Nghị lực sống của người phụ nữ tật nguyền đi bằng 2 tay từng đánh cược sự sống để làm mẹ đơn thân

Xã hội 02/08/2022 10:18

Tật nguyền khiến đôi chân của chị Nga teo tóp, phải đi bằng 2 tay nhưng khát khao làm mẹ cháy bỏng, chị giấu gia đình đi "xin" một đứa con và đánh cược sự sống của mình để con được chào đời.

Bất hạnh cuộc đời

Trưa hè nóng nực, dưới căn bếp ẩm thấp, chật chội, chị Hồ Thị Nga (40 tuổi, trú thôn 8, xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) đang loay hoay chuẩn bị bữa cơm trưa cho 2 mẹ con. Không thể đi lại như người bình thường, chị xỏ đôi tay vào 2 chiếc dép làm điểm tựa để lê đôi chân tật nguyền của mình di chuyển một cách khó khăn. Lê được vài bước, chị dừng lại dỗ dành con gái vừa 2 tuổi đang đi bên cạnh quấy khóc đòi mẹ bồng. Mồ hôi ướt đẫm vạt áo nhưng chị vẫn vui vẻ, cười tươi khi đứa con đầu lòng bập bẹ gọi mẹ.

"Số phận tôi vốn bất hạnh vì không được may mắn đi lại bình thường như những người khác nhưng đổi lại, tôi vẫn có con, vẫn được làm mẹ. Chỉ cần như vậy thôi tôi cũng thấy an ủi, hạnh phúc rồi", chị Nga chia sẻ.

Nghị lực sống của người phụ nữ tật nguyền đi bằng 2 tay từng đánh cược sự sống để làm mẹ đơn thân - Ảnh 2.
 Di chứng sau một cơn sốt cao khiến đôi chân của chị Nga teo tóp, đi lại bằng 2 tay.

Chị Nga là con đầu lòng trong gia đình có 5 chị em. Khi sinh ra, chị cũng bình thường, khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Đến 7 tháng tuổi, sau một cơn sốt cao biến chứng khiến đôi chân chị dần teo tóp, yếu ớt, không thể đứng, mọi sinh hoạt phụ thuộc vào người thân. Mãi sau này, nhờ kiên trì tập luyện, chị di chuyển bằng 2 tay.

Nghị lực sống của người phụ nữ tật nguyền đi bằng 2 tay từng đánh cược sự sống để làm mẹ đơn thân - Ảnh 3.
 Chị Nga từng giấu gia đình để đi "xin" con và đánh cược sự sống để được làm mẹ.

Đôi chân tàn tật, đi lại khó khăn nên cuộc sống của chị Nga chỉ quanh quẩn quanh nhà. Dù không được đến trường nhưng chị cố gắng học lỏm mấy đứa em nên biết đọc biết viết và tính toán nhanh nhạy. Sau này lớn lên chị cũng phụ giúp được bố mẹ đôi việc vặt như cơm nước, giặt quần áo, dọn dẹp nhà cửa…

38 tuổi, không có cơ hội làm vợ như bao người phụ nữ khác nhưng khát khao làm mẹ cháy bỏng, chị Nga quyết định giấu cha mẹ đi "xin" một đứa con.

Nghị lực sống của người phụ nữ tật nguyền đi bằng 2 tay từng đánh cược sự sống để làm mẹ đơn thân - Ảnh 4.
 Bé Ngân chào đời mang họ mẹ, sống trong tình thương của gia đình bên ngoại. 

"Ngày biết tôi mang thai, bố mẹ đau buồn lắm, chỉ biết nhìn nhau khóc vì thương con. Không đau lòng, không lo lắng sao được, khi cuộc sống của tôi còn phụ thuộc hoàn toàn vào người khác thì làm gì chăm sóc được con.

Tôi đã tàn tật, sức khỏe yếu còn mang thai đồng nghĩa với việc đang đánh cược số phận mình. Bố mẹ tôi già yếu, hoàn cảnh lại khó khăn, nuôi con đã vất vả giờ còn thêm cháu. Rồi còn gánh thêm nỗi lo con chào đời có được bình thường, khỏe mạnh hay mang số phận giống mẹ", chị Nga nhớ lại.

Rồi thương con, nghĩ con không có cơ hội làm vợ thì cũng cho con được làm mẹ như bao người phụ nữ khác, vợ chồng bà Lê Thị Lỉnh (65 tuổi, mẹ chị Nga) đành gạt nước mắt cho con gái bất hạnh được thực hiện ước nguyện của mình. Họ chỉ hi vọng đứa trẻ sinh ra khỏe mạnh để làm chỗ dựa cho mẹ sau này.

Nghị lực sống của người phụ nữ tật nguyền đi bằng 2 tay từng đánh cược sự sống để làm mẹ đơn thân - Ảnh 5.
 Chị Nga hạnh phúc khi được làm mẹ. 

