Trưởng khoa Cấp cứu BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương: "Tất cả các bác sỹ khi tham gia chống dịch đều xác định mình có nguy cơ nhiễm Covid-19"

Xã hội 23/03/2020 16:13

"Tất cả các bác sỹ khi tham gia chống dịch, đều xác định mình có nguy cơ nhiễm Covid-19, nguy cơ ấy là xác suất nên không thể tránh khỏi. Trong các trang thiết bị phòng hộ cá nhân, không có loại nào bảo hộ được 100%", bác sĩ Nguyễn Trung Cấp nói.

Sáng 23/3, Bộ Y tế công bố thêm 3 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số người mắc lên 116. Trong số đó, một bác sỹ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, được xác định là nhân viên y tế đầu tiên bị lây nhiễm trong quá trình làm việc.

Được biết, bác sỹ 29 tuổi tham gia chống dịch từ 31/1 với các công việc: khám sàng lọc các bệnh nhân nghi Covid-19 đến Bệnh viện, điều trị những bệnh nhân được chẩn đoán dương tính và tham gia cấp cứu một số bệnh nhân nặng.

Trong quá trình làm việc, anh được cấp đầy đủ trang thiết bị phòng hộ cá nhân. Sau giờ làm việc, anh nghỉ và sinh hoạt ở khu vực cách ly dành cho nhân viên y tế trong bệnh viện.

Ngày 19/03, nam bác sỹ xuất hiện triệu chứng đau rát họng, ngày 20/03 xuất hiện thêm triệu chứng ho, đau mỏi cơ, sốt. Ngày 21/03, anh tự cách ly tại khu vực đệm của khoa Cấp cứu, được xét nghiệm cho kết quả xét nghiệm tại bệnh viện dương tính với SARS-CoV-2 và gửi mẫu bệnh phẩm sang viện Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

Trưởng khoa Cấp cứu BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương: 'Tất cả các bác sỹ khi tham gia chống dịch đều xác định mình có nguy cơ nhiễm Covid-19' - Ảnh 1

Ảnh minh họa

Các nhân viên y tế cùng làm với anh đã được đưa vào diện giám sát. Xét nghiệm lần đầu ngày 21/3 tất cả các nhân viên này âm tính với virus SARS-CoV-2. Hiện tại bệnh nhân đang được cách ly và điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, tình trạng sức khoẻ ổn định.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp -Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết từ trước đến nay, Bệnh viện luôn áp dụng quy trình bảo hộ nhân viên y tế do Bộ Y tế ban hành. 

"Tất cả các bác sỹ khi tham gia chống dịch, đều xác định mình có nguy cơ nhiễm Covid-19, nguy cơ ấy là xác suất nên không thể tránh khỏi. Trong các trang thiết bị phòng hộ cá nhân, không có loại nào bảo hộ được 100%. Ví dụ khẩu trang N95 chỉ bảo vệ khỏi 95% mầm bệnh, vẫn sót 5%", bác sĩ Cấp nói.

Trước đó, ngày 19/2, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm Covid-19 trong các cơ sở khám, chữa bệnh. 

Cụ thể, phòng hộ cá nhân (gồm quần áo bảo hộ, mũ trùm đầu, kính, găng tay, khẩu trang, ủng cao su... ) là phương tiện thiết yếu bảo vệ nhân viên y tế trước nguy cơ lây nhiễm khi tiếp xúc với máu, dịch tiết và giọt mồ hôi mang các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm, khi tiếp xúc gần với người bệnh. Việc mang phương tiện phòng hộ cá nhân khi chăm sóc người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 là biện pháp quan trọng nhất trong phòng ngừa lây nhiễm cho nhân viên y tế.

Trưởng khoa Cấp cứu BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương: 'Tất cả các bác sỹ khi tham gia chống dịch đều xác định mình có nguy cơ nhiễm Covid-19' - Ảnh 2

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp -Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Phương Thảo.

Nhằm bảo đảm an toàn, giảm thiểu tới mức thấp nhất lây nhiễm bệnh cho nhân viên y tế, người bệnh khác và cộng đồng, Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bố trí đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân đạt tiêu chuẩn cho tất cả nhân viên y tế, đặc biệt là khi thực hiện khám sàng lọc, các kỹ thuật cận lâm sàng, chăm sóc và điều trị trực tiếp người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19.

Thực hiện tiếp nhận, phân luồng, sàng lọc, cách ly người bệnh theo quy định. Hướng dẫn người bệnh khi đến khám bệnh phải đeo khẩu trang ngay từ khu vực tiếp nhận. Khu vực khám sàng lọc không bố trí nơi đông người, bảo đảm khoảng cách tối thiểu cho người chờ khám ít nhất 2m.

Tăng cường kiểm tra, giám sát tuân thủ các quy định về phòng và kiểm soát lây nhiễm Covid-19 của nhân viên y tế, người bệnh và các đối tượng liên quan. 

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã có văn bản đề nghị hạn chế tổ chức hội nghị, hội thảo tập trung; cân nhắc thay đổi hình thức, số lượng buổi giao ban, hạn chế số người tham dự giao ban bệnh viện, giao ban khoa, phòng. Tăng cường hình thức, phương thức làm việc trực tuyến, telemedicine. Tổ chức khoa học trong nhà ăn, căng-tin bệnh viện…

Các đơn vị tăng cường hình thức đặt hẹn khám bệnh qua phương tiện truyền thông, internet để giảm tối đa số lượng người bệnh tới khám, chờ khám cùng một thời điểm, bảo đảm người bệnh ngồi chờ khám cách xa nhau khoảng cách ≥ 2 mét.

Tăng cường hiệu quả điều trị để rút ngắn thời gian điều trị nội trú cho người bệnh, giữ khoảng cách giữa các giường bệnh bảo đảm cách nhau ≥ 2 mét.

Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam ngày 23/3: 123 ca nhiễm, bệnh nhân 116 là bác sĩ

Hôm nay, Bộ Y tế mới công bố thêm 10 ca nhiễm Covid-19 mới, nâng tổng số trường hợp dương tính lên 123. Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam ngày 23/3 nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân.

TIN MỚI NHẤT