Bị sốt xuất huyết nên uống thuốc gì và không nên uống thuốc gì?

Tin y tế 09/11/2022 13:39

Số ca mắc sốt xuất huyết đang tăng nhanh tại Hà Nội. Khi chẳng may bị mắc sốt xuất huyết, người bệnh nên uống thuốc gì và không nên uống thuốc gì?

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, hiện sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên chủ yếu là điều trị triệu chứng. Thời gian điều trị từ 7-10 ngày tính từ ngày sốt đầu tiên.

Người bênh có thể điều trị tại nhà sau khi được bác sĩ thăm khám, xét nghiệm và tư vấn kỹ kế hoạch điều trị, theo dõi và chăm sóc người bệnh ngoại trú cho người bệnh và người nhà bệnh nhân hiểu rõ.

Trong quá trình điều trị sốt xuất huyết tại nhà, người bệnh cần uống nhiều nước oresol hoặc nước sôi để nguội, nước trái cây (nước dừa, cam, chanh..) hoặc nước cháo loãng với muối.

Bị sốt xuất huyết nên uống thuốc gì và không nên uống thuốc gì? - Ảnh 1

Người bị sốt xuất huyết chỉ nên uống thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ. Ảnh minh họa

Khi người bệnh bị sốt, cần lau người bằng nước ấm để giúp hạ thân nhiệt, uống thuốc hạ sốt Paracetamol đơn chất khi sốt trên 38,5 độ C, liều dùng từ 10-15 mg/kg/lần, cách nhau mỗi 4-6 giờ.

Cần đặc biệt lưu ý, không dùng phối hợp vài loại thuốc khác tên thương mại nhưng cùng chứa hoạt chất paracetamol (hoặc dưới tên acetaminophen), vì như vậy rất dễ dẫn đến quá liều.

Với trẻ em, do thuốc hạ sốt có cả thuốc viên, siro, thuốc bột và viên đạn đặt hậu môn nên cha mẹ không dùng phối hợp cả thuốc uống và thuốc đặt vì dễ dẫn đến ngộ độc thuốc, có thể gây tổn thương gan, làm nặng thêm rối loạn đông máu do suy giảm chức năng gan.

Trong quá trình dùng thuốc vẫn cần theo dõi thân nhiệt thường xuyên và các biểu hiện nặng hơn của bệnh sốt xuất huyết. Không được dùng liên tiếp các liều hạ sốt trong vòng dưới 4 tiếng đồng hồ.

Tuyệt đối không dùng Aspirin, Analgin, Ibuprofen để điều trị sốt vì có thể gây sốt xuất huyết, toan máu.

Bên cạnh việc dùng thuốc điều trị triệu chứng, người bệnh sốt xuất huyết cũng cần được chăm sóc dinh dưỡng hợp lý. Người bệnh nên ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, đầy đủ dinh dưỡng, chia thành nhiều bữa nhỏ, tăng cường uống nhiều nước.

Không nên cho người bệnh ăn thức ăn hay nước uống có màu nâu hoặc đỏ (tiết canh, sô cô la, cà phê, các loại đậu sẫm màu…) vì dễ gây nhầm với triệu chứng xuất huyết tiêu hóa.

Ngoài ra, cần chú ý theo dõi thân nhiệt tối thiểu 3 lần/ngày, số lượng nước tiểu mỗi ngày, tình trạng đau bụng, nôn, tiêu chảy. Cần báo cho bác sĩ điều trị hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất khi người bệnh có biểu hiện kích thích, lơ mơ, mệt nhiều, tình trạng xuất huyết như: chảy máu chân răng, chảy máu mũi, chảy máu âm đạo, đại tiện ra máu hoặc có phân đen, nôn ra máu, tiểu ra máu… 

Phân biệt sốt xuất huyết và cúm B: 3 triệu chứng cơ bản nhất để nhận biết

Sốt xuất huyết và cúm B đang cùng có diễn biến phức tạp khi có nhiều người mắc 1 trong 2 loại dịch này. Triệu chứng của 2 bệnh này khá giống nhau nên người dân khó phân biệt được.

TIN MỚI NHẤT