Trẻ em dưới 5 tuổi là F0 đang điều trị tại nhà có dấu hiệu dưới đây cần phải liên hệ y tế ngay

Tin y tế 17/03/2022 10:02

Bộ Y tế cho biết, đến nay hơn 3,5 triệu người mắc COVID-19 ở nước ta đã khỏi bệnh; trong số các ca đang điều trị có 4.210 F0 nặng.

Theo báo Sức khỏe và Đời sống đưa tin, Bộ Y tế vừa ban hành "Hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc COVID-19" đối với F0 là trẻ dưới 5 tuổi. Cụ thể, theo hướng dẫn, người chăm sóc, quản lý F0 cần theo dõi dấu hiệu như: tinh thần, bú/ăn, đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày, đếm nhịp thở, mạch, đo SpO2 (nếu có máy đo), mầu sắc da, niêm mạc, rối loạn tiêu hóa.

Khi phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu phải thông báo ngay cho cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà: Trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động, trung tâm vận chuyển cấp cứu... để được khám bệnh, xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời hoặc đưa trẻ mắc COVID-19 đến các cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh.

  1. Tinh thần: trẻ quấy khóc không chịu chơi, không hóng chuyện hoặc li bì, hoặc co giật.
  2. Sốt cao liên tục > 39oC và khó hạ thân nhiệt bằng các phương pháp như dùng thuốc hạ sốt + chườm/lau người bằng nước ấm. Hoặc sốt không cải thiện sau 48 giờ.
  3. Trẻ thở nhanh hơn so với tuổi: Trẻ < 2 tháng khi thở ≥ 60 lần/phút; Trẻ từ 2 tháng đến < 12 tháng khi thở ≥ 50 lần/phút; Trẻ từ 12 tháng đến < 5 tuổi khi thở ≥ 40 lần/phút.
  4. Trẻ thở bất thường: Khó thở, thở phập phồng cánh mũi, co kéo hõm ức, cơ liên sườn.
  5. SpO2 < 96% (nếu có máy đo SpO2)
  6. Tím tái
  7. Mất nước: môi se, mắt trũng, khát nước, đái ít.
  8. Nôn mọi thứ
  9. Trẻ không bú được hoặc không ăn, uống được
  10. Trẻ mắc thêm các bệnh khác như: sốt xuất huyết, tay chân miệng...
  11. Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của trẻ em mà thấy cần khám, chữa bệnh
Trẻ em dưới 5 tuổi là F0 đang điều trị tại nhà có dấu hiệu dưới đây cần phải liên hệ y tế ngay - Ảnh 1
Phát hiện trẻ có dấu hiệu thì người theo dõi, chăm sóc F0 điều trị tại nhà cần liên lạc với y tế ngay - Ảnh: Sức khỏe và Đời sống

Theo thông tin của VTV, thống kê từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 6.820.458 ca mắc COVID-19, đứng thứ 20/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 130/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 69.015 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 6.812.818 ca, trong đó có 3.547.488 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (891.145), TP. Hồ Chí Minh (575.229), Bình Dương (349.319), Bắc Ninh (242.371), Nghệ An (297.937). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 168.954 ca/ngày.

Trước tình hình dịch bệnh đang gia tăng do biến chủng Omicron, việc bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao vẫn là biện pháp rất quan trọng. TP.HCM tiếp tục triển khai chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ mở rộng cho người trên 50 tuổi và người có bệnh nền ở mọi lứa tuổi.

Khi trong nhà có người thuộc nhóm nguy cơ cao nghi mắc COVID-19 hoặc F0 trở nặng, có dấu hiệu suy hô hấp (thở nhanh, hoặc khó thở hoặc SpO2 dưới 96%) thì người nhà cần liên hệ đến trạm y tế/trạm y tế lưu động nơi cư trú để được hỗ trợ xử trí cấp cứu và chuyển người bệnh đến bệnh viện gần nhất.

Nếu gọi không được thì có thể liên hệ tiếp tổng đài 1022 nhấn phím 3, hotline của HCDC (08 6957 7133), Sở Y tế TP (096 7771 010) để được hỗ trợ.

Bộ Y tế: Hướng dẫn mới nhất về dỡ bỏ cách ly cho trẻ em mắc COVID-19

Bộ Y tế mới đây đã có hướng dẫn mới về chẩn đoán và điều trị COVID-19 ở trẻ em, trong đó có hướng dẫn dỡ bỏ cách ly/xuất viện với trẻ mắc COVID-19.

TIN MỚI NHẤT