Xôn xao thông tin lá lốt trị khỏi bệnh ung thư trên Tiktok: Chuyên gia nói gì?

Sức khỏe 20/04/2023 14:19

Tiktoker này khẳng định, lá lốt trị khỏi ung thư, ngay cả những trường hợp mắc bệnh bị trả về nhà. Hiện, nhiều người đang rất tò mò trước công dụng của lá lốt.

Mới đây, trên mạng xã hội Tiktok, một người dùng khẳng định "lá lốt là khắc tinh của căn bệnh ung thư" khiến nhiều người xôn xao.

Cụ thể, Tiktoker này cho biết, những ai bị ung thư vòm họng, ung thư trực tràng, ung thư cổ tử cung... bệnh viện trả về rồi đều có thể sử dụng bài thuốc từ lá lốt để chữa khỏi căn bệnh mãn tính này.

Xôn xao thông tin lá lốt trị khỏi bệnh ung thư trên Tiktok: Chuyên gia nói gì? - Ảnh 1
Một người dùng Tiktok khẳng định "lá lốt là khắc tinh của căn bệnh ung thư" khiến nhiều người xôn xao.

Từ trước đến nay, người dân Việt Nam thường có thói quen sử dụng lá lốt để thêm vào các món ăn hàng ngày như một loại gia vị. Thế nên, hiện nay, thông tin lá lốt chữa khỏi bệnh ung thư đang được lan truyền trên mạng xã hội khiến nhiều người không khỏi xôn xao. 

"Có bệnh thì vái tứ phương" và tất nhiên vái luôn cả thầy tiktok. Có lẽ sẽ rất nhiều người tò mò và dùng lá lốt để chữa ung thư. Tuy nhiên sự thật về khả năng chữa bệnh ung thư của lá lốt đến đâu? Chúng ta hãy cùng xem chuyên gia giải đáp.

Lá lốt không có tác dụng trong điều trị bệnh ung thư

Theo Thạc sĩ, lương y Vũ Quốc Trung (Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền, Hội Đông y Việt Nam), lá lốt không chỉ là loại rau gia vị, dùng trong các món ăn quen thuộc hàng ngày mà còn là vị thuốc quý trong Đông y.

"Tuy nhiên, sử dụng lá lốt để chữa bệnh ung thư thì y học cổ truyền và y học hiện đại đều chưa có bằng chứng cũng như nghiên cứu khoa học nào. Trong thực tế, tôi cũng chưa thấy bệnh nhân ung thư nào sử dụng lá lốt để chữa khỏi căn bệnh mãn tính này", lương y Vũ Quốc Trung nói.

Xôn xao thông tin lá lốt trị khỏi bệnh ung thư trên Tiktok: Chuyên gia nói gì? - Ảnh 2
Sử dụng lá lốt để chữa bệnh ung thư thì y học cổ truyền và y học hiện đại đều chưa có bằng chứng cũng như nghiên cứu khoa học nào.

Theo GS.TS Trần Văn Thuấn (Nguyên Giám đốc Bệnh viện K), ung thư là bệnh mãn tính, nhiều người coi đây là "bản án tử" vì căn bệnh nguy hiểm, khó chữa khỏi. Bệnh nhân ung thư muốn duy trì cuộc sống bình thường nhất đòi hỏi cần có phác đồ điều trị, trải qua những đợt hóa trị, xạ trị cụ thể tùy từng thể trạng bệnh mình mắc phải. Không có chuyện sử dụng lá lốt - dù ở bất cứ bài thuốc nào - để chữa dứt điểm ung thư được.

Các chuyên gia khuyên, người dân tuyệt đối không nên nghe theo những thông tin sai lệch trên mạng xã hội, bỏ điều trị theo phác đồ tại bệnh viện để dùng lá lốt hay bất cứ loại lá nào đắp, uống trị ung thư. Việc không tuân thủ phác đồ điều trị, tự ý dùng những loại cây lá trị ung thư có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Vậy, công dụng thực sự của lá lốt là gì?

Không có khả năng chữa khỏi bệnh ung thư nhưng lá lốt cũng có những công dụng vô cùng tuyệt vời.

Xôn xao thông tin lá lốt trị khỏi bệnh ung thư trên Tiktok: Chuyên gia nói gì? - Ảnh 3
Trong dân gian, lá lốt chữa viêm khớp rất tốt, cũng như các chứng phong hàn, nôn mửa, tiêu chảy, đầy bụng.

Theo lương y Vũ Quốc Trung, lá lốt có khả năng chữa đau nhức rất tốt. Trong dân gian, lá lốt chữa viêm khớp rất tốt, cũng như các chứng phong hàn, nôn mửa, tiêu chảy, đầy bụng. Ngoài việc ăn kèm lá lốt như chả lá lốt, lá lốt nấu ốc đậu… bạn có thể tham khảo một số bài thuốc từ Đông y điều trị đau nhức khớp.

Theo kết quả nghiên cứu hiện đại, lá lốt có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm và giảm đau khá tốt. Do đó sử dụng để ứng phó với chứng tê thấp, đau nhức xương khớp được coi là phương án cực hữu hiệu.

Không chỉ có công dụng chữa bệnh, những món ăn làm từ lá lốt như: canh lá lốt nấu với thịt, cá là món ăn bổ dưỡng. Chúng giúp người già chống đỡ được một số bệnh tật. Nhất là làm giảm đau nhức xương, khớp - tình trạng bệnh rất hay xảy ra trong lúc thời tiết giao mùa.

Tuy nhiên, giới chuyên gia lưu ý, lá lốt là thuốc nên cần sử dụng đúng liều lượng. Nếu lạm dụng có thể biến thành thuốc độc. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi sử dụng lá lốt. 

Với những người đang bị đau dạ dày, nhiệt miệng, táo bón (biểu hiện lợi hàm sưng đỏ; lưỡi khô; môi nẻ; đi tiêu khó khăn, nóng bức trong người…) không nên dùng lá lốt. Nếu dùng có thể khiến tình trạng thêm tồi tệ hơn.

TP.HCM cảnh báo số ca mắc, nhập viện điều trị do COVID-19 tăng

Vào ngày 19/4, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho biết, số ca mắc, nhập viện do COVID-19 đang có chiều hướng tăng trong thời gian gần đây.

TIN MỚI NHẤT