Nắng nóng 'đổ lửa': Cảnh báo tình trạng đột quỵ do sốc nhiệt

Sức khỏe 03/05/2023 12:54

Hiện tượng sốc nhiệt thường xảy ra với tất cả mọi người, thường có nguy cơ cao ở những đối tượng như người già, trẻ em, phụ nữ khi tiếp xúc với thời tiết đột ngột và không uống đủ nước.

Cảnh báo sốc nhiệt, ngất xỉu, đột quỵ do nắng nóng

Theo Báo Người Lao Động, trưa 3/5, giới chuyên môn đưa ra lời cảnh báo cẩn trọng hệ lụy sức khỏe khi những ngày qua tại TP HCM và các tỉnh Nam Bộ nắng nóng như "đổ lửa", hiện tượng sốc nhiệt rất dễ xảy ra. 

Sốc nhiệt là tình trạng nhiệt độ cơ thể tăng cao đến mức gây tổn thương đến hệ thống thần kinh trung ương và các mô khác, đặc biệt khi nhiệt độ cơ thể đạt mức 40°C hoặc cao hơn. 

Thêm vào đó, thời tiết đang chuyển mùa giữa trưa nhiệt độ chênh lệch nhiều so với buổi sáng và tối. Việc hoạt động dưới thời tiết nắng nóng, cơ thể chúng ta vừa sinh ra nhiệt trong quá trình hoạt động, vừa hấp thụ nhiệt từ môi trường nên nguy cơ tăng thân nhiệt do ở lâu trong môi trường nắng nóng là rất cao.

Nắng nóng 'đổ lửa': Cảnh báo tình trạng đột quỵ do sốc nhiệt - Ảnh 1
Nắng nóng gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt - Ảnh: Báo Người Lao Động

Khi nhiệt độ cơ thể tăng lên, cơ thể sẽ thực hiện các cơ chế để điều tiết giữ thân nhiệt như thở nhanh, dãn mạch dưới da, toát mồ hôi, ức chế quá trình sinh nhiệt trong cơ thể,... gây ra mất nước càng làm rối loạn nước điện giải dễ gây tăng thân nhiệt làm tổn thương hệ thống thần kinh trung ương. Người dân cần đề phòng hiện tượng sốc nhiệt vì có thể gây tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

Nắng nóng gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt. Hiện tượng sốc nhiệt thường xảy ra với tất cả mọi người, thường có nguy cơ cao ở những đối tượng như người già, trẻ em, phụ nữ khi tiếp xúc với thời tiết đột ngột và không uống đủ nước. Sốc nhiệt thường có biểu hiện: đau đầu; chóng mặt và choáng váng; da đỏ, nóng và khô; yếu cơ hoặc chuột rút; buồn nôn và ói mửa; nhịp tim nhanh; thở nhanh, thở nông. Nếu nặng hơn bệnh nhân sẽ có những biểu hiện thay đổi hành vi như nhầm lẫn, mất phương hướng hoặc loạng choạng, thậm chí co giật, mất ý thức, hôn mê…

Bác sĩ khuyến cáo, sốc nhiệt là một tình trạng nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng. Sốc nhiệt xảy ra khi nhiệt độ cơ thể tăng trên 40 độ C hay 104 độ F. Nếu người bị sốc nhiệt không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến suy nội tạng, hôn mê và thậm chí tử vong.

Đối với cơ thể người, nhiệt độ thích nghi nhất là khoảng 25°C. Trong khoảng từ 20°C đến 30°C, cơ thể điều chỉnh thích nghi tốt là do có trung tâm điều nhiệt nằm trên não. Trung tâm này có chức năng giúp chúng ta thích nghi được với bất kì nhiệt độ nào nhưng đến một ngưỡng nhiệt độ lạnh quá hay nóng quá cơ thể không thể điều chỉnh kịp do vượt quá khả năng hoạt động của trung tâm này. Khả năng điều chỉnh với sự thay đổi nhiệt độ cũng kém ở trẻ nhỏ (nhỏ hơn 4 tuổi) hoặc người già (lớn hơn 70 tuổi) hoặc người có nhiều bệnh lý đi kèm...

Cách sơ cứu người say nắng, ngất xỉu do nắng nóng

Theo thông tin từ Báo Dân Trí, để sơ cứu người bị say nắng, say nóng, cần nhanh chóng chuyển nạn nhân đến nơi thoáng mát, cởi bớt và nới lỏng quần áo, cởi tất chân, bao tay. Kế đến, chườm nước mát vào nách, bẹn, trán, gáy để làm mát cơ thể, đưa nhiệt độ của cơ thể nạn nhân trở về bình thường, nhằm ngăn ngừa hoặc giảm tác hại cho bộ não và các cơ quan quan trọng.

Nắng nóng 'đổ lửa': Cảnh báo tình trạng đột quỵ do sốc nhiệt - Ảnh 2
Người bị say nắng cần được sơ cứu đúng cách và kịp thời - Ảnh: Internet

Nếu bệnh nhẹ, nạn nhân đã tỉnh táo dần, có thể cho uống các loại nước mát như nước ép dưa hấu, nước cam, chanh. Nếu có oresol (thuốc bù nước và điện giải), hòa tan loại 5,63gram/gói vào 200ml nước cho nạn nhân uống. Nếu là trẻ em, cho uống mỗi lần 1/4 cốc nước.

Nếu nạn nhân hôn mê, không uống được nước hoặc nôn liên tục, sốt tăng cao, kèm các triệu chứng đau bụng, đau ngực, khó thở thì phải nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình vận chuyển vẫn thường xuyên chườm mát cho nạn nhân.

Để phòng say nắng, say nóng, bác sĩ khuyến cáo người dân, mùa hè cần hạn chế rời khỏi nhà từ 10-16h. Với trẻ em và người cao tuổi, trong những ngày nắng nóng cần hạn chế đến mức tối đa việc ra nắng.

Nếu là công việc, không nên làm việc ngoài trời với thời gian quá lâu và luôn phải trang bị đầy đủ đồ chống nắng, bao gồm: Quần áo dài che kín thân thể, áo quần sáng màu để giảm hấp thụ nắng nóng, mũ, nón rộng vành, kính râm…

Cần mang theo đủ nước uống khi ra ngoài trời để bù nước kịp thời. Nước uống tốt nhất nên có pha thêm ít muối ăn, hoặc có thể pha oresol uống để bù nước, điện giải bị mất theo mồ hôi.

 

Người dân TPHCM đi làm dưới nắng nóng hơn 40 độ: "Uống nước thôi chứ ăn không nổi"

Nhiều tài xế xe ôm phải hoạt động trên 200% công sức dưới thời tiết nắng nóng sát 40 độ C.

TIN MỚI NHẤT