỏ mà bố trí tới 35 ghế ngồi?

Xã hội 04/03/2022 09:07

Vụ chìm ca nô khiến 17 người tử vong ở biển Cửa Đại (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) khiến dư luận chấn động. Hiện, cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra, làm rõ một số vấn đề liên quan.

Liên quan đến vụ chìm ca nô trên biển Cửa Đại khiến 17 người tử vong ngày 26/2, theo Người Lao Động, Cục Đường thủy nội địa và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã có báo cáo về vụ việc.

Theo báo cáo, trước thời điểm xảy ra vụ chìm tàu, Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Nam đã phát nhiều tin cảnh báo thời tiết nguy hiểm trên biển. Trong đó, vào lúc 16 giờ ngày 25/2 và 4 giờ ngày 26/2, đài dự báo vùng biển Quảng Nam có mưa rải rác, gió Đông Bắc mạnh cấp 5, có nơi cấp 6, giật trên cấp 6. Tầm nhìn xa trên 10 km, giảm xuống 4-10 km trong mưa; sóng biển cao 1,5 - 2,5 m; biển động. Trong khi đó, phương tiện bị nạn mang cấp VR-SB, được hoạt động trong điều kiện gió không quá cấp 5.

Cục Đường thủy nội địa cho rằng với điều kiện thời tiết được dự báo có nơi cấp 6, giật trên cấp 6 thì người thực hiện thủ tục cần dừng việc cấp phép cho phương tiện hoạt động để bảo đảm an toàn theo quy định. Tuy nhiên, phương tiện vẫn được đơn vị thuộc xã Tân Hiệp cấp giấy phép rời bến. Đây cũng là vấn đề về trách nhiệm của người làm thủ tục và cần được xem xét để xác định nguyên nhân xảy ra tai nạn. 

chim ca no 1
Chiếc ca nô du lịch gặp nạn khiến 17 người tử vong - Ảnh: Internet

Mới đây, theo báo Công an Nhân Dân, trước câu hỏi vì sao cơ quan đăng kiểm lại cho hoán cải những tàu cao tốc thân nhỏ, diện tích chỉ 20-25m2 mà bố trí tới 35 ghế và sau vụ tai nạn, cơ quan đăng kiểm có dự định xem xét lại các quy định về thiết kế, tốc độ, số lượng hành khách thế nào? Ông Nguyễn Vũ Hải, Cục phó Đăng kiểm Việt Nam cho hay, mỗi tàu cao tốc khi hoán cải đều có thiết kế theo quy chuẩn và được thẩm định thiết kế, giám sát kỹ thuật trong quá trình hoán cải, sau đó mới được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm.

Bộ phận chức năng của Cục Đăng kiểm Việt Nam đã thẩm định thiết kế tàu đảm bảo tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Quy chuẩn này được xây dựng dựa trên Bộ luật quốc tế về an toàn tàu cao tốc của Tổ chức Hàng hải quốc tế, quy định của các quốc gia tiên tiến và quy phạm của các tổ chức đăng kiểm hàng đầu thế giới.

chim ca no 2
Công tác cứu nạn trục vớt tàu Phương Đông 05 - Ảnh: Công an Nhân dân

Tàu cao tốc bị nạn có không gian khoang khách để bố trí ghế ngồi cho hành khách, có lối thoát hiểm ở phía trước và phía sau, có áo phao cho hành khách, thuyền viên và được cất giữ tại nơi dễ lấy. Đây là tiêu chuẩn kỹ thuật do Tổ chức hàng hải quốc tế quy định với tàu khách cao tốc. Tổ chức Hàng hải quốc tế đã nghiên cứu và ban hành Bộ luật quốc tế về an toàn tàu cao tốc năm 1994 và năm 2000 họ đánh giá tất cả rủi ro trong hoạt động của tàu đến mức chấp nhận được.

Về cứu nạn tàu cũng vậy, chúng ta không thể nói cảm tính là nếu mui hở thì hành khách sẽ thoát. Vì nếu mui hở, vận hành tàu bình thường đã tiềm ẩn rủi ro gây mất an toàn cho tàu và hành khách. Tàu 35 chỗ tương tự có cùng lượng chiếm nước và các kích thước chính, nếu chỉ chạy tốc độ dưới 10 hải lý/h thì không phải là tàu cao tốc nên không bắt buộc khoang khách kín. Các chủ tàu có thể chở khách theo nhu cầu.

Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng cho hay, thực hiện chỉ đạo, tới đây Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu quy định mới của Tổ chức Hàng hải quốc tế và các quốc gia, tổ chức đăng kiểm tiên tiến để đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia nhằm tăng cường tính an toàn kỹ thuật của phương tiện.

Lãnh đạo Phòng Cảnh sát đường thủy (Công an tỉnh Quảng Nam) thông tin thêm,  khác với đường bộ, trên đường thủy tốc độ quy định cho từng phương tiện rất cụ thể. Mỗi tàu được chạy tối đa bao nhiêu km/h. Việc quản lý tốc độ trên tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm hiện nay thông qua thiết bị giám sát trên tàu cao tốc, không phải dùng máy đo như trên đường bộ.

Tuy nhiên, Cảnh sát giao thông đường thủy chưa kết nối với thiết bị giám sát hành trình của các tàu. Sắp tới, Nghị định 135/2021 thay thế Nghị định 165/2013, Cảnh sát giao thông đường thủy sẽ được bổ sung thiết bị giám sát tốc độ phương tiện. Tuy nhiên, vẫn cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, doanh nghiệp sở hữu tàu để giám sát tốc độ phương tiện.

chim ca no 3
Thiết bị giám sát hành trình truyền về lần cuối vào tháng 4.2020 - Ảnh: Thanh Niên

Trước đó, theo Thanh Niên, tàu Phương Đông 05 đã lắp thiết bị AIS để lưu trữ thông tin về hành trình, tốc độ. Theo thông tin từ Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam, hệ thống giám sát thiết bị nhận dạng tự động (AIS) tàu biển của công ty không nhận được tín hiệu AIS của phương tiện QNa-1152 từ 4/12/2020.

Việc này trái với quy định của Thông tư 17/2018 nêu rõ chủ tàu, chủ phương tiện và thuyền trưởng có trách nhiệm duy trì hoạt động của thiết bị AIS lắp đặt trên tàu thuyền theo chế độ 24/7 để truyền phát bản tin AIS.

Ngoài ra, ca nô du lịch Phương Đông 05 lắp vô tuyến điện, thiết bị quan trọng trong công tác tìm kiếm cứu nạn. Tuy nhiên, sau tai nạn, thuyền trưởng đã ra nơi tàu đắm để lấy thiết bị. Cục Đường thủy cho biết đã trao đổi với Sở GTVT Quảng Nam liên hệ với cơ quan công an để xử lý.

Vụ chìm ca nô thương tâm ở biển Cửa Đại: Hành động đẹp của người dân Hội An và lời cảm ơn từ phương xa

Liên quan đến vụ chìm ca nô khiến 17 người tử vong, mới đây, người dân Hội An và một số địa phương lân cận đã tổ chức quyên góp nhằm chia sẻ, xoa dịu bớt nỗi đau của gia đình các nạn nhân.

TIN MỚI NHẤT