Bệnh ‘vi khuẩn ăn thịt người’ lại xuất hiện, có nhiều ca nặng, thậm chí ‘ăn’ cả cánh mũi người bệnh

Tin y tế 08/04/2021 15:58

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết bệnh viện hiện đã và đang tiếp nhận, điều trị một số ca bệnh Whitmore nặng. Trong đó, đáng chú ý có một bệnh nhân nữ bị vi khuẩn Whitmore "ăn" cánh mũi.

Ngày 8/4, bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận, điều trị một số ca bệnh Whitmore nặng.

Ca bệnh đầu tiên là một nam bệnh nhân 63 tuổi, có tiền sử bệnh lý đái tháo đường, từng sống trong vùng ngập lụt miền Trung, nhập viện sau 2 tháng bị sốt, ho, khó thở. Trước đó, bệnh nhân đã được điều trị ở nhiều bệnh viện tuyến huyện và tỉnh với chẩn đoán viêm phổi, chưa loại trừ ung thư phổi nhưng không thuyên giảm.

Vi khuan an thit nguoi
 Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận, điều trị một số ca bệnh Whitmore nặng - Ảnh: Internet

Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong tình trạng sốt cao, rét run, khó thở suy hô hấp, đau ngực, đau vùng thắt lưng mông và mặt trước cẳng chân trái, đại tiểu tiện không tự chủ. Sau khi làm xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết do Burkholderia pseudomallei có nhiều ổ nhiễm khuẩn khu trú (viêm phổi diện rộng 2 bên, áp xe cơ nhiều nơi).

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân được hồi sức bằng kháng sinh, hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn, kiểm soát đường máu, phẫu thuật dẫn lưu ổ áp-xe ở các khối cơ, nuôi dưỡng tích cực. Sau gần 2 tháng điều trị, bệnh nhân đã được xuất viện trong tình trạng tỉnh táo, không sốt, hô hấp, tuần hoàn ổn định, vết mổ liền sẹo tốt.

Trường hợp khác, một bệnh nhân nữ mắc Whitmore được cho là khá hy hữu khi bị vi khuẩn Whitmore "ăn" cánh mũi.

Vi khuan an thit nguoi 1
 Một bệnh nhân nữ mắc Whitmore khá hy hữu khi bị vi khuẩn "ăn" cánh mũi - Ảnh: Người Lao Động

Vi khuẩn gây bệnhWhitmore sống trong đất ẩm và trong nước, xâm nhập vào cơ thể qua các vết xây xước trên da, hoặc qua đường hô hấp do hít phải các hạt bụi đất có chứa vi khuẩn. Vì đất là môi trường sinh sống tự nhiên của vi khuẩn nên khi mưa lũ về sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát tán vi khuẩn Whitmore. Bệnh lây truyền chủ yếu do tiếp xúc với nguồn đất, nước có chứa vi khuẩn qua các vết trầy xước ngoài da. 

Những người mắc một số bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch như: tiểu đường, viêm thận mãn, xơ gan, nghiện rượu...hoặc những người làm nghề nông thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với đất, nước, sống ở vùng dịch tễ vi khuẩn Whitmore lưu hành là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao.

Bệnh này thường gây bệnh cấp tính và có tỷ lệ tử vong cao, hay gặp nhất là viêm phổi hoại tử, áp xe phổi; viêm mủ hoại tử, áp xe ở da, cơ, xương, khớp; có thể gây viêm mủ, áp xe ở các cơ quan nội tạng như gan, lách, thận, não, màng não. Hơn một nửa số bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết và 1/4 có thể dẫn đến sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng.

Theo nhiều bác sĩ, việc điều trị bệnh Whitmore (vi khuẩn ăn thịt người) hiện nay còn rất khó khăn. Tất cả các trường hợp nhiễm Burkholderia pseudomalei từ nhẹ đến nặng đều cần được điều trị kháng sinh phù hợp, kéo dài ít nhất từ 2 tuần đến 8 tuần, tùy theo cơ quan bị tổn thương. Điều trị không đúng sẽ dẫn đến bệnh tái phát.

Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh. Để phòng bệnh, cần chú ý đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng và sử dụng đồ bảo hộ lao động khi làm việc ở môi trường không sạch sẽ. 

Tìm thấy thi thể 2 chị em họ đuối nước thương tâm tại KonTum

Chính quyền và người dân xã Đăk Nhoong huyện Đăk Glei, thành phố Kon Tum đã tìm thấy thi thể của 2 em nhỏ bị đuối nước vào chiều cùng ngày tại suối Đăk Nhoong.

TIN MỚI NHẤT