Có người có thể lái xe suốt 1.000 km trong một ngày mà vẫn tỉnh táo nhưng cũng có người chỉ sau 200 km đã rơi vào trạng thái rã rời, mắt không mở nổi.
- Ăn phải thịt lợn nhiễm dịch tả châu Phi nguy hiểm thế nào?
- 25% nam giới và 16% phụ nữ lo lắng 6 điều về "chuyện ấy"
Nhiều người từng trải qua cảm giác rong ruổi hàng trăm cây số sau tay lái. Với những chuyến đi dài như vậy, nỗi lo lớn nhất không phải là đường xa, thời tiết xấu hay xe cộ đông đúc, mà chính là tình trạng mệt mỏi khi lái xe. Trên thực tế, rất nhiều vụ va chạm trên cao tốc xảy ra do tài xế ngủ gật hay mất tập trung vì quá mệt.
Thể trạng mỗi người là khác nhau. Có người có thể lái xe suốt 1.000 km trong một ngày mà vẫn tỉnh táo. Nhưng cũng có người chỉ sau 300–400 km đã rơi vào trạng thái rã rời, mắt không mở nổi. Vậy vì sao lại có sự khác biệt lớn đến vậy?

Tư thế ngồi lái xe
Tư thế ngồi khi lái xe là yếu tố then chốt ảnh hưởng trực tiếp đến thể lực và sự tỉnh táo. Những tài xế có kinh nghiệm thường dành thời gian điều chỉnh ghế ngồi, vô lăng và gương chiếu hậu trước khi xuất phát, nhằm tạo ra một tư thế vừa thoải mái, vừa đảm bảo đúng theo nguyên lý công thái học.
Một chiếc ghế đặt quá thấp khiến chân phải co nhiều, máu khó lưu thông, trong khi ghế đặt quá cao lại làm tay mỏi khi điều khiển vô lăng.
Vô lăng cũng cần điều chỉnh sao cho khoảng cách và góc độ phù hợp, giúp tay không quá duỗi cũng không quá co, điều khiển linh hoạt mà không tốn sức.
Ngay trong quá trình lái xe, họ vẫn tranh thủ vận động nhẹ nhàng để tránh căng cứng cơ. Những động tác đơn giản như xoay vai, nắm mở bàn tay nhiều lần, lắc nhẹ hông, hát một bài để vận động cơ mặt đều là cách giúp máu lưu thông tốt hơn, giảm tình trạng ê ẩm và buồn ngủ.
Lên kế hoạch nghỉ ngơi hợp lý
Nhiều bác tài có kinh nghiệm không chờ đến khi mệt rã rời mới dừng xe mà thường tự đặt ra các mốc nghỉ định kỳ, ví dụ cứ 2 tiếng lái thì nghỉ khoảng 15 phút.
Trong khoảng thời gian nghỉ, họ rời xe, đi lại, vươn vai, giúp cơ thể “tái nạp” năng lượng. Chính việc chủ động nghỉ ngơi trước khi mệt đã giúp họ giữ được sự tỉnh táo suốt hành trình.
Trong khi đó, những tài xế mới thường do vội vã hoặc thiếu kinh nghiệm mà lái liên tục, đến khi quá mệt mới chịu dừng lại. Nhưng khi đã vượt ngưỡng mỏi mệt, cơ thể rất khó hồi phục chỉ sau một khoảng nghỉ ngắn. Lúc đó dù tưởng như đã tỉnh táo trở lại, chỉ cần nửa tiếng sau, cảm giác buồn ngủ sẽ quay lại ngay lập tức.
Kỹ năng lái xe
Tài xế chuyên nghiệp biết cách phân bổ sự tập trung, phần lớn ánh nhìn hướng về phía trước, chỉ thi thoảng liếc qua gương chiếu hậu và bảng đồng hồ. Họ không để mắt liên tục dán vào bảng tốc độ vì lo vượt giới hạn, bởi giữ được tốc độ ổn định là điều cơ bản họ đã thành thạo. Họ cũng luôn nhìn xa từ 200 đến 300 mét về phía trước, quan sát cả động thái của nhiều xe chứ không chỉ dõi theo một chiếc ngay trước mũi xe. Nhờ đó, họ có thời gian xử lý tình huống chủ động, không bất ngờ, không vội vã và điều đó giúp tiết kiệm rất nhiều sức lực.
Giữ tinh thần thư thái
Các tay lái lâu năm thường duy trì tâm thế điềm tĩnh và thoải mái suốt hành trình. Họ không để bản thân bị căng thẳng bởi những tình huống bất ngờ trên đường, không nổi nóng khi bị chen ngang, không mất bình tĩnh khi gặp tắc đường. Chính sự điềm đạm đó giúp họ không tiêu hao quá nhiều năng lượng tinh thần – một dạng mệt mỏi mà nhiều người thường xem nhẹ.
Trái lại, tài xế thiếu kinh nghiệm thường bị ảnh hưởng bởi cảm xúc: lo lắng, phấn khích, hồi hộp… khiến đầu óc nhanh chóng cạn kiệt năng lượng, từ đó kéo theo cảm giác mệt mỏi toàn thân.

Môi trường trong xe
Sau một thời gian dài di chuyển, không khí trong khoang xe dù có điều hòa cũng trở nên bí bách. Lượng oxy giảm dần, trong khi CO₂ tăng lên làm người ngồi trong xe thấy mệt và buồn ngủ nhanh hơn.
Những tài xế dày dạn thường bật hệ thống điều hòa ở chế độ lấy gió ngoài để liên tục đưa không khí tươi vào khoang xe. Khi đi chậm hoặc dừng đèn đỏ, họ còn tranh thủ hé mở nhẹ cả bốn cửa kính trong vài giây để thông khí. Nhờ vậy, bầu không khí trong xe luôn tươi mới, giúp đầu óc tỉnh táo và cơ thể dễ chịu hơn.
Có thể nói, việc lái xe đường dài không chỉ đòi hỏi kỹ năng mà còn là một nghệ thuật của việc điều tiết cơ thể và tinh thần. Người nhiều kinh nghiệm không nhất thiết phải khỏe hơn mà là họ biết cách lắng nghe cơ thể, biết khi nào nên nghỉ, khi nào nên điều chỉnh và lái xe bằng cả sự hiểu biết tích lũy qua hàng vạn km đã đi qua.