WHO: Đã nhìn thấy điểm cuối của đại dịch Covid-19

Sức khỏe 15/09/2022 19:10

Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm thứ Tư cho biết, thế giới chưa bao giờ ở vị thế tốt hơn lúc này trong việc chấm dứt đại dịch Covid-19.

Theo Straits Times, đây là nhận định lạc quan nhất của ông Tedros Adhanom Ghebreyesus về cuộc khủng hoảng y tế kéo dài thời gian qua và đã khiến hơn sáu triệu người thiệt mạng.

Tín hiệu lạc quan về đại dịch

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo trực tuyến rằng: "Chúng ta vẫn chưa kết thúc được đại dịch hoàn toàn nhưng tương lai đó không còn xa nữa. Và thế giới cần nỗ lực để nắm bắt cơ hội này".

Dù vậy, quan chức y tế hàng đầu thế giới cũng cảnh báo: "Một vận động viên marathon không dừng lại khi vạch đích xuất hiện mà cô ấy còn cần chạy một cách nỗ lực hơn, với tất cả năng lượng còn lại. Chúng ta cũng vậy. Chúng ta có thể đang nhìn thấy vạch đích. Chúng ta có thể đang ở vị trí chiến thắng. Nhưng bây giờ không phải là thời điểm tốt để ngừng chạy".

WHO: Đã nhìn thấy điểm cuối của đại dịch Covid-19 - Ảnh 1

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra thông điệp lạc quan về Covid-19. Ảnh: uicc.

"Nếu chúng ta không tận dụng cơ hội này ngay bây giờ, chúng ta có nguy cơ gặp phải nhiều biến thể hơn, nhiều người chết hơn, nhiều gián đoạn trong đời sống hơn và nhiều bất ổn hơn", ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.

Đây được cho là đánh giá lạc quan nhất từ cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc kể từ khi WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc tế về virus corona vào tháng 1 năm 2020 và bắt đầu xác định Covid-19 là một đại dịch ba tháng sau đó.

Loại virus này, xuất hiện ở Trung Quốc vào cuối năm 2019, trong thời gian qua, đã khiến gần 6,5 triệu người thiệt mạng và lây nhiễm cho 606 triệu người. Dịch bệnh lây lan cũng đã làm chao đảo các nền kinh tế toàn cầu và gây sức ép nặng nề lên các hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Việc triển khai vaccine và các liệu pháp điều trị đã dần giúp hạn chế các ca tử vong và nhập viện. Biến thể Omicron xuất hiện vào cuối năm ngoái cũng gây ra các triệu chứng bệnh ít nghiêm trọng hơn. WHO cũng đã ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 vào tuần trước là thấp nhất kể từ tháng 3 năm 2020.

Tuy nhiên, ông Tedros vẫn kêu gọi các quốc gia duy trì cảnh giác. Ông này cho biết các quốc gia cần xem xét kỹ các chính sách của mình và củng cố các biện pháp đối phó với Covid-19 cũng như các loại virus trong tương lai. Ông cũng kêu gọi các quốc gia tiêm vaccine cho 100% các nhóm có nguy cơ cao và tiếp tục xét nghiệm virus corona.

WHO cũng cho biết các quốc gia cần duy trì nguồn cung cấp thiết bị y tế và nhân viên y tế đầy đủ.

Về nguy cơ sắp tới, nhà dịch tễ học cấp cao của WHO Maria Van Kerkhove cho biết: "Chúng tôi dự đoán sẽ có những đợt lây nhiễm khác trong tương lai, có khả năng xảy ra vào các thời điểm khác nhau trên khắp thế giới do các biến thể phụ khác nhau của Omicron hoặc thậm chí xuất hiện các biến thể khác đáng lo ngại".

WHO: Đã nhìn thấy điểm cuối của đại dịch Covid-19 - Ảnh 2

Việc triển khai vaccine và các liệu pháp điều trị đã dần giúp hạn chế các ca tử vong và nhập viện vì Covid-19. Ảnh: Reuters.

Câu hỏi về tình trạng khẩn cấp toàn cầu

Với hơn một triệu ca tử vong chỉ trong năm nay, đại dịch Covid-19 vẫn đang được coi là tình trạng khẩn cấp trên toàn cầu và ở hầu hết các quốc gia.

Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu cho biết: "Làn sóng Covid-19 mùa hè năm nay, do sự lây lan của biến chủng Omicron BA.4 và BA.5, cho thấy đại dịch vẫn chưa kết thúc vì virus vẫn tiếp tục tồn tại ở châu Âu và nhiều nơi khác nữa".

Một cuộc họp tiếp theo của các chuyên gia của WHO để quyết định xem liệu đại dịch này có còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm hay không sẽ diễn ra vào tháng 10 năm nay, một phát ngôn viên của WHO cho biết.

Tiến sĩ Michael Head, chuyên gia nghiên cứu cấp cao về y tế toàn cầu tại Đại học Southampton, cho biết: "Có lẽ công bằng khi nói rằng phần lớn thế giới đang vượt ra khỏi giai đoạn ứng phó đại dịch khẩn cấp. Các chính phủ cũng đang xem xét cách tốt nhất để đối phó với Covid-19 như một phần trong chương trình giám sát và chăm sóc sức khỏe định kỳ của họ".

Trong bối cảnh chuẩn bị khởi động các chiến dịch tiêm chủng tăng cường mùa đông, châu Âu và Mỹ đã phê duyệt vaccine để tiêu diệt biến thể Omicron cũng như các chủng virus ban đầu.

Tại Mỹ, Covid-19 ban đầu được tuyên bố là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng vào tháng 1 năm 2020 và tình trạng đó đã được gia hạn hàng quý kể từ đó.

Bộ y tế Mỹ vào giữa tháng 10 sẽ gia hạn lại tình trạng này (kéo dài đến tháng 1 năm 2023) và nhiều chuyên gia chính sách cho rằng đây có thể là lần gia hạn cuối cùng.

Các quan chức y tế Mỹ cho rằng đại dịch vẫn chưa kết thúc nhưng một loại vaccine mới đang đánh dấu một bước chuyển biến quan trọng trong cuộc chiến chống lại virus corona. Họ dự đoán rằng một loại vaccine tiêm hàng năm tương tự như vaccine cúm sẽ cung cấp mức độ bảo vệ cao và đưa nước Mỹ trở lại gần như bình thường.

Thói quen vừa ăn vừa uống cùng một lúc có thực sự gây "sát thương" lên dạ dày của bạn không?

Nhiều các bậc phụ huynh khi thấy con vừa ăn vừa uống sẽ lập tức nhắc "Không được như vậy, con ăn xong đi đã rồi hãy uống!". Nhưng liệu việc vừa ăn vừa uống có thực sự gây hại không?

TIN MỚI NHẤT