Các loại bánh và mứt cổ truyền trong ngày tết ở Việt Nam

Vào bếp 27/12/2022 11:45

Có rất nhiều bánh và mứt cổ truyền ngày tết. Cùng tìm hiểu chúng trong bài viết này để hiểu được một số nét đặc sắc trong dịp tết của người Việt mình nhé.

Nội dung bài viết

Có thể nói, Tết cổ truyền là dịp lễ lớn nhất của dân tộc Việt, đây là dịp các thành viên quây quần bên nhau, hỏi thăm về một năm cũ đã qua và cùng trải qua những giờ khắc cầu may mắn cho một năm mới đang tới. Trong đó, không thể thiếu những món ngon đặc trưng, là lời mở đầu cho mọi câu chuyện và là biểu tượng mang không khí tết đến với mọi nhà. Đa dạng, độc đáo, thơm ngon và ý nghĩa là những mỹ từ chỉ vì các món ngon đặc sản ngày tết này. Cụ thể là những món ngon khó cưỡng nào?! Hãy cùng tìm hiểu ở ngay bài viết dưới đây nhé!

Các loại bánh cổ truyền trong ngày tết

1. Bánh chưng

Các loại bánh và mứt cổ truyền trong ngày tết ở Việt Nam - Ảnh 1
 Bánh chưng - món bánh gắn liền với nét đẹp Tết cổ truyền Việt!

Trên bàn thờ tổ tiên của mỗi gia đình không thể thiếu cặp bánh chưng xanh, bánh chưng là linh hồn của ngày tết và là loại bánh có lịch sử lâu đời trong nền văn hóa ẩm thực của Việt Nam. Bánh được làm từ loại gạo nếp ngon, đậu xanh, thịt lợn và được gói vuông vức bằng lá dong sau đó đem luộc suốt 14 tiếng đến khi chín. Bánh dẻo, thơm mùi thơm của gạo nếp và có màu xanh của lá, mang đầy hương vị thơm ngon và thân thương của nền ẩm thực Việt.

2. Bánh tẻ

Ngoài bánh chưng, bánh tẻ là món không thể thiếu tại các vùng quê miền đồng bằng sông Hồng trong dịp năm mới. Dù món bánh này xuất hiện quanh năm, nhưng cứ đến Tết, hương vị và không khí nó mang lại cũng trở nên rất đặc biệt.

Gạo làm bánh tẻ phải là gạo mới, hạt dài, trắng trong, không có nấm mốc. Sau khi vo kĩ, người ta ngâm gạo vào nước lạnh trong vòng 12 tiếng để hạt gạo nở đều, sau đó xay thành bột. Nhân bánh thì được làm từ hành lá, mộc nhĩ (nấm mèo), thịt ba chỉ băm nhỏ,....mang đến một hương vị đặc trưng vô cùng hấp dẫn.

3. Bánh tro

Để chế biến món bánh tro, người ta phải trải qua khá nhiều công đoạn phức tạp. Đầu tiên phải chế ra nước tro từ cây dền gai, rơm nếp hay tro vỏ bưởi, sau đó đánh với nước vôi trong. Tiếp tục ngâm gạo nếp vào nước tro này để gạo mềm và trong. Sau đó đem bánh đi gói rồi luộc hoặc hấp. Kỳ công và tỉ mỉ là vậy, nhưng thành phẩm chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng đâu!

4. Bánh tổ

Bánh tổ
Bánh tổ là loại bánh đặc sản của người Quảng Nam!

Đây là loại bánh đặc trưng của người Quảng Nam, có nguồn gốc từ những người gốc Bắc di cư vào vùng đất này sinh sống từ xa xưa, vì nhớ về quê cha đất tổ nên cứ đến dịp Tết là họ lại làm bánh tổ để cúng tổ tiên.

Bánh tổ (hay bánh ổ) có nguyên liệu đơn giản là nếp hương và đường đen. Đầu tiên người ta thắng đường, gạn bỏ hết các tạp chất, còn nếp thì đem xay thành bột thật mịn. Đem đường và nếp trộn đều, cho thêm chút nước cốt gừng cho thơm. Đảm bảo cắn một miếng thôi là "mê đắm" luôn nhé!

