Đào tạo liên thông từ trung cấp, cao đẳng lên thạc sĩ Dược là không đúng quy định

Xã hội 22/01/2019 16:28

Mới đây, thông tin trường Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh sẽ cho phép đào tạo liên thông từ trung cấp, cao đẳng lên thạc sĩ đối với ngành Dược đã được dư luận hết sức quan tâm thậm chí còn gây “sốc” cho một số trường đào tạo khối ngành Y Dược .

Trước thông tin này, Báo Sức khoẻ & Đời sống đã có cuộc phỏng vấn với PGS.TS. Nguyễn Quốc Huy, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Cục Khoa học công nghệ và đào tạo Bộ Y tế để hiểu rõ vấn đề trên.

PV: Thông tin trường Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh sẽ cho phép đào tạo liên thông từ trung cấp, cao đẳng lên thạc sĩ đối với ngành Dược có lẽ đang gây “sốc” cho không chỉ một số trường mà còn khá đông đảo người dân, xin ông cho biết điều này có đúng theo quy định hiện hành không?

PGS.TS. Nguyễn Quốc Huy: Thông tin “Người có bằng trung cấp hoặc cao đẳng dược được đăng ký dự tuyển liên thông lên trình độ thạc sĩ ngành dược” là không đúng theo quy định hiện hành.

Theo Quyết định số 01/2017/QĐ-TTg ngày 17 tháng 01 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân, trình độ giáo dục đào tạo sau trung học phổ thông từ thấp đến cao bao gồm: sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Các quy định về đào tạo liên thông hiện hành, bao gồm: (i) Liên thông ở các trình độ: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng, chỉ có quy định: đào tạo liên thông giữa trình độ sơ cấp với trình độ trung cấp và đào tạo liên thông giữa trình độ trung cấp với trình độ cao đẳng. 2 loại đào tạo liên thông này, quy định tại  Thông tư số 27/2017/TT-BLĐTBXH ngày 21 tháng 9 năm 2017 của Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội quy định đào tạo liên thông giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp; (ii) Liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng với trình độ đại học, quy định tại Quyết định số 18/2017/QĐ-TTg ngày 31/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Khoản 1, Điều 8 Thông tư số 15/2014/TT-BGDĐT ngày 15/5/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện về văn bằng để đào tạo thạc sĩ là phải có bằng tốt nghiệp đại học. Như vậy không có quy định đào tạo liên thông từ trung cấp lên thạc sĩ.

Đào tạo liên thông từ trung cấp, cao đẳng lên thạc sĩ Dược là không đúng quy định - Ảnh 1

Thông tin "Người có bằng trung cấp hoặc cao đẳng được đăng ký dự tuyển liên thông lên trình độ thạc sĩ ngành Dược tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh" được đăng tải trên website như thế này sẽ rất dễ gây hiểu lầm

PV: Vậy theo quy định chính thức đang có hiệu lực thì những trường nào mới đủ điều kiện để đào tạo trình độ Dược sĩ đại học, Bác sĩ

PGS.TS. Nguyễn Quốc Huy: Theo quy định hiện hành tại Thông tư số 24/2017/TT-BGDĐT ngày 10/10/2017 của Bộ GDĐT ban hành Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ đại học, trong đó khối ngành sức khoẻ (mã 772) có 2 mã ngành Y khoa (7720101), Dược học (7720201).

Trong thời gian vừa qua Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo để thực hiện theo các quy định hiện hành để xem xét và cho phép các cơ sở giáo dục đại học đủ điều kiện mở ngành đào tạo các ngành thuộc khối ngành sức khoẻ trình độ đại học, do đây là khối ngành có các quy định đặc thù để đảm bảo chất lượng trong đào tạo chính là để bảo đảm chất lượng nhân lực y tế như: giảng viên chuyên ngành cần nhiều thạc sĩ, tiến sĩ hơn các ngành khác, cơ sở thực hành cần các phòng thực hành hơn, các cơ sở y tế/bệnh viện là cơ sở thực hành cần đáp ứng các yêu cầu riêng biệt.... Các quy định đặc thù này đã được Bộ Y tế góp ý và Bộ Giáo dục Đào tạo đã thống nhất đưa vào Thông tư số 22/2017/TT-BGDĐT ngày 06 tháng 9 năm 2017 quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học (Thông tư 22). Đồng thời để bảo đảm chất lượng trong đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khoẻ, Bộ Y tế đã chủ trì trình Chính phủ ban hành Nghị định 111/2017/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2017 quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khoẻ (Nghị định 111).

