Không ai yêu cầu trí tuệ nhân tạo cảm nhận vẻ đẹp của những câu thơ được chắt ra từ trái tim thi sỹ. Cũng không có phần mềm AI nào thay con người biết rung lên những điệu hồn cuộc sống.
- Chọn phim cách nhiệt tối màu có tốt không, cần chú ý điều gì?
- Sinh con đừng chọn giới, hãy chọn yêu thương
Vợ tôi ra câu lệnh cho AI: hãy sắp xếp lịch trình cho một chuyến du lịch tại Huế vào giữa tuần. Chỉ sau ít giây, kết quả mang lại cho cô ấy không kém là bao so với dịch vụ của công ty lữ hành đã gửi trước đó. Từ phương tiện đi lại thuận lợi, khách sạn, nhà hàng, thời tiết, điểm đến hấp dẫn… tất cả đều rất gọn gàng, nhanh chóng, chi tiết.
Vốn là người khá xa lạ với công nghệ nhưng kể từ ngày có AI, vợ tôi như bị “thôi miên” trong thế giới của CHAT GPT. Từ nấu ăn, chăm con đến soát lỗi văn bản, tất cả đều được cô ấy “ra lệnh” cho AI.
Vì dùng phần mềm dịch vụ AI miễn phí nên có hôm yêu cầu không đáp ứng được, vợ tôi và trí tuệ nhân tạo “cãi nhau” ầm ĩ. Mâu thuẫn đến mức, con gái tôi đang ngồi học bài phải gấp sách xuất hiện kịp thời để dàn xếp. Cháu nói với mẹ rằng, không có bữa tiệc nào ngon mà miễn phí cả. Muốn có kết quả tốt, phải bỏ tiền ra mua phần mềm bản quyền. Vốn tiết kiệm nên dẫu biết con gái nói có lý nhưng vợ tôi vẫn lờ đi và tiếp tục xài… chùa. Và vì như vậy, các cuộc cãi vã với AI chưa bao giờ dừng lại.
AI từ bao giờ đã vào gia đình tôi như một lẽ tự nhiên. Vốn kiến thức phong phú từ sách vở của tôi kể từ đó không còn là thứ “quyền lực” để thể hiện với vợ con mỗi khi tranh luận một vấn đề gì đó. Con gái phân tích một khổ thơ, khó hiểu, một điển tích phức tạp cũng không cần phải hỏi bố. Vợ thắc mắc một vấn đề về thể chế cũng “bơ” luôn ông chồng vốn từng được mệnh danh là “google” của cả nhà. Tất cả đã có AI, đã phó mặc cho AI.
Nhiều lúc tôi nói đùa, vợ chồng mình có lẽ đã đến lúc yêu nhau bằng AI, cãi nhau bằng AI rồi làm lành cũng bằng AI. Trí tuệ nhân tạo đã khiến những cảm xúc tự nhiên bị đóng băng trong chính ngôi nhà mình từ lúc nào không hay.
Hôm đọc được bài luận con gái tôi làm trong nhóm công khai của trường, tôi giật mình vì không thể tin nổi con mình có tầm nhìn xa đến như vậy. Trước thời AI, cháu vẫn còn hỏi tôi những câu chuyện ngô nghê như đúng lứa tuổi học trò. Vậy mà chỉ sau mấy tháng, một học sinh lớp 10 có thể luận cả chuyện chiến tranh thương mại như một chuyên gia muốn sắp xếp lại trật tự thế giới. Bài viết của cháu chia sẻ lên mạng xã hội nhận được rất nhiều like nhưng cũng không ít người thả mặt cười.
Thừa nhận sử dụng AI để hỗ trợ làm bài nhưng cháu lý giải, đó là cách biết “khai thác” AI đúng cách, hay sử dụng trí tuệ nhân tạo một cách thông minh. Đó là cách chọn vấn đề, đặt vấn đề, “đặt hàng” cho AI để có sản phẩm tốt. “Bỏ lỡ AI như bố là lỡ cơ hội bước ra thế giới phẳng, là tụt hậu, là cổ hủ”, cháu quả quyết khi tôi đưa ra thắc mắc.
