Người phụ nữ trẻ kể bản thân như bị “thao túng tâm lý” nên vẫn nâng liều lượng lên từng ngày dù thấy cơ thể bất ổn.
- Rộ trào lưu nhỏ nước cốt chanh vào mắt, mũi và tai trị bách bệnh: Bác sĩ nói gì?
- Đặt vòng tránh thai vẫn có bầu: Lời cảnh báo không nên bỏ qua
Theo thông tin từ VietNamNet, mới đây, chị N.H.N (33 tuổi, trú tại Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ về việc phải vào bệnh viện cấp cứu gấp vì đau bụng. Chị N. tự nhận mình là nạn nhân của "chanh liều cao". Hơn một tháng trước, chị thấy bạn học cũ chia sẻ về sử dụng nước cốt chanh trị nhiều bệnh lý từ đau dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, thải độc kèm theo những bằng chứng về hiệu quả của loại đồ uống này. Đồng nghiệp cùng công ty cũng khoe sử dụng từ cả năm nay và cho con dùng theo, rất tốt.
Tiền sử, chị N. không bị đau dạ dày hay các bệnh đường ruột, chỉ số khối cơ thể vừa phải, không cần giảm cân. Tuy nhiên, thời gian gần đây, chị thường xuyên liên hoan, tiệc tùng nên nghĩ rằng uống nước chanh thải độc và bắt đầu thử với niềm tin sẽ tốt.
“Ban đầu, tôi uống một quả và tăng dần lên đến 6 quả. Những ngày đầu uống, tôi bị rối loạn tiêu hóa, đại tiện lỏng. Tôi vào cộng đồng hỏi mọi người, ai cũng động viên kiên trì. Biểu hiện đau bụng, rối loạn tiêu hóa là cơ thể đang thải độc nên tôi càng cố uống”, chị N. cho biết trên VietNamNet.
Người phụ nữ trẻ kể bản thân như bị “thao túng tâm lý” nên vẫn nâng liều lượng lên từng ngày dù thấy cơ thể bất ổn.
Mới đây, trong chuyến công tác tại Hải Phòng, chị N. đau và chướng bụng, khó tiêu hóa. Tình trạng đau ngày càng tăng nên trên đường về Hà Nội, đồng nghiệp lái xe đưa thẳng vào một bệnh viện tư cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán chị bị viêm dạ dày và ruột cấp, hậu quả của uống chanh liều cao.
Chị N cho biết trên VietNamNet, "việc sử dụng chanh liều cao tùy theo cơ địa của mỗi người, có thể bản thân tôi không hợp nên ảnh hưởng tới sức khỏe. Tôi ân hận chưa thải độc đã nhận bệnh án viêm dạ dày cấp”.

Theo thông tin từ báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh, trao đổi với PLO, bác sĩ Vi Thị Tươi, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng (NRECI) cho biết, về mặt khoa học, nếu sử dụng hợp lý chanh rất tốt cho cơ thể.
Bác sĩ Tươi cho biết, chanh là loại quả cung cấp vitamin C (acid ascorbic), acid citric và một số chất chống oxy hóa tốt cho con người. Nếu sử dụng hợp lý, acid ascorbic trong chanh sẽ giúp tổng hợp collagen, tăng hấp thu sắt không heme, bảo vệ tế bào khỏi tác động của gốc tự do và hỗ trợ chức năng miễn dịch.
"Tuy nhiên, với trào lưu lạm dụng chanh liều cao hằng ngày, nhất là khi đói có thể gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe đường tiêu hóa, răng miệng và sức khỏe toàn thân"- bác sĩ Tươi cho biết trên báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh.
Lý giải nguyên nhân, vị Phó viện trưởng NRECI cho biết: Acid citric trong chanh vốn có tính axit mạnh, uống lúc đói có thể làm tăng tiết acid, tổn thương niêm mạc dạ dày, làm tình trạng viêm loét dạ dày - tá tràng, trào ngược dạ dày - thực quản trở nên nặng hơn. Thậm chí tiến triển xuất huyết tiêu hóa.
Ngoài ra, khi uống nước chanh liều cao hằng ngày còn có thể gây mòn men răng, tăng nguy cơ ê buốt, sâu răng, viêm nướu, nhất là khi không súc miệng sau khi uống.
Cũng theo BS Tươi, một số người có cơ địa nhạy cảm, khi sử dụng quá nhiều chanh trong thời gian ngắn có thể xảy ra các tình trạng buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy...
Lấy một số ví dụ cụ thể về nguy hại khi uống nước cốt chanh liều cao để detox (thanh lọc) quá mức (kết hợp nhịn ăn), bác sĩ Tươi cho rằng có thể gây mất cân bằng điện giải, gây mất nước, tụt huyết áp, chóng mặt. Ngoài ra còn gây rối loạn điện giải do mất natri, kali qua nước tiểu.
Cạnh đó, Bác sĩ Tươi còn đặc biệt lưu ý một hành vi cực kỳ nguy hiểm là nhỏ nước cốt chanh đậm đặc vào mắt khi bị chắp, lẹo... Hành động này sẽ khiến bạn đối mặt với nguy cơ bỏng giác mạc và kết mạc, thậm chí mất thị lực.