 Các cơ sở giáo dục đại học muốn mở ngành đào tạo các ngành thuộc khối ngành sức khoẻ trình độ đại học (trong đó có ngành Y khoa, Dược học nói trên) phải thực hiện theo quy định tại Thông tư 22 và Nghị định 111 ở trên.

PV:  Sau sự việc này thì với vai trò là một đơn vị  quản lý nhà nước về đào tạo y tế, Cục Khoa học công nghệ và đào tạo sẽ có những biện pháp giám sát như thế nào để kiểm soát chặt chẽ hơn, tránh để xảy ra tình trạng “quảng cáo” sai sự thật và tràn lan như vụ việc vừa rồi?

PGS.TS. Nguyễn Quốc Huy: Nếu thông tin Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh công bố “Người có bằng trung cấp hoặc cao đẳng dược được đăng ký dự tuyển liên thông lên trình độ thạc sĩ ngành dược” được xác nhận là sự thật, thì Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh nhà trường đã thông báo tuyển sinh không đúng với quy định hiện hành. Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo sẽ báo cáo Lãnh đạo Bộ để có ý kiến với Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan nhà nước có thẩm quyền về đào tạo để xử lý theo quy định, yêu cầu Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh phải xác định lại điều kiện tuyển sinh theo quy định hiện hành để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực y tế và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân có được thông tin chính xác, đảm bảo quyền lợi của người học.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp thanh tra, kiểm tra, rà soát để các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo khối ngành sức khoẻ phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là việc công khai về tuyển sinh, tổ chức đào tạo và các điều kiện đảm bảo chất lượng – đây cũng chính là thực hiện trách nhiệm giải trình trước xã hội theo tinh thần của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2019.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Chất lượng nguồn nhân lực y tế có vai trò đặc biệt liên quan trực tiếp đến sức khỏe và sinh mạng người dân. Chính vì vậy, không chỉ ở tại Việt Nam mà ở tất cả các nước trên thế giới, đào tạo nhân lực khối ngành sức khoẻ có đặc thù khác với khối ngành khác, người học sau khi tốt nghiệp khi tham gia hoạt động chuyên môn phải là người bảo đảm sức khoẻ cho người dân - chất lượng đào tạo liên quan chặt chẽ đến chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.

Đào tạo khối ngành sức khoẻ có nhiều khác biệt như: giảng viên chuyên ngành cần nhiều thạc sĩ, tiến sĩ hơn các ngành khác, cần các giảng viên chuyên ngành có chứng chỉ hành nghề, có bề dày kinh nghiệm chuyên môn và phải trực tiếp làm việc chuyên môn tại các cơ sở y tế; trong quá trình đào tạo, thời gian thực hành nhiều và cần phải thực thực hành trực tiếp tại các cơ sở y tế/bệnh viện, thường là do các cán bộ y tế đào tạo thực hành, hoạt động đào tạo của nhà trường gắn trực tiếp với các cơ sở y tế/ bệnh viện; thời gian đào tạo dài hơn các ngành khác, sau tốt nghiệp thường phải có thời gian thực hành nghề nghiệp theo quy định mới đủ điều kiện để xem xét được cấp chứng chỉ hành nghề và mới được hành nghề… Trong quá trình hoàn thiện thể chế về đào tạo nhân lực y tế, nhiều nội dung đã được thể chế hoá trong Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục dại học mới được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 01/7/2019. Trong thời gian tới, nhiều nội dung sẽ được quy định trong Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và nhiều văn bản pháp luật khác để đảm bảo tính đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân và yêu cầu hội nhập quốc tế.

Cô giáo tát trẻ lớp 1: 'Tôi có biết sự việc 231 cái tát nhưng vẫn lỡ tay'

Cô giáo tát học sinh lớp 1 nhập viện ở Quảng Bình khóc và luôn miệng nói vô cùng hối hận, chỉ vì hành động thiếu suy nghĩ mà gây ra bao nhiêu hệ lụy.

TIN MỚI NHẤT