Sáp nhập địa phương là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, học sinh sinh viên cần hiểu rõ để kịp thời cập nhật thông tin, tránh sai sót trong học tập và thủ tục hành chính.
Thời gian gần đây, việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, huyện, thậm chí cấp tỉnh được triển khai tại nhiều địa phương trên cả nước.
Sáng 30/6, các đơn vị hành chính trên cả nước đồng loạt tổ chức lễ công bố Nghị quyết, Quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính, thành lập các tổ chức Đảng, chỉ định cấp ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố, phường, xã, đặc khu.
Thủ đô Hà Nội sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính sẽ còn 126 đơn vị cấp xã, bao gồm 51 phường và 75 xã. Trước đó, Hà Nội từng có 526 xã, phường thuộc 30 quận, huyện, thị xã.
Sự thay đổi này lại có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống thường nhật của người dân, trong đó có cả học sinh, sinh viên. Vậy sáp nhập địa phương là gì? Vì sao cần làm? Và giới trẻ cần lưu ý điều gì trong quá trình thay đổi này?
1. Sáp nhập địa phương là gì? Vì sao thực hiện?
Hiểu một cách đơn giản, sáp nhập đơn vị hành chính là việc gộp hai hoặc nhiều xã, phường, huyện (thậm chí là tỉnh) lại thành một đơn vị mới. Việc này nhằm tinh gọn bộ máy quản lý, tránh chồng chéo, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương.
Theo đó, việc sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh và không tổ chức cấp huyện, đồng thời sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp xã, nhằm mục tiêu xây dựng mô hình địa phương 2 cấp (tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể) đảm bảo tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả.
Quá trình nghiên cứu và triển khai việc sáp nhập tỉnh phải được tiến hành một cách khách quan, dân chủ, khoa học, cụ thể, sâu sắc, cầu thị và phù hợp với tình hình thực tiễn.
Mục đích là khắc phục triệt để sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, tránh chia cắt về địa bàn và loại bỏ các tổ chức trung gian cồng kềnh. Đồng thời, bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, nâng cao vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
2. Cần lưu ý điều gì?
Điều 21 Nghị quyết 35/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 đã quy định rõ: "Các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân, công dân, tổ chức trước khi thực hiện sắp xếp theo đơn vị hành chính cũ nếu chưa hết thời hạn theo quy định thì vẫn được tiếp tục sử dụng".
UBND cấp tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền và triển khai việc chuyển đổi các loại giấy tờ cho cá nhân, tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện các thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ và không thu các loại phí, lệ phí khi thực hiện việc chuyển đổi do thay đổi địa giới đơn vị hành chính.
Với học sinh - sinh viên, việc sáp nhập không ảnh hưởng đến quyền lợi học tập, thi cử hay giấy tờ pháp lý. Các giấy tờ như bằng lái xe, căn cước công dân, sổ hộ khẩu, hồ sơ học sinh vẫn giữ nguyên giá trị pháp lý nếu chưa hết thời hạn thì vẫn được tiếp tục sử dụng. Tuy nhiên người dân có thể thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ mới nếu có nhu cầu.
Nếu địa chỉ cư trú bị thay đổi tên đơn vị hành chính do sáp nhập (ví dụ từ “Phường A” chuyển thành “Phường B”), bạn cần lưu ý cập nhật khi điền các thông tin vào hồ sơ thi, xin học bổng, đăng ký tuyển sinh hoặc làm thủ tục hành chính.
Đặc biệt, các môn học có yếu tố địa lý, hành chính như Địa lý, Lịch sử địa phương hoặc Giáo dục công dân cũng sẽ cần được điều chỉnh tài liệu giảng dạy để phù hợp với tên gọi, bản đồ mới.
Về cơ bản, quá trình sáp nhập đơn vị hành chính sẽ được thực hiện từng bước, có lộ trình rõ ràng và luôn có sự hướng dẫn cụ thể từ phía địa phương.
Các bạn trẻ nên chủ động tìm hiểu thông tin chính thống từ chính quyền, trường học hoặc các phương tiện truyền thông uy tín để nắm bắt thay đổi kịp thời, tránh nhầm lẫn không đáng có trong các thủ tục học tập và sinh hoạt. Trong một xã hội hiện đại, việc hiểu và thích ứng với thay đổi là kỹ năng cần thiết.