Người đàn ông làm bạn gái có bầu nhưng không muốn chu cấp tiền nuôi con đã thông đồng nhân viên phòng xét nghiệm làm giả kết quả ADN.
- Yêu mà không được là chính mình, liệu có hạnh phúc?
- Các chuyên gia chia sẻ về giải pháp bảo vệ bệnh nhân tim mạch - thận - chuyển hóa
Việc bạn trai chia tay chỉ ba ngày sau khi sinh con trai vào năm 2022 đã đủ tàn nhẫn, nhưng những gì xảy ra sau đó thậm chí còn tệ hơn đối với Chelsea Miller, 31 tuổi, sống tại Anh.
Người yêu cũ của cô, Sheldon B., bắt đầu phủ nhận mình là cha của bé Louie và yêu cầu xét nghiệm ADN. Tại thời điểm chia tay, nếu kết quả xét nghiệm cho thấy anh ta không phải là cha đứa bé, Sheldon sẽ tiết kiệm được khoảng 94.000 bảng Anh (tương đương 125.800 USD) tiền trợ cấp. Tuy nhiên, Chelsea không hề lo lắng, bởi cô luôn biết cha của con mình là ai. Vậy mà điều khiến cô sốc nặng là kết quả xét nghiệm lại khẳng định Sheldon không phải cha của Louie.

Miller có thể biết rõ Sheldon là cha đứa trẻ nhưng với Tòa án, kết quả xét nghiệm ADN là bằng chứng không thể chối cãi. Tuy nhiên, cô không bỏ cuộc. Cô đã thuyết phục được mẹ của Sheldon – bà Katie cung cấp mẫu ADN cho một phòng thí nghiệm khác, kết quả chứng minh Louie chính là cháu nội của bà. Điều đó đồng nghĩa với việc Sheldon chính là cha ruột của đứa bé.
Kết quả này đã làm sụp đổ toàn bộ kế hoạch gian dối của Sheldon, anh ta không còn cách nào khác ngoài thừa nhận việc làm giả xét nghiệm ADN để trốn trách nhiệm chu cấp nuôi con.
Theo lời khai, Sheldon đã nhờ dì mình – người quen một người làm việc tại phòng thí nghiệm ADN giúp đỡ. Người này là Robert P., sau đó đã thừa nhận đã tráo đổi mẫu ADN của Sheldon bằng mẫu của chính mình nhằm thay đổi kết quả xét nghiệm. Dù không có bằng chứng cho thấy Robert được trả công nhưng anh ta đã thừa nhận hành vi sai trái của mình.
Cả hai người liên quan đều đã nhận tội âm mưu gian lận và lần lượt bị tuyên án 50 tuần và 33 tuần tù giam. Về phía Chelsea, cô bày tỏ sự thất vọng sâu sắc trước hành vi thiếu chuyên nghiệp nghiêm trọng của nhân viên phòng xét nghiệm – người đã tiếp tay cho bạn trai cũ của cô.
"Mức độ thiếu chuyên nghiệp và vi phạm lòng tin trong trường hợp này là không thể chấp nhận được. Bệnh nhân xứng đáng được cảm thấy an toàn và được tôn trọng, đặc biệt là trong những tình huống nhạy cảm như thế này", cô nói.
Tại Vương quốc Anh, nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con có thể được cha mẹ tự thỏa thuận hoặc thông qua Cơ quan Cấp dưỡng Nuôi con (Child Maintenance Service – CMS). Khi được yêu cầu can thiệp, CMS sẽ căn cứ vào thu nhập của phụ huynh, số lượng con cái và một số yếu tố khác để tính toán số tiền phải chu cấp, đồng thời thu phí dịch vụ từ cả hai bên.
Theo quy định, người có nghĩa vụ chu cấp sẽ phải trả thêm 20% phí cho CMS, trong khi người nhận sẽ bị khấu trừ 4% từ khoản tiền được chuyển đến.
Các phụ huynh có thu nhập dưới 7 bảng/tuần (tương đương khoảng 245.000 đồng) được miễn nghĩa vụ chu cấp. Ngược lại, thu nhập càng cao thì mức cấp dưỡng càng lớn, nhưng tối thiểu vẫn phải đảm bảo 7 bảng mỗi tuần cho mỗi đứa trẻ.
Nghĩa vụ cấp dưỡng thường kéo dài đến khi con đủ 16 tuổi. Tuy nhiên, nếu con tiếp tục học đại học hoặc theo đuổi các chương trình đào tạo tương đương, cha mẹ có trách nhiệm chu cấp thêm tối đa 4 năm nữa.
Việc trốn tránh trách nhiệm tài chính gần như là bất khả thi. CMS có quyền cưỡng chế thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thông qua nhiều biện pháp: khấu trừ trực tiếp từ lương hoặc tài khoản ngân hàng, tịch thu tài sản, tước bằng lái xe, vô hiệu hóa hộ chiếu, hoặc trong trường hợp nghiêm trọng, truy tố hình sự và phạt tù. Dù người vi phạm có bị tước giấy phép lái xe hay phải ngồi tù, khoản tiền cấp dưỡng vẫn phải được thanh toán đầy đủ. Chính sách của CMS là truy thu đến cùng.