Gần 300.000 ca mắc sốt xuất huyết, 12 người qua đời: 5 dấu hiệu nguy hiểm cần đến bệnh viện ngay

Tin y tế 09/11/2022 08:05

Ước tính có khoảng 1/20 bệnh nhân nhiễm sốt xuất huyết Dengue có thể tiến triển nặng/nguy kịch, đe dọa tính mạng. Các bác sĩ khuyến cáo người dân khi mắc sốt xuất huyết nên lưu ý tới những dấu hiệu bệnh nặng để kịp thời đến bệnh viện.

Sốt xuất huyết nguy hiểm như thế nào?

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus lây truyền qua muỗi, gây các triệu chứng giống như cúm nặng, đôi khi có thể dẫn tới biến chứng và gây tử vong.

Sốt xuất huyết thường hay bị nhầm lẫn, không phát hiện sớm bởi triệu chứng ban đầu là sốt khá giống với nhiều loại bệnh khác như sốt virus, cúm...

Khi thấy các triệu chứng sốt, đau mỏi cơ, đau mắt, đau khớp, đau họng, đau đầu, nôn và buồn nôn; ban đỏ da, chấm xuất huyết dưới da trong thời gian từ 2-7 ngày thì hãy nghĩ tới trường hợp mắc sốt xuất huyết.

Giai đoạn này hơn 70% người bệnh có thể tự theo dõi và chăm sóc ở nhà bằng chế độ dinh dưỡng và uống đủ nước. Người bệnh mệt, đau mỏi người và khớp, do vậy được nghỉ ngơi đủ là rất quan trọng. Hãy cố ngủ càng nhiều càng tốt, giúp cơ thể nghỉ ngơi và hồi phục.

Khi nào người bệnh sốt xuất huyết cần đến bệnh viện nhanh chóng?

Theo BS Đỗ Anh, Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, sốt xuất huyết là bệnh có thể dễ dàng được điều trị và chăm sóc tại nhà.

Tuy nhiên, việc theo dõi các dấu hiệu cảnh báo bệnh sốt xuất huyết trở nặng là vô cùng quan trọng để kịp thời đưa bệnh nhân đến bệnh viện điều trị. Các dấu hiệu cảnh báo này thường bắt đầu trong 24 - 48 giờ sau khi hết sốt. Nếu có 1 trong 5 dấu hiệu dưới đây thì người bệnh cần đến bệnh viện:

1 - Đau bụng 

2 - Nôn (ít nhất 3 lần trong 24 giờ)

3 - Chảy máu mũi hoặc nướu răng

4 - Nôn ra máu hoặc có máu trong phân

5 - Cảm thấy mệt mỏi, bồn chồn hoặc dễ bị kích thích.

Khi nghi ngờ sốt xuất huyết Dengue nặng, người bệnh cần được nhanh chóng đưa tới phòng cấp cứu hoặc cơ sở y tế gần nhất bởi vì tình trạng này gây ra:

- Thất thoát huyết tương có thể dẫn tới sốc và/hoặc tích tụ dịch dẫn tới suy hô hấp hoặc không;

- Chảy máu nặng; Tổn thương tạng nặng.

Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 292.439 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 112 ca tử vong. Như vậy, so với tuần 43, số ca mắc sốt xuất huyết tuần này tăng khoảng hơn 10.000 ca, số tử vong tăng 2 ca, con số này tương đương với tuần trước đó.

 So với cùng kỳ năm 2021 (56.240/21) số mắc sốt xuất huyết tăng 4,8 lần, số tử vong tăng 91 trường hợp.

Hà Nội có 12 người qua đời vì mắc sốt xuất huyết: Chống dịch như chống COVID-19

Từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận khoảng 10.000 ca mắc sốt xuất huyết và 12 người tử vong. Dịch đang bùng phát mạnh, ngành Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị chống sốt xuất huyết như chống dịch COVID-19.

TIN MỚI NHẤT