Sau sáp nhập, tỉnh nào có mức sinh thấp nhất cả nước?

Xã hội 06/07/2025 08:50

Một thực trạng đáng báo động đang diễn ra: Mức sinh tại nhiều địa phương đã tụt xuống dưới ngưỡng thay thế, thậm chí chạm mức thấp kỷ lục.

Sau sáp nhập, tỉnh nào có mức sinh thấp nhất cả nước? - Ảnh 1

Sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính, cả nước hiện có 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo thống kê ,TP.HCM là địa phương có tổng tỷ suất sinh (TFR) thấp nhất cả nước, chỉ đạt 1,43 con/phụ nữ – thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế là 2,1 con/phụ nữ.

Dữ liệu do Cục Thống kê phối hợp với Cục Dân số (Bộ Y tế) công bố ngày 3/7/2025 cho thấy, trong số 34 tỉnh, thành sau sáp nhập:

  • 13 tỉnh, thành có mức sinh dưới mức sinh thay thế (TFR < 2,1 con/phụ nữ)
  • 18 tỉnh đạt từ mức sinh thay thế đến dưới mức sinh cao (TFR từ 2,1 đến dưới 2,5)
  • 3 tỉnh có mức sinh cao (TFR từ 2,5 trở lên)

Đáng chú ý, 5 địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước là: TP.HCM, Tây Ninh, Cần Thơ, Cà Mau và Vĩnh Long

Tỷ suất sinh tại các địa phương này chỉ dao động từ 1,43 đến 1,60 con/phụ nữ.

Dù là các tỉnh có điều kiện y tế, hạ tầng, giáo dục tương đối phát triển, song mức sinh lại rất thấp, cho thấy áp lực cuộc sống và sự thay đổi trong xu hướng kết hôn, sinh con đang tác động mạnh mẽ đến quyết định của người dân, đặc biệt là giới trẻ.

Hiện nay, tổng tỷ suất sinh trung bình của Việt Nam chỉ đạt 1,91 con/phụ nữ, chính thức rơi vào nhóm quốc gia có mức sinh thấp nhất Đông Nam Á. Đây là tín hiệu cho thấy xu hướng giảm sinh đang lan rộng tại nhiều khu vực trên cả nước, chứ không còn là hiện tượng riêng lẻ ở các đô thị lớn.

Theo dự báo trong Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, nếu xu hướng này không được can thiệp hiệu quả, dân số Việt Nam sẽ đối mặt nguy cơ tăng trưởng âm trong giai đoạn 2054–2059, đồng nghĩa với việc lực lượng lao động sụt giảm nghiêm trọng, dân số già tăng nhanh, tạo áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội.

Nhiều chính sách hỗ trợ sinh đủ hai con

Trước thực trạng này, TP.HCM – nơi có mức sinh thấp nhất cả nước, đang đi đầu trong việc thí điểm chính sách hỗ trợ phụ nữ sinh đủ hai con.

Từ tháng 5/2025, thành phố đã bắt đầu xét hỗ trợ một lần 3 triệu đồng cho phụ nữ sinh đủ hai con trước tuổi 35. Thời gian áp dụng đối với các trường hợp có con thứ hai sinh trong khoảng từ 21/12/2024 đến 15/4/2025. Đây là một trong những nỗ lực nhằm khuyến khích người dân sinh đủ hai con trong độ tuổi sinh sản an toàn.

Ngoài ra, phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đang sống tại xã đảo hoặc thuộc diện bảo trợ xã hội cũng được hỗ trợ 2 triệu đồng cho các hoạt động sàng lọc trước sinh và sơ sinh (gồm 600.000 đồng cho tầm soát trước sinh, 400.000 đồng cho sàng lọc sơ sinh và 1 triệu đồng tiền mặt).

Ở cấp quốc gia, ngày 3/6 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số, trong đó khẳng định: các cặp vợ chồng có quyền tự quyết định số con, thời gian và khoảng cách sinh con dựa trên hoàn cảnh kinh tế, sức khỏe, học vấn và điều kiện nuôi dưỡng.

Bộ Y tế cũng đang nghiên cứu thêm các đề xuất như:

  • Không xử lý kỷ luật đối với Đảng viên sinh con thứ ba
  • Tăng thời gian nghỉ thai sản từ 6 tháng lên 7 tháng
  • Hỗ trợ tài chính, nhà ở, giáo dục cho gia đình sinh đủ hai con

Mặc dù mức sinh đang giảm, theo khảo sát của Bộ Y tế, mong muốn sinh đủ hai con vẫn là nguyện vọng phổ biến của phần lớn các gia đình Việt Nam.

Điều này mở ra cơ hội quan trọng để Nhà nước và chính quyền các cấp thiết kế các chính sách hỗ trợ thiết thực, từ chăm sóc sức khỏe sinh sản đến an sinh xã hội, giúp người dân an tâm hơn trong hành trình làm cha mẹ.

Drone cứu người giữa lũ dữ ở Gia Lai và những bài học từ công nghệ

Một chiếc drone của anh nông dân ở Gia Lai đã cứu sống hai đứa trẻ mắc kẹt giữa dòng lũ, mở ra góc nhìn mới về cách công nghệ có thể bảo vệ tính mạng con người.