TP Hồ Chí Minh đang lên kế hoạch chuyển đổi 400.000 xe máy xăng sang xe điện đối với shipper và tài xế công nghệ bắt đầu từ năm 2026 nhằm giảm thiểu ô nhiễm khí thải và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững…
- Bị vợ chê “yếu” chuyện chăn gối, nam kỹ sư suýt tự tử
- Phẫu thuật lấy thành công khối u buồng trứng khổng lồ nặng 5kg cho người phụ nữ 66 tuổi
Ngày 22/07/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Quyết định 876/QĐ-TTg phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Trên cơ sở đó, nhiều địa phương cũng đã ban hành Đề án phát triển giao thông xanh, với mục tiêu và lộ trình rõ ràng.
Theo đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định về triển khai “Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn”. Trong đó đặt ra mục tiêu, năm 2025 chuyển đổi xe buýt sử dụng năng lượng sạch đạt 5% và dự kiến đến năm 2035, tỷ lệ chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt 100%...
Bên cạnh đó, Hà Nội dự kiến cấm xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong khu vực Vành đai 1 từ tháng 7/2026.
Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh cũng đang từng bước chuyển đổi phương tiện giao thông theo hướng xanh hóa với trọng tâm trước mắt là thay thế xe máy xăng của đội ngũ shipper và tài xế công nghệ bằng xe điện, nhằm giảm thiểu ô nhiễm khí thải và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Ông Lê Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Kinh tế (thuộc HIDS) - ảnh: VnExpress
Theo Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh (HIDS), đề án chuyển đổi 400.000 xe máy xăng sang xe điện cho lực lượng giao hàng và xe công nghệ sẽ được trình UBND TP Hồ Chí Minh trong tháng 7/2025.
Nếu được thông qua, kế hoạch sẽ bắt đầu triển khai từ ngày 1/1/2026.
Theo Thạc sĩ Lê Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Kinh tế (thuộc HIDS), cho biết quá trình kiểm soát khí thải phương tiện giao thông tại TP Hồ Chí Minh đang được nghiên cứu, triển khai một cách thận trọng và bài bản.
“Chúng tôi xác định nhóm thải khí nhiều nhất là các tài xế xe công nghệ và giao hàng, do tần suất di chuyển của họ cao hơn gấp 3-4 lần người dân bình thường, trung bình mỗi ngày từ 80 đến 120 km. Vì vậy, việc ưu tiên chuyển đổi nhóm này là hợp lý và cần thiết” - ông Hải cho biết.
Cũng theo HIDS, việc lựa chọn một số khu vực có điều kiện thuận lợi để thí điểm chính sách như Cần Giờ hay Côn Đảo sẽ giúp dễ dàng kiểm soát, đánh giá và mở rộng phạm vi áp dụng.
Bên cạnh đó, về lâu dài, TP Hồ Chí Minh hướng tới mục tiêu đến năm 2030 đạt 100% xe buýt sử dụng năng lượng sạch.
Ngoài việc định hướng chiến lược, đề án còn đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ để quá trình chuyển đổi được thực hiện suôn sẻ, trong đó có các ưu đãi cho tài xế đăng ký chuyển đổi sang xe điện.
Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh cũng sẽ ngừng cấp phù hiệu mới hoặc ký hợp đồng mới cho các tài xế xe máy sử dụng xăng trên các nền tảng giao hàng và gọi xe công nghệ kể từ ngày 1/1/2026.
Đối với những tài xế đang hoạt động và đã được cấp phép trước thời điểm này, họ vẫn được tiếp tục công việc, nhưng sẽ phải xây dựng kế hoạch chuyển đổi phương tiện trong các năm tiếp theo.
Đề án cũng đặt ra mục tiêu, đến năm 2029, 100% xe hai bánh phục vụ giao hàng và xe công nghệ trên địa bàn TP Hồ Chí Min sẽ chuyển đổi sang xe điện, góp phần giảm triệt để khí thải gây ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính từ nhóm phương tiện này.
Đề án cũng đề xuất bốn giai đoạn chuyển đổi đối với shipper, tài xế công nghệ, trong đó:
Giai đoạn 1 (đến tháng 12-2025) đạt 30% khoảng 120.000 xe; Giai đoạn 2 (đến tháng 12-2026) đạt 50% khoảng 200.000 xe; Giai đoạn 3 (đến tháng 12-2027) đạt 80% khoảng 320.000 xe; Giai đoạn 4 (đến tháng 12-2029) đạt 100% khoảng 400.000 xe.

Đến hết năm 2029, TP Hồ Chí Minh dự kiến sẽ chuyển đổi toàn bộ 400.000 xe máy xăng sang xe điện đối với shipper và tài xế công nghệ - ảnh: Thanh niên
Theo kế hoạch, sự xuất hiện ngày càng phổ biến của hình ảnh các tài xế công nghệ sử dụng xe điện được kỳ vọng sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong cộng đồng, từng bước thay đổi thói quen tiêu dùng phương tiện và góp phần vào nỗ lực chuyển đổi xanh của toàn Thành phố.
Trước đó, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các đơn vị nhanh chóng nghiên cứu, tính toán, đề xuất phương án hạn chế xe cộ có mức độ phát thải cao tại những khu vực nguy cơ ô nhiễm môi trường, gửi về sở trước ngày 15/7 để tổng hợp gửi Bộ Xây dựng theo chỉ đạo.
Liên quan đến vấn đề chuyển đổi xanh ngành giao thông trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được cũng cho biết, TP xác định chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu, là động lực quan trọng để thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững hơn. Trên cơ sở nghị quyết 98, UBND lãnh đạo TP cũng đã phân công Sở Xây dựng là cơ quan chủ trì xây dựng đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông phù hợp với quy mô TP Hồ Chí Minh mở rộng.