TP. Hồ Chí Minh: Uống thuốc hạ sốt quá liều, bé trai 8 tuổi nguy kịch

Tin y tế 12/04/2023 18:26

Cách 1 giờ lại được bà ngoại cho sử dụng thuốc, sau đó đã khiến cháu bé rơi vào trạng thái nguy kịch phải nhập viện khẩn cấp.

Theo Vietnamplus, thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh đơn vị đã cấp cứu thành công cho một bé trai 8 tuổi trong tình trạng nguy kịch, men gan cao gấp 300 lần bình thường do uống Paracetamol (thuốc hạ sốt) quá liều.

Đó là bé N.M.T (8 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh), sống cùng ông bà ngoại.

Theo lời bà ngoại, do bé bị sốt nên bà đã tự mua thuốc hạ sốt ở hiệu thuốc gần nhà cho cháu uống. Do không được hướng dẫn kỹ nên khi cháu sốt cao, cứ cách 1 giờ bà lại cho cháu sử dụng thuốc gồm cả thuốc dạng viên, dạng gói và đặt hậu môn.

Dùng thuốc liên tục trong 2 ngày, bé trai bắt đầu rơi vào trạng thái bỏ ăn, hôn mê, suy hô hấp…

Lúc này, gia đình mới đưa bé đến bệnh viện tỉnh và được chuyển gấp lên Bệnh viện Nhi đồng 2.

Tại Khoa Hồi sức nhiễm và COVID-19, Bệnh viện Nhi đồng 2, các bác sỹ ghi nhận bệnh nhi trong tình trạng lơ mơ, rối loạn đông máu, suy gan với men gan cao 9.500 UI/L (đối với người bình thường là 30-40 UI/L).

TP. Hồ Chí Minh: Uống thuốc hạ sốt quá liều, bé trai 8 tuổi nguy kịch - Ảnh 1
Bé trai nguy kịch do uống thuốc quá liều. Ảnh: Zing

Sau đó, bệnh nhi được hỗ trợ hô hấp kết hợp truyền thuốc, huyết tương tươi đông lạnh để điều chỉnh rối loạn đông máu và các biện pháp hỗ trợ khác.

Nhờ điều trị tích cực nên tình trạng bệnh nhi cải thiện dần, ăn uống trở lại, men gan từ từ hạ, chức năng gan trở lại bình thường và được xuất viện sau đó 1 tuần.

Theo VnExpress, tình trạng này trước đây đã có rất nhiều. Bệnh nhi ở Phú Thọ sốt cao, gia đình cho uống thuốc hạ sốt paracetamol 500 mg 4 ngày dẫn đến ngộ độc, hỏng gan.

Bệnh nhi được đưa vào khoa Cấp cứu - Trung tâm Sản Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, có dấu hiệu ngộ độc Paracetamol.

Người nhà cho biết 4 ngày nay bé sốt cao, ho khò khè nên cho uống thuốc hạ sốt paracetamol 500 mg với liều 4 viên một ngày, uống suốt 4 ngày.Các bác sĩ đánh giá tình trạng của bé rất nặng, tiên lượng tử vong nếu không được ghép gan. Sau khi được điều chỉnh các chức năng sống cơ bản, bệnh nhi được chuyển tiếp đến Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị.

TP. Hồ Chí Minh: Uống thuốc hạ sốt quá liều, bé trai 8 tuổi nguy kịch - Ảnh 2
Bệnh nhi uống thuốc hạ sốt quá liều. Ảnh: VnExpress

Theo Sức khỏe và Đời sống, hiện nay, thuốc thông dụng nhất để hạ sốt là paracetamol. Hoạt chất này có mặt ở rất nhiều sản phẩm với tên gọi khác nhau và ở các dạng thuốc khác nhau như: viên nén, viên sủi, dạng viên đạn nhét hậu môn, dạng bột pha dung dịch...

Các loại thuốc khác như bạc hà chỉ tạo ra cảm giác lạnh, hydrogel chỉ là dạng tinh thể ngậm nước (như trong miếng dán lạnh) không phải là thuốc hạ sốt.

