Phát hiện gần 100 viên sỏi mật bên trong người phụ nữ 30 tuổi, viên lớn nhất gần 3cm: Cần làm gì để phòng tránh?

Sức khỏe 10/03/2023 10:25

Mới đây, các bác sĩ đã gắp bên trong người phụ nữ U30 tuổi gần 100 viên sỏi mật, viên lớn nhất có kích cỡ lên đến 3cm.

Theo thông tin từ Báo VietNamNet cho hay, nhiều tuần qua, chị G.A.X. (30 tuổi) xuất hiện cơn đau bụng nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn nên không đi khám. Khi chị X. có các triệu chứng vàng da, sốt cao, rét run mới được người nhà đưa vào viện.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Mạnh Chiến, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái cho biết, bệnh nhân X. đã được cấp cứu nhanh chóng. Qua kết quả cận lâm sàng chẩn đoán chị X. bị thấm mật phúc mạc do sỏi trong và ngoài gan. Đây là biến chứng nặng của sỏi đường mật. Các bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật mở ống mật chủ lấy sỏi và nội soi ống mềm lấy sỏi trong gan.

Trong quá trình phẫu thuật, gần 100 viên sỏi đường mật trong và ngoài gan đã được lấy ra. Bác sĩ Chiến cho biết số lượng sỏi nhiều gây giãn và chật kín đường mật, viên sỏi kích thước lớn nhất đạt gần 3cm. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được chăm sóc tích cực và đã ra viện sau 9 ngày điều trị.

Phát hiện gần 100 viên sỏi mật bên trong người phụ nữ 30 tuổi, viên lớn nhất gần 3cm: Cần làm gì để phòng tránh? - Ảnh 1
Gần trăm viên sỏi được gắp ra từ mật của người bệnh. Ảnh: VietNamNet

Sỏi mật là một bệnh về đường tiêu hóa do sự hình thành sỏi trong túi mật gây ra. Đây là một bệnh lý thường gặp, có khoảng 20% dân số trên thế giới từng mắc phải. Ở Việt Nam, sỏi mật chủ yếu gặp ở đường mật chính, trong đó sỏi trong gan chiếm tỉ lệ 20-56%. Có khoảng 20% dân số sẽ phát triển sỏi mật trong cuộc đời, trong đó có 20-30% phát triển thành các triệu chứng bệnh.

Dấu hiệu của sỏi mật là đau hạ sườn phải, sốt, ớn lạnh, rối loạn tiêu hóa, vàng da. Khi có những triệu chứng đau kéo dài ở vùng mạn sườn phải, đau âm ỉ hoặc dữ dội lan ra sau lưng hoặc vùng thượng vị, sốt cao, vàng da, nước tiểu vàng… là lúc bệnh sỏi mật gây biến chứng nặng.

Phòng ngừa sỏi mật

Theo Báo Sức khỏe và đời sống, khi nghi ngờ bị sỏi mật cần đi khám bệnh để được xác định trên cơ sở các kết quả thu được, bác sĩ sẽ có hướng điều trị. Điều trị sỏi mật trước tiên là điều trị nội khoa (dùng thuốc), ngay cả khi có viêm nhiễm đường mật, nhất là đối với người cao tuổi, sức khỏe yếu. Cần tuân thủ một số thói quen sau đây:

Phát hiện gần 100 viên sỏi mật bên trong người phụ nữ 30 tuổi, viên lớn nhất gần 3cm: Cần làm gì để phòng tránh? - Ảnh 2
Phòng ngừa sỏi mật. Ảnh: Internet

Chế độ ăn uống lành mạnh: Thói quen ăn uống đóng vai trò rất quan trọng giúp bạn phòng bệnh và tăng cường sức đề kháng. Để ngăn ngừa bệnh sỏi mật, hãy luôn nhớ ăn đủ bữa và cân đối dinh dưỡng theo những lưu ý sau đây: Ăn đủ bữa: Bạn không nên nhịn đói hoặc bỏ bữa, đặc biệt là bữa sáng vì thói quen này có thể làm tăng nguy cơ mắc sỏi mật; Đảm bảo dinh dưỡng: cân đối dinh dưỡng và hạn chế thực phẩm giàu cholesterol như nội tạng động vật, lòng đỏ trứng, các loại thịt đỏ. Hãy ăn nhiều rau xanh, củ quả tươi và uống đủ nước mỗi ngày.

Thói quen vận động: Cần duy trì thói quen vận động để tăng cường sức khỏe và giữ cân nặng hợp lý: Thường xuyên tập thể dục: Bạn có thể chọn những bài tập đơn giản nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội, yoga... Giữ cân nặng hợp lý: Nếu bạn thừa cân, đừng nôn nóng giảm cân cấp tốc mà phải thực hiện giảm từ từ vì sụt cân nhanh có thể làm tăng nguy cơ sỏi túi mật. Mức giảm khoảng 0,5 - 1kg mỗi tuần là hợp lý nhất.

Hà Nội: Người mẹ trẻ sinh con đôi, một bé còn nguyên trong bọc ối rất hiếm gặp

Ca sinh mổ ‘mẹ tròn con vuông’, ê kip bác sĩ cùng gia đình vui mừng đón 2 em bé chào đời, một em bé còn nguyên trong ‘bọc điều’ rất hiếm gặp.

TIN MỚI NHẤT