Công nhận mại dâm là một nghề: Bảo vệ gái bán hoa hay khiến gia đình xào xáo, tan vỡ?

Xã hội 04/04/2018 20:16

Từ trước đến nay, mại dâm được xem là một trong những hành vi vi phạm pháp luật ở nước ta. Vì vậy việc mua bán dâm được tiến hành lén lút gây khó khăn trong công cuộc quản lý.

Vào ngày 28/3, tại Hội thảo về quan điểm, định hướng xây dựng chính sách, pháp luật về mại dâm do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức, các đại biểu đã thảo luận về vấn đề “Hợp pháp hóa mại dâm - Nên hay không nên?”.

Vấn đề này đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Theo đó, một số người cho rằng chúng ta nên học tập bạn bè quốc tế, hợp pháp hóa mại dâm để vừa dễ kiểm soát vừa thúc đẩy kinh tế. Một số khác lại cho rằng việc hợp pháp hóa mại dâm là đi ngược lại truyền thống văn hóa dân tộc, khiến giới trẻ trì trệ không có ý chí phấn đấu, học tập vì kinh doanh vốn tự có dễ dàng hơn nhiều so với việc phải miệt mài học tập hay lao động chân tay.

Công nhận mại dâm là một nghề: Bảo vệ gái bán hoa hay khiến gia đình xào xáo, tan vỡ? - Ảnh 1
Nhiều ngày qua, câu hỏi có nên công nhận mại dâm là một nghề hay không gây ra nhiều cuộc tranh cãi trong dư luận - Ảnh minh họa: Internet

Trao đổi với Phụ nữ sức khỏe, anh T. (27 tuổi, nhân viên văn phòng ở TPHCM) cho rằng việc hợp pháp hóa mại dâm cũng là một hình thức hay. Nếu luật này được áp dụng, những cô gái bán hoa sẽ được bảo vệ và có đời sống tốt hơn. Anh T. tin rằng khi luật dành cho những người hành nghề mại dâm được áp dụng thì họ sẽ không phải chịu cảnh chèn ép của những kẻ làm nghề bảo kê hay má mì.

Anh T. giải thích: “Việc hợp thức hóa có thể sẽ đi ngược lại với thuần phong mỹ tục, nhưng suy cho cùng đó cũng là nghề, có thể mưu sinh được. Cả hai đến với nhau là mối quan hệ thỏa thuận, ăn bánh trả tiền, thỏa mãn xong lại rời đi, không gây mất mát hay gì cả. Chính vì vậy tôi không thấy điều này có gì xấu”.

Cùng quan điểm với anh T., ông N.V.Đ (47 tuổi, công nhân, Long An) cho rằng việc công nhận mại dâm như một nghề là cần thiết, có như vậy Nhà nước mới có thể quản lý một cách triệt để, ngăn chặn được các bệnh truyền nhiễm. “Trước giờ, Nhà nước mình vẫn cấm đó thôi nhưng mà tụi nó vẫn hoạt động lén lút, nhiều người vẫn đi kiếm gái bán dâm. Chi bằng giờ cho nó công khai, dễ kiểm soát, tránh lây bệnh AIDS”, ông Đ. ý kiến.

Anh M. (25 tuổi, nhân viên văn phòng tại Đồng Nai) nhìn vấn đề theo một góc độ khác. Theo anh việc hợp thức hóa mại dâm không chỉ mang lại giá trị nhân văn mà còn mang đến nhiều lợi ích kinh tế cho nước nhà.

“Ở Thái Lan, người ta đã hợp thức hóa mại dâm lâu rồi, giờ nó phát triển như một ngành kinh tế mũi nhọn. Nước ta cũng nên áp dụng cách đó nhằm thu hút du lịch, tăng thu nhập cho người dân, làm giàu cho nước nhà như vậy thì đâu có gì xấu”, ý kiến của anh M.

Công nhận mại dâm là một nghề: Bảo vệ gái bán hoa hay khiến gia đình xào xáo, tan vỡ? - Ảnh 2
Dù được công nhận hay không, mại dâm vẫn đang phát triển mạnh  - Ảnh minh họa: Internet

Là một trong số ít phụ nữ đồng ý với đề xuất này, chị T.V cho rằng những cô gái này đáng được xã hội công nhận bởi họ chỉ kinh doanh vốn tự có. Việc hợp thức hóa mại dâm còn giúp các chị em phụ nữ có thể bảo vệ tốt cho sức khỏe bản thân, gia đình và mọi người. Chị cho biết: “Tôi đồng ý với việc hợp pháp hoá nó thành nghề nghiệp. Ít nhất họ sẽ được pháp luật bảo vệ, được cung cấp các kiến thức để chăm sóc tốt cho sức khoẻ cho bản thân, gia đình và những khách hàng của họ”.

Tuy nhiên, đa phần phụ nữ lại cho rằng việc công nhận mại dâm là một nghề sẽ đi ngược lại với thuần phong mỹ tục Việt Nam, khiến nhiều gia đình xào xáo, tan rã. 

Cô P.T.K.L (57 tuổi, nội trợ, sinh sống tại TP.HCM) kịch liệt phản đối đề xuất này. Cô cho rằng: “Mại dâm không thể coi là một nghề, vì muốn gọi là nghề cần phải tạo ra của cải vật chất. Trong khi mại dâm là chỉ là để đáp ứng nhu cầu tình dục. Bên cạnh đó, nó còn làm mất đi thuần phong mỹ tục của Việt Nam, không mang lại lợi ích gì cho xã hội”.

“Thử hỏi có bao nhiêu bà vợ đồng ý với việc chồng mình ăn nằm với cô gái khác mà mình không làm được gì? Hợp thức hóa mại dâm chỉ mang lại lợi ích cho những người làm nghề mại dâm chứ những người phụ nữ khác chẳng được lợi ích gì, ngoài ra còn có nguy cơ mất chồng”, chị T.H.D (26 tuổi, Cà Mau) là một trong những người phụ nữ kiên quyết phản đối đề xuất này.

Hầu hết chị em phụ nữ tham gia trả lời phỏng vấn của Phụ nữ sức khỏe đều không đồng tình với đề xuất hợp thức hóa mại dâm. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi những người mua dâm là chồng, là cha, là con của họ, gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống gia đình. 

Hợp pháp hóa mại dâm dưới góc nhìn chuyên gia (Kỳ 1): Phân tích, so sánh, triết lý Đông – Tây, hạn chế các hệ quả xấu qua phỏng vấn độc quyền PGS.TS Luật học Võ Trí Hảo

Xoay quanh vấn đề hợp pháp hóa mại dâm ở nước ta, đã có không ít quan điểm ủng hộ hoặc không đồng tình của nhiều thành phần, tầng lớp trong xã hội. Dưới góc nhìn của một người nghiên cứu khoa học, một nhà tư vấn chính sách nhiều năm, PGS.TS Võ Trí Hảo - Quyền trưởng khoa Luật Đại học Kinh tế (TP.HCM) đã có cuộc trao đổi với Phụ nữ sức khỏe về 'nghề xưa nhất lịch sử loài người' này.

TIN MỚI NHẤT