"Những tháng ngày con gái tôi mang thai là chừng ấy thời gian gia đình tôi sống trong lo lắng. Lo vì sức khỏe của con yếu sẽ ảnh hưởng cả mẹ lẫn con. Lo đứa trẻ sinh ra sẽ gánh bất hạnh giống mẹ.

Cận ngày sinh, con nhập viện, bác sĩ chỉ định mổ bắt con để đảm bảo tính mạng cả mẹ lẫn con. Cũng may cháu ngoại chào đời khỏe mạnh", bà Lỉnh kể lại.

Bé Hồ Thị Thúy Ngân (2 tuổi, con gái chị Nga) chào đời mang họ mẹ, sống trong tình thương của gia đình bên ngoại.

"Tôi ước có gian nhà để 2 mẹ con nương tựa vào nhau"

Trải qua 2 năm làm mẹ đơn thân với bao vất vả, khó khăn nhưng đổi lại chị Nga thấy rất vui và hạnh phúc khi từng ngày chứng kiến con gái lớn dần, tập đi, bi bô gọi mẹ.

Nghị lực sống của người phụ nữ tật nguyền đi bằng 2 tay từng đánh cược sự sống để làm mẹ đơn thân - Ảnh 6.

Nghị lực sống của người phụ nữ tật nguyền đi bằng 2 tay từng đánh cược sự sống để làm mẹ đơn thân - Ảnh 7.
 Đơn xác nhận hoàn cảnh khó khăn của mẹ con chị Nga. 

Không đất đai, nhà cửa, hiện tại, mẹ con chị Nga đang được bố mẹ ruột cho ở tạm trong gian nhà nhỏ đã xuống cấp trầm trọng nhưng chưa một lần sửa sang. Kinh tế trông chờ hoàn toàn vào tiền trợ cấp xã hội 720 nghìn đồng chị Nga nhận được hàng tháng và phụ thuộc vào cha mẹ già. Hàng xóm thương cảm hoàn cảnh người cho bộ quần áo cũ, người cho cân gạo...để mẹ con chị sống qua ngày.

Nghị lực sống của người phụ nữ tật nguyền đi bằng 2 tay từng đánh cược sự sống để làm mẹ đơn thân - Ảnh 8.
 Bà Lỉnh buồn bã nhắc đến số phận bất hạnh của con gái. 

Bố mẹ cũng cho mấy mét đất trong vườn để xây nhà cho 2 mẹ con tôi nhưng hoàn cảnh mẹ con tôi thế này, đến bữa cơm còn cha mẹ lo, bộ quần áo cũng xin người khác để mặc thì lấy tiền đâu xây nhà. Bố mẹ tôi quanh năm vất vả với ruộng đồng, nay già yếu cũng không thể đi làm thuê làm mướn được như trước. Tôi cũng chỉ ước có gian nhà nhỏ để mẹ con trú nắng mưa nhưng khó khăn quá", ôm con gái vào lòng, chị Nga thở dài chia sẻ.

Nghị lực sống của người phụ nữ tật nguyền đi bằng 2 tay từng đánh cược sự sống để làm mẹ đơn thân - Ảnh 9.
 Chị Nga ước có gian nhà nhỏ để mẹ con có chỗ trú nắng mưa, chăm sóc nhau. 

Bữa cơm đạm bạc của 2 mẹ con chỉ dăm con cá trích cùng bát canh rau vặt hái được ngoài vườn. Thế nhưng bé Ngân vẫn ăn một cách ngon lành. Chị Nga cho biết, bé Ngân ít khi đòi sữa, thi thoảng anh em, hàng xóm vẫn qua thăm hỏi, động viên và cho bé Ngân hộp sữa thì cháu bé tỏ ra rất vui mừng. Đứa trẻ cứ thế lớn lên như củ sắn, củ khoai trong tình thương yêu của người mẹ tật nguyền, nghèo khó.

Chia tay mẹ con người phụ nữ bất hạnh, ngước nhìn lại vẫn thấy chị ngồi đó, tay ôm con gái vào lòng. Lời chị thì thầm bên con "Chỉ cần con luôn khỏe mạnh, 2 mẹ con ở bên cạnh nhau thì vất vả, khổ cực đến mấy mẹ cũng cam lòng".

 

 

Ảnh, clip: Suốt đêm dập lửa ở quán karaoke, chiến sĩ PCCC người đẫm mồ hôi, kiệt sức khi ra khỏi hiện trường

Sau hơn 9 tiếng chiến đấu với giặc lửa ở quán karaoke (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội), nhiều chiến sĩ PCCC&CNCH đã kiệt sức. Đau đớn hơn, khi đồng đội của họ hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ.

TIN MỚI NHẤT