Trong 4 tháng đầu năm 2025, các tỉnh, thành phía Nam đã ghi nhận 12 ca bệnh viêm não mô cầu (tăng gần 4 lần so với cùng kỳ). Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính qua đường hô hấp do vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis gây ra.
Theo Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh trong thời gian gần đây đã có 8/20 tỉnh, thành phía Nam đã phát hiện các ca bệnh viêm não mô cầu. Trong đó TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận 4 trường hợp đã nhiễm căn bệnh nguy hiểm này.
Các ca bệnh tập trung chủ yếu ở những khu vực đông dân cư, điều kiện vệ sinh kém, nhiều sự luân chuyển dân cư như nhà trọ, ký túc xá, doanh trại…
Bệnh viêm não mô cầu do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra có thể lây lan qua giọt bắn khi ho, hắt hơi, nói chuyện hoặc dùng chung đồ cá nhân
Theo các chuyên gia y tế cảnh báo, trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận thêm các ca mắc mới nếu không triển khai biện pháp phòng chống dịch từ sớm.
Đặc biệt, mặc dù bệnh viêm não mô cầu hiện vẫn lưu hành rải rác, song tỉ lệ người lành mang mầm bệnh trong cộng đồng khá cao, từ 10-20%, là yếu tố tiềm ẩn nguy cơ lây lan rộng.
Theo y văn, bệnh viêm não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra, có thể diễn tiến từ nhẹ đến nặng khi vi khuẩn lây truyền qua giọt bắn khi ho, hắt hơi, nói chuyện hoặc dùng chung đồ cá nhân.
Trong đó, những người sống cùng nhà, ở tập thể, ký túc xá hay làm việc trong không gian kín là nhóm nguy cơ cao.
Triệu chứng ban đầu của bệnh dễ nhầm với cảm cúm thông thường như sốt cao đột ngột, đau đầu, buồn nôn, nôn. Ở thể nặng, người bệnh có thể bị tử ban (nốt bầm đỏ lan nhanh), cứng cổ, co giật, hôn mê và có thể tử vong trong vòng 24 giờ nếu không điều trị kịp thời.
Dù khá nguy hiểm nhưng nếu phát hiện sớm và điều trị tích cực bằng kháng sinh đặc hiệu, đúng phác đồ thì tỷ lệ khỏi bệnh đạt 85 - 95%.
Các chuyên gia cũng cảnh báo, để phòng ngừa bệnh này, người dân cần giữ vệ sinh cá nhân và môi trường sống, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người hoặc tiếp xúc với người bệnh.
Khi có biểu hiện nghi ngờ, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Bên cạnh đó, hiện nay đã có vắc-xin phòng ngừa viêm não mô cầu thuộc các nhóm huyết thanh khác nhau. Đồng thời, người dân có thể tiêm chủng tại các cơ sở y tế có chức năng để tăng cường miễn dịch, đặc biệt với trẻ em và người sống trong khu vực nguy cơ cao.
Bệnh nhi bị bệnh viêm não mô cầu được bệnh viện TP Thủ Đức điều trị thành công - ảnh: BVCC
Trước đó, như chúng tôi đã đưa tin, vào tối 25/4, bệnh viện TP Thủ Đức đã tiếp nhận bệnh nhi H.V.T (13 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) nhập viện với các triệu chứng sốt cao, đau đầu dữ dội và ngủ gà kéo dài 2 ngày.
Nhờ được chẩn đoán sớm và điều trị tích cực bằng kháng sinh kết hợp các biện pháp hỗ trợ, sau 3 ngày bệnh nhi đã tiến triển tích cực.
Theo Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hà Phương - Trưởng khoa Hồi sức tích cực Nhi - Sơ sinh Bệnh viện TP Thủ Đức bệnh viêm màng não do não mô cầu là một cấp cứu y khoa đòi hỏi chẩn đoán và can thiệp nhanh chóng.
“Bệnh nhi trên đã được chẩn đoán sớm tại thời điểm nhập viện và xử trí kịp thời, giúp bé hồi phục tốt” - bác sĩ Phương nói.
Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bác sĩ Phương khuyến cáo phụ huynh cần đặc biệt lưu ý một số biện pháp sau tiêm phòng vaccine đầy đủ theo lịch (từ 6/9 tháng tuổi). Theo dõi sát sao các dấu hiệu bất thường ở trẻ. Đồng thời, hạn chế tiếp xúc với người nghi nhiễm bệnh và sử dụng kháng sinh dự phòng cho người tiếp xúc gần với bệnh nhân.
Bác sĩ Phương cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo dõi sức khỏe trẻ thường xuyên và không nên chần chừ đưa trẻ đến bệnh viện khi phát hiện các dấu hiệu bất thường như sốt cao, đau đầu dữ dội, cứng cổ hay xuất hiện các chấm xuất huyết trên da...