Có một thực tế là nhiều bậc phụ huynh khi cho trẻ uống thuốc, chưa thấy đỡ hoặc nhiệt độ chỉ hạ chút ít lại tiếp tục lấy thuốc ra cho trẻ uống. Việc uống nhiều lần trong thời gian ngắn sẽ dẫn tới tình trạng ngộ độc thuốc ở trẻ. Ghi nhận tại Khoa Cấp cứu các bệnh viện trên cả nước, không hiếm trường hợp trẻ phải nhập viện khẩn cấp vì ngộ độc loại thuốc hạ sốt giảm đau này.

Biểu hiện của ngộ độc thuốc thường xảy ra khi trẻ uống paracetamol quá liều khoảng vài giờ, thường dưới 24 giờ, trẻ sẽ xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, buồn nôn, nôn, đau bụng, chán ăn. Nếu tiếp tục cho trẻ dùng liều cao vài lần, các biểu hiện ngộ độc của trẻ đã tăng lên nhiều và mức độ nguy hiểm cũng cao hơn. Từ 24-48 giờ, các triệu chứng về gan ở trẻ nặng lên. Trường hợp nặng, trẻ có thể bị suy thận, suy tim, rối loạn nhịp tim, thậm chí tử vong.

 

Việc dùng thuốc hạ sốt thế nào cho đúng để vừa tránh được những tai biến do thuốc gây ra và đạt được hiệu quả là rất cần thiết. Hiện nay, để hạ sốt có 2 cách dùng thuốc chủ yếu là đường uống và đặt hậu môn. Với việc hạ sốt bằng đường uống, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc hạ sốt nhưng thông thường nhất là loại chứa acetaminophen (efferalgan, paracetamol, panadol...). Khi sử dụng các loại thuốc này tại nhà, phụ huynh cần lưu ý:

Thời điểm dùng thuốc: Trước khi dùng thuốc, phụ huynh cần phải đo nhiệt độ cho trẻ. Nếu nhiệt độ dưới 38,5°C, chỉ nên nới rộng quần áo, chườm ấm tích cực cho trẻ bằng khăn ấm, lau trán, nách, bẹn để hạ nhiệt độ cho trẻ. Cặp lại nhiệt độ cho trẻ sau khi chườm. Chỉ nên dùng thuốc hạ sốt khi trẻ có nhiệt độ sốt cao từ 38,5oC trở lên.

Liều dùng thuốc: Liều dùng tính theo cân nặng của trẻ, mỗi lần 10-15mg/kg. Mỗi lần uống thuốc cách nhau 4-6 giờ, trong 1 ngày không dùng thuốc hạ sốt quá 6 lần. Uống thuốc quá liều có thể gây ngộ độc.

Kết hợp đúng cách: Để đạt được hiệu quả cao và hạ sốt nhanh cho trẻ, ngoài việc sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ, nên kết hợp với chườm ấm, cho trẻ uống thêm nước sôi để nguội, nước hoa quả, nếu trẻ còn bú thì cho bú nhiều lần hơn hoặc uống thêm oresol theo chỉ dẫn...

Phụ huynh cần cho trẻ nằm trong phòng thoáng khí, tăng cường dinh dưỡng và theo dõi nhiệt độ của trẻ 20-30 phút/1 lần. Tuyệt đối không chườm cho trẻ bằng nước lạnh vì khi chườm lạnh sẽ làm các mạch máu co lại, lỗ chân lông cũng co lại làm cho nhiệt không thoát ra ngoài được và trẻ sẽ càng sốt cao hơn. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hạ sốt cho trẻ dưới 3 tháng tuổi khi chưa có ý kiến của bác sĩ, đặc biệt với trẻ bị các bệnh gan, tim, thận...

 

Bất kỳ loại thuốc điều trị nào, kể cả thuốc hạ sốt thông thường cho trẻ em cũng phải có chỉ định từ bác sĩ điều trị mới thật sự an toàn. Khi trẻ có các dấu hiệu: sốt cao trên 40°C, sốt liên tục không giảm trong vòng 24h, trẻ bị co giật, mệt li bì, nôn, quấy khóc, bỏ bú, bỏ ăn, sốt kèm theo chảy mũi, khó thở, tím tái thì phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám, tìm nguyên nhân điều trị.

 

Vì sao số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam “giảm rồi lại tăng”?

Trong gần một tuần qua, số ca mắc Covid-19 bất ngờ tăng trở lại, đặc biệt có 2 ngày số mắc mới vượt mức 100 ca/ ngày, nhiều ca nặng.

TIN MỚI NHẤT