6 tháng mất cảm giác ở chân tay, người phụ nữ phát hiện căn bệnh nhiều người sợ hãi

Tin y tế 28/04/2023 09:40

Ca bệnh đã được phát hiện ở tỉnh vùng cao Sơn La, bệnh nhân có tổn thương da hướng đến phong thể u. Bệnh nhân có mất cảm giác tay, chân trong 6 tháng nay.

Theo thông tin từ Báo Lao Động, bệnh nhân là một phụ nữ, 39 tuổi, có tổn thương da hướng đến phong thể u. Bệnh nhân có mất cảm giác tay, chân trong 6 tháng nay và chưa có tàn tật phong.

Ngay khi có chẩn đoán lâm sàng, đoàn công tác đã tiến hành lấy bệnh phẩm khẳng định chẩn đoán, đồng thời hướng dẫn các cán bộ y tế cơ sở lập hồ sơ bệnh án, giám sát điều trị và sớm có kế hoạch khám tiếp xúc gần liên quan bệnh nhân.

Ngoài xã Chiềng Bằng, chương trình khám và điều tra dịch tễ bệnh phong của Bệnh viện Da liễu Trung ương phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam (WHO) cũng triển khai tại xã Chiềng Khay thuộc huyện Quỳnh Nhai.

6 tháng mất cảm giác ở chân tay, người phụ nữ phát hiện căn bệnh nhiều người sợ hãi - Ảnh 1
Ngay khi có chẩn đoán lâm sàng, đoàn công tác đã tiến hành lấy bệnh phẩm khẳng định chẩn đoán. Ảnh: VietNamNet

Qua hai ngày, đoàn công tác đã khám, kê đơn thuốc miễn phí cho gần 800 bệnh nhân, mắc các loại bệnh phổ biến là ghẻ với khoảng hơn 100 bệnh nhân. Còn lại là các bệnh lý sẩn ngứa, viêm da cơ địa, mày đay, nấm da với số lượng ít hơn.

 

Cũng theo PGS.TS Lê Hữu Doanh, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương thông tin trên Báo VietNamNet, mỗi năm nước ta phát hiện khoảng 100 bệnh nhân phong mới, riêng năm 2022 là 50 ca. Trong số này, phần nhiều là bệnh nhân vùng sâu vùng xa, nhưng vẫn có những bệnh nhân ở khu vực đô thị như Hà Nội.

6 tháng mất cảm giác ở chân tay, người phụ nữ phát hiện căn bệnh nhiều người sợ hãi - Ảnh 2

Bệnh phong (từng bị gọi là bệnh cùi, bệnh hủi) là một bệnh nhiễm trùng mạn tính gây ra bởi vi trùng Mycobacterium Leprae (vi trùng Hansen). Ảnh: Internet

Phong là bệnh truyền nhiễm, có khả năng lây lan, tuy nhiên mức độ lây chậm và khó lây, thời gian ủ bệnh có thể lên tới 5-10 năm. Biểu hiện của bệnh phong chủ yếu ở ngoài da và hệ thống thần kinh ngoại biên như thương tổn da kèm theo mất cảm giác nóng, lạnh, đau...

Vấn đề khó khăn là không ít người mắc bệnh phong bị chẩn đoán muộn. Nhiều bệnh nhân đi khám nhiều nơi như dị ứng, cơ xương khớp, thần kinh hoặc đa khoa nhưng không tìm ra nguyên nhân chính xác.

Bệnh nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời có thể để lại di chứng mất cảm giác các dây thần kinh, tàn tật vĩnh viễn, biến dạng cơ thể; ngoài ra có thể tạo thành các ổ bệnh tiềm ẩn trong cộng đồng. 

Theo Dân Trí, tùy theo thời gian phát bệnh, trên cơ thể còn xuất hiện các triệu chứng như: vùng da bóng láng và phù nhẹ; đỏ da lan tỏa bóng láng và phù; u, cục đỏ, đau xuất hiện đột ngột; dái tai dày; lông mày thưa hoặc rụng đặc biệt ở 1/3 ngoài.

Về thần kinh: xuất hiện một vùng da tê hoặc cảm giác kiến bò; xuất hiện sự yếu các cơ nhỏ ở bàn tay, bàn chân; dây thần kinh to hoặc mất cảm giác; mất chức năng bài tiết mô hồi ở một vùng da.

WHO xếp phong vào nhóm "những bệnh bị lãng quên". Sự lãng quên này bao gồm cả việc chính các bác sĩ ngoài ngành Da liễu không được đào tạo, tự quên kiến thức, dấu hiệu triệu chứng của bệnh dẫn đến bỏ sót, chẩn đoán nhầm. Một phần bởi trong thời gian dài, bệnh phong được khống chế tốt. Do đó, theo PGS Doanh, không được mất cảnh giác với bệnh lý này.

WHO: Công bố số liệu mới về số ca tử vong do COVID-19

Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra số liệu mới về ca tử vong do COVID-19.

TIN MỚI NHẤT