Người phụ nữ Sài Gòn một thời giàu có, 94 tuổi sống gầm cầu, bán vé số

Xã hội 22/10/2019 12:03

Bà tựa lưng vào gốc cây to trong công viên, sát lề đường Nguyễn Chí Thanh (P.9, Q.5, TP.HCM). Chiếc dù màu xanh nhàu nát là vật che mưa nắng cho bà. Đôi mắt bà lãng đãng nhìn xa xăm...

Buổi sáng của bà cụ bán vé số

Bà có mặt tại đây từ 6 giờ sáng do một anh xe ôm chở đến. Gương mặt bà rất phúc hậu. Da bà nhăn nheo, dấu ấn của thời gian năm tháng. Hỏi thăm về bà, được biết tên bà là Lê Thị Tuyết, 94 tuổi. Quê bà ở Đồng Tháp nhưng bà sống tại Sài Gòn từ rất lâu.

Người phụ nữ Sài Gòn một thời giàu có, 94 tuổi sống gầm cầu, bán vé số - Ảnh 1

Sáng nào cũng vậy, cứ từ 6h bà có mặt tại công viên trên đường Nguyễn Chí Thanh để bán vé số.

Bà đi bán vé số và trụ lại đây đã nhiều năm. Hiện tại - theo lời bà - bà không có bệnh tật gì lớn, chỉ một vài bệnh vặt của người già. Sức khỏe tốt, hàng ngày bà ngồi từ 6 giờ sáng, bán hết 100 tờ vé số thì về.

Bà nói với chúng tôi: 'Bà già thì già nhưng không làm buồn lắm. Thôi thì mỗi ngày ra đây ngồi có đồng ra đồng vào, nhìn thế sự xoay vần cũng vui'. 

Chúng tôi hỏi thăm về cuộc sống của bà, bà cho biết, bà sống hoàn toàn nhờ vào người dưng. Mỗi ngày bà bán được 100 tờ vé số, kiếm được 100.000đ.

Anh xe ôm đưa đi đón về chỉ lấy tiền xăng. Người đi đường, bà con tốt bụng thường xuyên mang đến tặng bà những hộp cơm, những tô cháo ấm lòng. Nhờ vậy mà những ngày cuối đời của bà trôi qua êm đềm và lặng lẽ.

Người phụ nữ Sài Gòn một thời giàu có, 94 tuổi sống gầm cầu, bán vé số - Ảnh 2

Khách ghé vào mua vé số giúp bà.

Ngôi nhà dưới gầm cầu

Gần trưa, những tờ vé số cuối cùng đã được bán hết, bà xếp gọn đồ đạc để chuẩn bị về. Anh xe ôm đưa bà đến, giờ đón bà về. Chúng tôi từ biệt nhau, bà không quên mời tôi ghé lại thăm nơi cư ngụ của bà.

Đó là căn nhà nằm dưới gầm cầu Him Lam dọc theo sông Ông Lớn (Ấp 4B, Xã Bình Hưng, H. Bình Chánh). Hôm chúng tôi đến, cửa đóng hờ. Bên trong im lặng như tờ.

Người phụ nữ Sài Gòn một thời giàu có, 94 tuổi sống gầm cầu, bán vé số - Ảnh 3

Ngôi nhà của bà dưới gầm cầu Him Lam.

Căn nhà chưa được 10m2 xây dựng trên khu đất rộng. Nhà làm bằng vật liệu rẻ tiền, thậm chí có cả những thứ phế liệu được chắp vá thành nhà. Nhìn bề ngoài, căn nhà ẩm thấp, bên trong càng bề bộn hơn.

Bà hỏi chúng tôi: 'Chú vào đây chú có dám nghĩ trước đây tôi là nhà giàu ở Sài Gòn này không?'. Nhưng không đợi chúng tôi trả lời, bà nói tiếp: 'Ngày trước tôi có ngôi nhà mặt tiền trên đường Trần Hưng Đạo. Gia đình tôi thuộc loại khá giả nếu không muốn nói là giàu có. Vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn, tôi trở thành trắng tay'.

Người phụ nữ Sài Gòn một thời giàu có, 94 tuổi sống gầm cầu, bán vé số - Ảnh 4

Bên trong căn nhà chật hẹp, ẩm thấp và bề bộn. Nơi có mũi tên là chỗ bà dành cho con trai sau khi người con đó hết hạn cai nghiện trở về.

Bà có 4 người con nhưng một người đã mất. Ba người còn lại thì 2 người giờ đây rất khá, công việc ổn định. Chỉ có người con đầu dính vào ma túy gây ra cảnh nhà tan cửa nát.

Năm nay đã ngoài 50 tuổi, người con này của bà đang cai nghiện tại trung tâm cai nghiện với thời gian 2 năm, nay đã được 1 năm.

Nhắc đến người con này, giọng bà như đanh lại. 'Chú biết không, thời gian ở tù có thể hơn nửa tuổi đời của nó. Nó bị bắt rồi ra tù, ra tù rồi vào lại cứ thế diễn ra liên tục.

Mỗi lần nhìn nó lên cơn tôi không chịu được. Nó vật vã, đau đớn rồi nó phải tìm cho ra tiền để cắt cơn. Cứ thế rồi tôi phải bán căn nhà ở đường Trần Hưng Đạo với giá 35 lượng vàng. Chỉ một mình nó xài. Hai đứa em không lấy một đồng. Một thời gian thì của cải tiêu tan, tay trắng thành trắng tay.

Không nhà, không nơi cư trú, tôi đến nơi này để sống những ngày cuối của cuộc đời. Thấm thoát mà đã 6 năm rồi. Tôi không về ở với con mà chỉ muốn ở đây để chờ đứa cai nghiện trở về. Tôi đã dành cho nó một chỗ ở trên cao kia, khi nào về nó dọn làm chỗ ngủ'.

Người phụ nữ Sài Gòn một thời giàu có, 94 tuổi sống gầm cầu, bán vé số - Ảnh 5

Ở một mình bà đành làm bạn với các pho tượng lượm được ở khắp nơi. 

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hưng thừa nhận, bà Tuyết đã cư ngụ dưới gầm cầm Him Lam từ 5 năm nay. Bà có 3 con trong đó một người đang cai nghiện. Bà Tuyết không có hộ khẩu tại địa phương. Bà từng ở với con trai vốn là dược sĩ tại khu dân cư Trung Sơn được một thời gian thì tìm đến gầm cầu dựng nhà trú ngụ với lý do sống không thoải mái.

Gia đình bà Tuyết đủ điều kiện về kinh tế - bà Nga cho biết thêm - nên chính quyền địa phương chưa có hỗ trợ chăm lo gì cho bà. Sắp tới đây, UBND xã sẽ vận động bà Tuyết trở về chung sống cùng các con. Nếu bà không đồng ý, chúng tôi sẽ vận động các con của bà đưa bà vào trung tâm dưỡng lão để có điều kiện chăm sóc.

 

Gia cảnh khó khăn của bé trai 9 tuổi khuyết tật bị đuối nước thương tâm dưới chân cầu

Trong lúc cùng bạn đi tắm dưới chân cầu, bé trai 9 tuổi chết đuối thương tâm. Nạn nhân bị khuyết tật, có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

TIN MỚI NHẤT