Đợt nắng nóng diện rộng tại miền Bắc: Nền nhiệt vượt 42 độ, dự báo mùa hè "khốc liệt"

Đời sống 20/04/2023 11:11

Nhiều địa phương đã ghi nhận mức nhiệt trên 40 độ trong đợt nắng nóng diện rộng đang diễn ra tại Tây Bắc và Bắc Trung Bộ. Dự báo, đợt nắng nóng này còn kéo dài đến ngày 24/4.

Diễn biến đợt nắng nóng đang diễn ra

Những ngày qua, các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ đang trải qua một đợt nắng nóng diện rộng. Ngày 19/4, ở phía Tây Bắc Bộ, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ.

Riêng Điện Biên, Sơn La và khu vực từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có nắng nóng gay gắt, có nơi nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-39 độ, có nơi trên 40 độ như Mường La (Sơn La) 42.4 độ, Sông Mã và Yên Châu (Sơn La) 41.3 độ, Tương Dương (Nghệ An) 40.3 độ, Nam Đông (Thừa Thiên Huế) 40.7 độ,... Độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 20-55%.

Cơ quan khí tượng dự báo:

Ngày 20/4, phía Tây Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên tiếp tục có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-39 độ, có nơi trên 40 độ. Độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 30-55%.

Phía Đông Bắc Bộ từ ngày 21/4 có nắng nóng.

Dự báo chi tiết:

Đợt nắng nóng diện rộng tại miền Bắc: Nền nhiệt vượt 42 độ, dự báo mùa hè 'khốc liệt' - Ảnh 1

Vậy đợt nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt ở phía Tây Bắc Bộ, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên còn kéo dài đến bao giờ.

Theo nhận định từ cơ quan khí tượng, có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 23/4, từ ngày 24/4 nắng nóng dịu dần. Phía Đông Bắc Bộ ngày 22/4 có nắng nóng diện rộng, từ ngày 23/4 nắng nóng giảm dần.

Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Đợt nắng nóng diện rộng tại miền Bắc: Nền nhiệt vượt 42 độ, dự báo mùa hè 'khốc liệt' - Ảnh 2

Nắng nóng có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 23/4.

Dự báo mùa hè năm 2023 nắng nóng khốc liệt

Ngày 19/4, nhiệt độ thực đo cao nhất trong ngày tại nhiều địa phương đã vượt 40 độ. Nhưng điều đáng nói, miền Bắc và Bắc Trung Bộ còn chưa chính thức vào Hè, cao điểm mùa hè năm 2023 được dự báo bắt đầu từ tháng 6 và kéo dài đến khoảng tháng 8. Tuy nhiên, trước đó ngay từ giữa tháng 3, nắng nóng đã xuất hiện và nền nhiệt ghi nhận tại một số địa phương Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã vượt giá trị lịch sử.

Ông Hoàng Phúc Lâm - Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, năm 2023, hiện tượng ENSO (sự biến đổi có tính chu kỳ không đều của gió và nhiệt độ bề mặt biển trên Đông Thái Bình Dương) duy trì trạng thái trung tính từ nay đến khoảng tháng 6/2023. Sau đó nhiệt độ mặt nước biển khu vực trung tâm Thái Bình Dương có xu hướng tăng dần và nghiêng về pha nóng El Nino.

Dự báo từ tháng 4-6/2023, nhiệt độ cả nước xấp xỉ cho tới nóng hơn trung bình nhiều năm khoảng 1 độ C. Mỗi đợt nắng nóng thường 3-5 ngày, năm nay có thể dài hơn, khoảng 5-7 ngày, riêng Trung Bộ hơn 7 ngày.

Đợt nắng nóng diện rộng tại miền Bắc: Nền nhiệt vượt 42 độ, dự báo mùa hè 'khốc liệt' - Ảnh 3

Những ngày cuối tháng 3 Hòa Bình, Sơn La đã ghi nhận mức nhiệt trên 38 độ C.

Cao điểm hè sẽ là hai tháng 6-7 ở miền Bắc và từ cuối tháng 6 đến 8 ở miền Trung với khả năng xuất hiện nắng nóng gay gắt (từ 37 đến 39 độ C) và đặc biệt gay gắt (từ 39 độ C trở lên). Dự báo, Nam Bộ sẽ dứt nắng nóng từ tháng 6, miền Bắc kéo dài đến đầu tháng 8, miền Trung đến cuối tháng 8.

Đối với mùa mưa bão năm 2023, ông Hoàng Phúc Lâm nhận định, do El Nino nên số lượng, cường độ bão, áp thấp nhiệt đới năm nay sẽ ít hơn giai đoạn năm 2020-2022 (trung bình mỗi năm có 12-13 cơn, trong đó 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam). Bão chỉ xuất hiện từ giữa tháng 6. Từ tháng 8 đến 10, có khoảng 6-7 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, tác động chủ yếu đến miền Bắc và Trung.

Do El Nino, nên mưa ở miền Bắc có xu hướng thấp hơn đến xấp xỉ trung bình nhiều năm, ít khả năng mưa to vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 như năm 2022. Miền Trung lượng mưa lại có xu hướng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm và có thể kéo dài sang đầu năm 2024. Tây Nguyên và Nam Bộ tổng lượng mưa dự báo xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm trong các tháng 6 đến 9, từ tháng 10 đến hết năm có xu hướng thiếu.

Hạn hán dự báo cũng sẽ phức tạp hơn ở miền Bắc. Trong các tháng mùa lũ chính vụ, lượng dòng chảy trên các sông và đến hồ chứa lớn trên lưu vực sông Đà, Gâm, Chảy thiếu hụt 10-30% so với trung bình nhiều năm.

Từ tháng 4 đến 8 có khả năng xảy ra khô hạn, thiếu nước cục bộ ngoài vùng cấp nước của các công trình thủy lợi tại Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Thuận và Tây Nguyên.

Về lũ, ngập lụt sẽ ở khu vực Bắc Bộ sẽ tương đương với năm 2022. Nguy cơ ngập lụt tại các đô thị, thành phố lớn tiếp tục diễn ra do ảnh hưởng của mưa lớn cục bộ.

Mùa lũ trên các sông ở khu vực Tây Nguyên có khả năng đến sớm hơn trung bình nhiều năm; các sông ở khu vực Trung Bộ xuất hiện tương đương trung bình nhiều năm. Tại khu vực Nam Bộ sẽ xuất hiện tương đương trung bình nhiều năm.

Mùa hè 2023: Nắng nóng xuất hiện sớm hơn, khốc liệt hơn, kéo dài hơn năm trước

Thông thường một đợt nắng nóng sẽ diễn ra khoảng 3 - 5 ngày, nhưng năm nay có thể sẽ dài hơn, khoảng 5 - 7 ngày, riêng khu vực Trung Bộ có thể kéo dài hơn.

TIN MỚI NHẤT