Chính phủ quy định các nhóm đối tượng không phải chịu thuế VAT từ 1/7

Xã hội 03/07/2025 05:36

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 181/2025/NĐ-CP (Nghị định 181) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) có hiệu lực từ 1/7. Nghị định này cũng hướng dẫn cụ thể về các đối tượng không chịu thuế VAT.

Theo đó, Nghị định số 181 nêu rõ các đối tượng không chịu thuế thực hiện theo quy định tại Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng, đồng thời quy định chi tiết các nhóm đối tượng không chịu thuế VAT.

Đầu tiên là các nhóm đối tượng này bao gồm sản phẩm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu, được cụ thể hóa với những đặc điểm riêng của sản phẩm.

Chính phủ quy định các nhóm đối tượng không phải chịu thuế VAT từ 1/7 - Ảnh 1

Nhóm thủy sản nuôi trồng không phải chịu thuế VAT - ảnh minh họa

Trường hợp không xác định được thì Bộ Nông nghiệp và Môi trường có trách nhiệm căn cứ vào quy trình sản xuất sản phẩm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt do người nộp thuế cung cấp để xác định là sản phẩm chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu theo quy định của pháp luật.

Nhóm thứ 2 là nhà ở thuộc tài sản công do Nhà nước bán cho người đang thuê. Trong đó, nhà ở thuộc tài sản công theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Nhóm thứ 3 là chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Nhóm thứ 4 là các dịch vụ tài chính, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán, thương mại theo quy định.

Nhóm thứ 5 là dịch vụ tang lễ bao gồm dịch vụ cho thuê nhà tang lễ, xe ô tô phục vụ tang lễ, táng người chết dưới các hình thức, di chuyển mộ, chăm sóc mộ và phải do các cơ sở có chức năng kinh doanh dịch vụ tang lễ cung cấp.

Nhóm thứ 6 là hoạt động duy tu, sửa chữa, xây dựng bằng nguồn vốn đóng góp của nhân dân, vốn viện trợ nhân đạo (chiếm từ 50% tổng số vốn sử dụng cho công trình trở lên; Trường hợp nguồn vốn đóng góp của nhân dân, vốn viện trợ nhân đạo chiếm dưới 50% tổng số nguồn vốn sử dụng cho công trình thì toàn bộ giá trị công trình thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng) đối với các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, các công trình văn hóa, nghệ thuật, công trình phục vụ công cộng, cơ sở hạ tầng và nhà ở cho đối tượng chính sách xã hội.

Nhóm thứ 7 là hoạt động dạy học, dạy nghề theo quy định của pháp luật về giáo dục, giáo dục nghề nghiệp. Trường hợp các cơ sở dạy học, dạy nghề có các khoản thu hộ, chi hộ thì thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng; hàng hóa, dịch vụ do các tổ chức, cá nhân cung cấp cho các cơ sở dạy học, dạy nghề phải chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định.

Nhóm thứ 8 là xuất bản, nhập khẩu, phát hành báo, tạp chí, bản tin, đặc san, sách chính trị, sách giáo khoa, giáo trình, sách văn bản pháp luật, sách khoa học - kỹ thuật, sách phục vụ thông tin đối ngoại, sách in bằng chữ dân tộc thiểu số và tranh, ảnh, áp phích tuyên truyền cổ động, kể cả dưới dạng băng hoặc đĩa ghi tiếng, ghi hình, dữ liệu điện tử; tiền, in tiền.

Chính phủ quy định các nhóm đối tượng không phải chịu thuế VAT từ 1/7 - Ảnh 2

Nhóm xuất bản, nhập khẩu, phát hành báo, tạp chí không phải chịu thế VAT - ảnh minh họa

Nhóm thứ chín là các dịch vụ vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt, tàu điện, phương tiện thủy nội địa thực hiện nội tỉnh, trong đô thị và các tuyến lân cận ngoại tỉnh có các điểm dừng đón, trả khách cũng không phải chịu thuế VAT.

Nhóm thứ mười là nhóm máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; Máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng và vật tư thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ dầu khí; máy bay, trực thăng, tàu lượn, giàn khoan, tàu thuyền thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp hoặc thuê của nước ngoài để sử dụng cho sản xuất, kinh doanh, cho thuê.

Nhóm thứ mười một là hàng hóa nhập khẩu trong trường hợp viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại, hoặc hàng hóa, dịch vụ bán cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế để viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam.

Nhóm thứ mười hai là hàng hóa chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam; Hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu; Hàng tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu; Nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu theo hợp đồng sản xuất, gia công xuất khẩu ký kết với bên nước ngoài; Hàng hóa, dịch vụ được mua bán giữa nước ngoài với các khu phi thuế quan và giữa các khu phi thuế quan với nhau.

Nhóm thứ mười ba là nhóm dịch vụ chuyển giao công nghệ theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ; Chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ; Sản phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm theo quy định của pháp luật về công nghệ thông tin, pháp luật về công nghiệp công nghệ số và pháp luật liên quan…

Nhóm thứ mười bốn là các sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác và sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác đã chế biến thành sản phẩm khác theo định hướng của nhà nước về không khuyến khích xuất khẩu, hạn chế xuất khẩu các tài nguyên, khoáng sản thô…

Bên cạnh đó còn có một số hàng hóa nhập khẩu khác theo quy định tại Nghị định 181 cũng không phải chịu thuế VAT…

FOPO khiến bạn sống vì ánh mắt người khác và đánh mất chính mình

FOPO (nỗi sợ ánh nhìn, lời đánh giá của người khác) đang âm thầm len lỏi vào cuộc sống hiện đại, bào mòn sự tự tin và niềm vui của mỗi chúng ta.

TIN MỚI NHẤT