Nam sinh bị bạo lực học đường không nhận thức được bất kỳ ai, kể cả nhóm bạn đã đánh mình: Gia đình có thể khởi kiện!

Xã hội 01/12/2023 09:18

Đây là một trong những vụ việc bạo lực học đường để lại hậu quả nặng nề, lâu dài, mà cả nạn nhân và thủ phạm đều đang ở độ tuổi trẻ em.

Theo thông tin từ Dân Trí, đã hai tháng trôi qua, sự việc cháu V.V.T.K., học sinh lớp 7 Trường THCS Đại Đồng (Thạch Thất, Hà Nội), bị nhóm bạn đánh hội đồng nhiều lần đến rối loạn tâm thần vẫn được dư luận quan tâm.

Đây là một trong những vụ việc bạo lực học đường để lại hậu quả nặng nề, lâu dài, mà cả nạn nhân và thủ phạm đều đang ở độ tuổi trẻ em.

Nam sinh bị bạo lực học đường không nhận thức được bất kỳ ai, kể cả nhóm bạn đã đánh mình: Gia đình có thể khởi kiện! - Ảnh 1
Nhóm nam sinh vừa đánh hội đồng bạn vừa quay clip - Ảnh: Tuổi Trẻ

Đánh giá về sự việc, Đại tá Phạm Trường Dân, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho rằng đây là vụ việc nghiêm trọng. Theo ông Dân, bởi vì các đối tượng bạo lực học đường gây ra hậu quả cho người khác đều là trẻ em nên bố mẹ hoặc người giám hộ các cháu bé này phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

"Xét trên khía cạnh tình người, khi con mình đánh con người ta như thế, nhìn vào hoàn cảnh gia đình như vậy, nên có trách nhiệm với cháu bị đánh, hỗ trợ về vật chất để điều trị cho nạn nhân tới khi khỏe mạnh trở lại. 

Mức hỗ trợ dựa trên thương lượng. Ngoài chi phí thuốc men điều trị thực tế còn cần tính đến chi phí chăm sóc, thiệt hại thu nhập do bố mẹ phải bỏ công bỏ việc để lo cho con", ông Dân cho hay. 

Trong trường hợp gia đình nạn nhân không nhận được hỗ trợ thỏa đáng hoặc không thỏa mãn với mức hỗ trợ, ông Dân tư vấn gia đình có thể khởi kiện ra tòa, đề nghị tòa xem xét giải quyết phù hợp với các quy định của pháp luật.

Ông Dân cũng cho biết thêm, trường hợp vụ việc bạo lực học đường xảy ra trong trường học, nhà trường cũng phải chịu trách nhiệm liên đới.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nhận định: "Hành vi của các cháu bé đối với nạn nhân trong vụ việc này là cố ý gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe cho người khác. Do các cháu bé này chưa đủ 14 tuổi, vấn đề trách nhiệm hình sự sẽ không đặt ra.

Tuy nhiên, cần phải làm rõ nguyên nhân, điều kiện để thực hiện các giải pháp phòng ngừa, xem xét các biện pháp hành chính để giáo dục các cháu bé, đồng thời xem xét trách nhiệm của người lớn khi để xảy ra sự việc như vậy.

Trong vụ việc này, cha mẹ của các cháu có hành vi đánh bạn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với toàn bộ thiệt hại đã gây ra với nạn nhân. 

Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, phục hồi sức khỏe, tiền công người chăm sóc và các thiệt hại khác phát sinh trong quá trình thăm khám điều trị đối với cháu bé này".

Nam sinh bị bạo lực học đường không nhận thức được bất kỳ ai, kể cả nhóm bạn đã đánh mình: Gia đình có thể khởi kiện! - Ảnh 2
Cháu K. bị chấn thương sọ não, đa chấn thương phần mềm sau khi bị bạn đánh hội đồng ngày 22/9 - Ảnh: Dân Trí

Ông Cường cũng đánh giá, dựa trên những thông tin ban đầu từ phía cơ quan chức năng thì sự việc xảy ra ở nhà trường nên cơ sở giáo dục cũng có một phần trách nhiệm và phải bồi thường một phần thiệt hại đối với gia đình nạn nhân.

"Mức bồi thường thiệt hại sẽ phụ thuộc vào thiệt hại cụ thể và sự thỏa thuận giữa các bên. Nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu cơ quan bảo vệ pháp luật xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật", luật sư Cường cho biết.

Trước đó, dẫn tin từ Tuổi Trẻ, chiều 28/11, ông Đỗ Công Dực, hiệu trưởng Trường THCS Đại Đồng, huyện Thạch Thất, Hà Nội, cho biết em V.V.T.K. - nam sinh bị nhóm bạn đánh hội đồng dẫn đến rối loạn tâm thần - đã đi học trở lại từ ngày 24/11. Đến ngày 28/11, K. đã đi học được 3 buổi.

"Tâm lý của em K. còn hơi yếu, khá nhạy cảm. Việc K. đi học trở lại là nguyện vọng của bản thân em. Ngoài ra, gia đình của em K. thấy con đã có thể tái hòa nhập", ông Dực nói.

Ông Dực cho biết mục tiêu số 1 khi K. trở lại trường học là để chữa bệnh tâm lý nên sẽ không đặt nặng việc học trong thời gian đầu. Để việc tới trường của em K. thuận lợi, nhà trường cũng đề nghị phụ huynh lên lớp cùng em K. trong những tuần đầu để tiện theo dõi sức khỏe.

"Mỗi ngày em K. chỉ học khoảng 2-3 tiết để không tạo áp lực cho em. K. cũng đã tham gia chơi thể thao với các bạn, tinh thần khác trước rất nhiều.

Thời gian qua không có một bác sĩ nào kết luận xác định K. bị tâm thần vĩnh viễn như thông tin trên mạng. Việc gắn mác tâm thần vĩnh viễn cho đứa trẻ mới hơn 10 tuổi là rất khủng khiếp.

Các học sinh đánh hội đồng em K. cũng đã rất hoảng sợ sau hàng loạt những buổi làm việc với nhà trường và cơ quan điều tra. Trên thực tế các em cũng đã trải qua nhiều khổ ải về tâm lý. Đây là sự việc đáng tiếc và không ai mong muốn", ông Dực bày tỏ.

Mẹ của K. cho biết sức khỏe em đã đỡ hơn trước, tuy nhiên tinh thần vẫn còn hoảng loạn, "K. vẫn còn những cơn đau, cơn rối loạn tâm lý, có điều gì không hài lòng là K. sẽ bỏ chạy".

"Tự K. thích đi học nên gia đình cho con đi, hôm nào không thích là phải cho nghỉ ở nhà. Hiện tại K. viết bài được nhưng không tính toán được. Bệnh của con tôi phải điều trị lâu dài, từ hôm con đi viện đến nay, các gia đình có con đánh K. cũng đã hỗ trợ 50 triệu đồng", mẹ K. kể.

Công an thông tin vụ nhà hàng đăng tin chuyển nhầm 270 triệu đồng ở Thanh Hoá: Khách hàng là người ở Đài Loan mới về

Công an phường Lam Sơn vừa mới nắm bắt được thông tin vụ việc. Đơn vị sẽ làm việc với chủ nhà hàng về nội dung được đăng tải trên mạng xã hội để có hướng xử lý vụ việc.

TIN MỚI NHẤT