Nội soi gắp thành công viên pin kẹt ở thực quản bé gái 20 tháng tuổi, bác sĩ chỉ ra các dấu hiệu trẻ nuốt phải dị vật

Xã hội 04/05/2022 08:39

Đây là ca bệnh khó do dị vật là cục pin có kích thước lớn, bề mặt trơn nhẵn, vị trí thực quản lại bị tổn thương nặng nề.

Theo VTV đưa tin, Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình vừa nội soi gắp thành công cho một bé gái 3 tuổi nuốt viên pin nằm trong thực quản gần 1 tuần. Khoảng 1 tuần trước khi nhập viện, bệnh nhi ở nhà quấy khóc nhiều, kèm theo nôn và bỏ ăn. Lo lắng cho sức khỏe của con nên gia đình đưa bệnh nhi vào bệnh viện thăm khám.

Sau khi được thăm khám và chụp phim X-quang, các bác sĩ phát hiện dị vật hình tròn kim loại trong thực quản của bệnh nhi. Các bác sĩ đã khẩn trương hội chẩn và chuyển bệnh nhi vào nội soi can thiệp cấp cứu gắp dị vật đường tiêu hóa.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị An Trang - người trực tiếp nội soi cho bệnh nhi, đây là ca bệnh khó do dị vật là cục pin có kích thước lớn, bề mặt trơn nhẵn, vị trí thực quản lại bị tổn thương nặng nề. Kết quả sau hơn 2 tiếng nội soi can thiệp, ê-kíp đã gắp ra một cục pin đường kính 2cm, toàn bộ lớp vỏ pin đã bị oxy hóa ăn mòn, thực quản bị tổn thương nặng nề.

Cũng theo bác sĩ Trang, nếu không tiến hành loại bỏ cục pin kịp thời thì bệnh nhi có thể bị thủng thực quản bất kỳ lúc nào. Hiện tại, bệnh nhi đã tỉnh táo, ổn định về sức khoẻ và đang được theo dõi, điều trị sát sao.

Nội soi gắp thành công viên pin kẹt ở thực quản bé gái 20 tháng tuổi, bác sĩ chỉ ra các dấu hiệu trẻ nuốt phải dị vật  - Ảnh 1
Viên pin được gắp ra ngoài thành công - Ảnh: VTV

Trước đó, theo thông tin của Sức khỏe và Đời sống, bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, đơn vị vừa gắp thành công dị vật là móc của ổ khóa trong dạ dày bé 20 tháng tuổi.

Qua khai thác bệnh sử, người nhà bệnh nhi cho biết, trong lúc chơi đùa, cháu N. có cầm ổ khóa trên tay, một lúc sau, người nhà phát hiện ổ khóa bé N cầm không còn móc khóa nên đã đưa cháu đến bệnh viện huyện để thăm khám. Sau đó, bệnh viện đa khoa huyện đã chuyển bệnh nhi N. lên Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để cấp cứu và điều trị.

BS Hồ Thị Thảo - người tham gia điều trị cho bệnh nhân cho biết, dị vật đường tiêu hóa là một tình huống cấp cứu thường gặp. Tai nạn sinh hoạt hy hữu này có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào, đặc biệt là trẻ nhỏ từ 2-7 tuổi.

Dị vật đường tiêu hóa rất đa dạng, có thể là đồng xu, pin, kim khâu, tăm tre, que kẹo mút, xương cá, kẹp tóc, ghim giấy, ốc vít, nút áo… là những vật thường thấy trong đời sống hằng ngày, thường trẻ do vô tình hay cố ý nuốt phải trong quá trình ăn uống, sinh hoạt, chơi đồ chơi,...

Nội soi gắp thành công viên pin kẹt ở thực quản bé gái 20 tháng tuổi, bác sĩ chỉ ra các dấu hiệu trẻ nuốt phải dị vật  - Ảnh 2
Dị vật được lấy ra khỏi dạ dày bệnh nhân N. - Ảnh: báo Sức khỏe và Đời sống

Tuy nhiên, trên thực tế có một số bệnh nhân bị mắc phải dị vật lúc nào cũng không biết, chỉ đến khi có các dấu hiệu nặng, đi khám bệnh mới phát hiện dị vật.

Đối với dị vật tại thực quản, trẻ thường có các triệu chứng như nuốt vướng, nuốt nghẹn, đau khi nuốt, đau sau xương ức; có thể quấy khóc hoặc buồn nôn và nôn; có thể khạc ra máu nếu các dị vật gây biến chứng ở thực quản như viêm, áp-xe,...

Còn khi bị dị vật đường tiêu hóa, trẻ thường kêu đau bụng, quấy khóc, buồn nôn, ăn không tiêu. Nếu dị vật để lâu trong dạ dày gây thủng nội tạng, chảy máu...

BS Thảo khuyến cáo, khi nghi ngờ trẻ đã nuốt dị vật, cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa để được thăm khám, điều trị can thiệp kịp thời. Tuyệt đối không nên tự ý điều trị tại nhà, không chữa theo mẹo dân gian, không cố nuốt thêm thức ăn hay chỉ chờ đợi với mục đích làm dị vật "trôi" xuống vì điều này có thể làm tổn thương thêm đường tiêu hóa và khiến bệnh thêm phức tạp.

Ông cụ 71 tuổi bị thủng trực tràng do nuốt viên thuốc nguyên vỏ

Bệnh viện Hữu Nghị vừa phẫu thuật cho cụ ông 71 tuổi, ở quận Cầu Giấy, TP Hà Nội bị thủng ống hậu môn trực tràng do nuốt vỏ thuốc.

TIN MỚI NHẤT