Bày tỏ lo ngại học sinh, sinh viên lười tư duy, trở thành nô lệ của AI với một người bạn là giáo viên dạy văn, anh như bắt được “sóng cùng tần số”.
“Giờ ngồi chấm bài, nhất là những môn có đáp án rõ ràng, rất khó để biết được đâu là kết quả được làm từ AI. Dạy văn, ngoài kiến thức cơ bản mà AI có thể hỗ trợ, đó còn là câu chuyện về cảm xúc. Không ai đi bắt trí tuệ nhân tạo cảm nhận vẻ đẹp của những câu thơ được chắt ra từ trái tim thi sỹ. Cũng không có phần mềm AI nào thay con người biết rung lên những điệu hồn cuộc sống cả”, bạn tôi băn khoăn, lo lắng.
Theo anh bạn đang công tác trong ngành giáo dục, việc học sinh, sinh viên sử dụng AI hỗ trợ học tập là xu thế không thể khác. Thừa nhận AI có quá nhiều lợi ích để người học khai thác, tận dụng, mở mang kiến thức nhưng anh cho rằng, nếu quá lạm dụng AI, dần trở thành nô lệ cho AI thì vấn nạn văn mẫu trong nhà trường sẽ tiếp tục hoành hành, tạo ra những sản phẩm na ná nhau, lười tư duy, thiếu sáng tạo.
Bằng cách ra đề, đánh giá năng lực theo hướng biện luận, đề cao năng lực tư duy sáng tạo, theo anh, đó là cách để hạn chế người học sử dụng AI gian lận trong thi cử.
Một giáo viên có thâm niên gần 20 năm trong nghề lý giải rằng, bản chất của AI là tổng hợp dữ liệu nên có những kiến thức cũ, thiếu thông tin cập nhật nên không thể có đáp án chính xác. Đặc biệt vì AI không có… trái tim nên trình bày sẽ không mượt, không thể cảm xúc bằng sản phẩm của con người thật. Những học sinh nếu biết khai thác AI thông minh, việc học sẽ rất hữu ích. Nhưng nếu học gạo, lười suy nghĩ, chỉ chờ ra lệnh cho AI rồi chép kết quả, đáp án sẽ dẫn đến thành tích ảo, gian dối.
Anh cho rằng, cần kết hợp kiểm tra vấn đáp trong quá trình đánh giá năng lực người học. Phương pháp này sẽ khiến những học sinh, sinh viên lạm dụng AI không thể che đậy khả năng thực sự của mình.
“Chúng tôi khuyến khích học sinh sử dụng AI nhưng cũng khuyến cáo các em không lạm dụng AI, tuyệt đối cấm sử dụng AI để gian lận trong thi cử. Tuy nhiên, về lâu dài phải có quy định, chế tài cụ thể để tăng cường kiểm soát việc sử dụng AI một cách văn minh”, vị giáo viên chia sẻ.
AI hiện diện khắp mọi nơi, từ giảng đường, công sở, nhà máy, công xưởng đến làng quê. Lĩnh vực gì AI cũng “chen chân” vào theo các cấp độ khác nhau. Đến mức, cả những chuyện rất truyền thống, đậm bản sắc như thiết kế bàn thờ gia tiên cho một gia đình tứ đại đồng đường, xây dựng kịch bản lễ hội cầu ngư bơi chải… AI cũng dự phần và cho nhiều phương án khá tối ưu. Nhưng AI dù thông minh, tiện ích đến mấy cũng không thể thay con người biết cúi đầu thành kính trước hương án, bài vị của tổ tiên hay cảm nhận được tiếng trống hội thập thình ngoài đình, giục giã những bước chân tìm về nguồn cội.