5. Bánh hồng đào

Bánh hồng đào (hay còn gọi là bánh lá liễu, bánh ba góc) gồm phần da bánh làm từ bột há cảo trộn bột nếp nhồi nước sôi rồi pha vài giọt phẩm đỏ để có màu hồng đẹp mắt. Phần nhân bánh gồm thịt nạc, tôm khô, nấm đông cô và đậu phộng băm nhỏ, tẩm gia vị rồi xào sơ.

6. Bánh phồng cá dãnh

Loại bánh này chỉ xuất hiện vào dịp cuối năm và Tết âm lịch, vào thời điểm cá dãnh theo bầy từ Campuchia tràn về các vùng sông nước miền Tây. Người ta sẽ chọn những con cá còn tươi, nhiều thịt, đem bỏ đầu, đuôi và ruột rồi quết nhuyễn. Sau đó cho thêm lòng trắng trứng vịt cùng bột mì và các loại gia vị cho thơm rồi quết tiếp một lần nữa cho đều.

Bên cạnh các loại bánh mặn ngọt, thơm ngon thì chúng ta cũng không thể không kể đến những loại mứt dẻo thơm, ngon mắt ngon miệng cho mỗi dịp tết được!

Các loại mứt cổ truyền trong ngày tết

Mứt cổ truyền

1. Mứt dừa

Mứt dừa không những thơm ngon, ngọt bùi mà còn mang ý nghĩa quây quần, sum vầy hạnh phúc cho cả gia đình, bạn bè trong năm mới. Mứt dừa được nhiều gia đình lựa chọn trong khay mứt Tết, các bà nội trợ chỉ cần bỏ chút thời gian là có thể tự tay làm món mứt dừa vừa thơm ngọt, vừa đảm bảo vệ sinh cho cả gia đình.

Với cách chế biến không quá phức tạp, món mứt dừa ngày nay đã được sản xuất ra ngày càng phong phú và đa dạng hơn về màu sắc cũng như hương vị, tạo nên sự bắt mắt và thú vị cho người thưởng thức.

Xem: Hai cách làm mứt dứa dẻo đơn giản để đãi khách ngày tết

2. Mứt quất

Mứt quất có màu vàng, mang ý nghĩa đặc biệt trong năm mới. Cây quất thường đơm hoa kết trái vào độ tháng 6 âm lịch. Lúc này, trái bắt đầu lớn dần, chín đúng vào dịp Tết và thường được dùng để làm mứt. Khi ngậm một miếng mứt quất vào miệng để thưởng thức, cái vị ngòn ngọt, the the, tê tê ngay từ khi chạm vào đầu lưỡi như tạo một cảm giác ấm nồng giữa tiết trời xuân se lạnh. Mứt quất có tác dụng kích thích tiêu hoá, làm ngon miệng, chữa ho.

3. Mứt hạt sen

Các loại bánh và mứt cổ truyền trong ngày tết ở Việt Nam - Ảnh 4
 Mứt hạt sen bùi ngon, ngọt dịu cùng hương thơm dịu mát!

Vị thanh mát, bùi bùi của mứt hạt sen đem đến cho người thưởng thức sự thích thú nơi đầu lưỡi. Không chỉ mang hương vị độc đáo, bổ dưỡng mà mứt hạt sen còn có ý nghĩa một năm mới sum họp, con cháu đầy nhà. Để làm ra một đĩa mứt sen ngon và đạt yêu cầu thành phẩm thì mất khá nhiều thời gian và cầu kì từ việc lựa chọn, sơ chế và chế biến. Nhưng hương vị thì khiến mọi thực khách không thể chối từ được!

Trên đây là tổng hợp các loại bánh và mứt nổi bật trong dịp Tết cổ truyền của người Việt. Mỗi món ngon ở trên đều mang những ý nghĩa, hương vị và cách chế biến độc đáo riêng, đại diện cho nhiều vẻ đẹp văn hóa vùng miền và chứa đựng những lời cầu chúc may mắn bên trong mỗi món ăn. Hy vọng với những thông tin mới được chia sẻ trên đây, các chị em độc giả sẽ chọn lựa được những món ngon đặc sản ngày tết, để thiết đãi gia đình và những vị khách quý của mình nhé!

Cách gói bánh chưng vuông đẹp không cần khuôn

Gói bánh chưng có khuôn dễ hơn nhưng nếu không có khuôn thì sao? Đừng lo vì đã có cách gói bánh chưng vuông đẹp không cần khuôn đơn giản này rồi nhé.

TIN MỚI NHẤT