Người thân của hai nạn nhân trong vụ rơi máy bay Air India cho biết họ đã tiếp nhận thi thể người lạ, không phải của con mình.
- Vụ cháy trung tâm thương mại khiến 61 người tử vong: Có gia đình cùng lúc mất 5 người thân, nhiều thi thể cháy đen khó nhận dạng
- Cơ trưởng bị nghi tắt nhiên liệu trước thảm kịch rơi máy bay làm 260 người tử vong
Theo thông tin từ báo Dân trí, dẫn tin từ tờ Daily Mail, bà Amanda Donaghey (66 tuổi) là mẹ của Fiongal Greenlaw-Meek (39 tuổi), một trong các nạn nhân thiệt mạng trong vụ rơi máy bay Air India số hiệu AI171 hôm 12/6. Trên chuyến bay định mệnh còn có Jamie (45 tuổi) - bạn đời của Fiongal.
Cặp đôi vừa kết thúc kỳ nghỉ kỷ niệm ngày cưới tại Ấn Độ và đang trên hành trình từ thành phố Ahmedabad (Ấn Độ) đến sân bay Gatwick (Anh) thì xảy ra tai nạn.
Theo The Sun, bà Amanda Donaghey sụp đổ khi nhận được cuộc gọi thông báo con trai và bạn đời có mặt trên chuyến bay gặp nạn. Ngay sau đó, bà lập tức bay sang Ấn Độ với hy vọng tìm được con hoặc ít nhất là mang hài cốt con trai về nước.
Sau khi cảnh sát xác nhận chỉ có một người sống sót sau vụ tai nạn, các gia đình nạn nhân, trong đó có bà Amanda Donaghey, được yêu cầu cung cấp mẫu ADN để phục vụ công tác nhận dạng.
Phần lớn các thi thể bị thiêu rụi, khiến việc nhận diện bằng mắt gần như không thể. Bà Amanda Donaghey nộp mẫu máu và được thông báo kết quả ADN có thể có sau 72 giờ. Ba ngày trôi qua trong tuyệt vọng, cuối cùng, bà nhận được thông tin rằng có "kết quả trùng khớp" với con trai.

Bà trở lại sân bay Gatwick (London) với niềm tin rằng con mình đang ở trong quan tài. Gia đình bắt đầu chuẩn bị tang lễ. Nhưng đến ngày 5/7, họ nhận được cuộc gọi từ cảnh sát rằng qua kết quả xét nghiệm ADN lần 2 do pháp y Anh thực hiện, xác định thi thể trong quan tài không phải là của Fiongal.
"Chúng tôi không biết ai đang nằm trong cỗ quan tài đó. Đó là điều đau lòng không thể tưởng tượng được", bà Amanda Donaghey nghẹn ngào.
Từ đó đến nay, gia đình bà Amanda Donaghey liên tục làm việc với Bộ Ngoại giao Anh để tìm tung tích thật sự của Fiongal. Mong ước duy nhất của họ là được chôn cất anh cạnh người bạn đời Jamie. Nhưng điều ấy đến giờ vẫn chưa thể thực hiện.

Theo thông tin từ VnExpress, dẫn tin từ Telegraph, James Healey-Pratt, luật sư hàng không quốc tế đại diện cho gia đình các nạn nhân trong vụ rơi máy bay Air India, nói rằng vấn đề về nhận dạng đã làm dấy lên lo ngại về tổng số nạn nhân có thể bị nhầm danh tính.
"Chúng tôi biết 12 thi thể đã được đưa từ Ấn Độ về Anh, trong đó hai nạn nhân đã bị nhận dạng sai. Nếu theo tỷ lệ này, có thể 40 trong số 240 thi thể đã bị xử lý sai. Con số này rất lớn, nhưng chúng ta không biết được sự thật. Cho đến nay, giới chức Ấn Độ vẫn chưa giúp ích gì trong vấn đề này, đó là lý do các gia đình gây áp lực lên Bộ Ngoại giao Anh và Văn phòng Thủ tướng", Healey-Pratt cho biết.
Luật sư này trước đó nói rằng không cơ quan nào của Anh phải chịu trách nhiệm về những sai sót này.