'Chuyển' ngón chân thành ngón tay cho nữ bệnh nhân bị tai nạn lao động

Sức khỏe 14/05/2023 17:45

Bác sĩ quyết định lấy ngón trỏ chân trái, để chuyển lên tạo hình ngón cái tay trái cho bệnh nhân do tính tương đồng về kích thước với ngón tay cái còn lại.

Theo thông tin từ VOV, các bác sĩ khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viên Đại học Y Hà Nội vừa thành công trong việc phẫu thuật chuyển ngón chân lên để tạo hình lại ngón cái bàn tay cho bệnh nhân L.T.Đ (nữ, 45 tuổi).

Cách đây hơn 7 tháng, chị Đ bị tai nạn lao động, máy ép trong cơ sở sản xuất của gia đình ép vào bàn tay trái gây thương tích. Sau tai nạn, bệnh nhân được xử lý phẫu thuật cắt lọc, xử lý vết thương ngón II - V, sửa mỏm cụt ngón I tay trái, ghép da.

'Chuyển' ngón chân thành ngón tay cho nữ bệnh nhân bị tai nạn lao động - Ảnh 1
Hình chụp X-Quang hai bàn tay bệnh nhân trước khi được phẫu thuật - Ảnh: VOV

Sau khi về nhà từ bệnh viện với bàn tay chỉ có 4 ngón, cuộc sống của chị bị đảo lộn, khó khăn bội phần. Chưa kể đến những đau đớn do tai nạn gây ra, mất ngón tay cái khiến chị không thể cầm nắm hay sinh hoạt. Ngón tay luôn có cảm giác đau nhức khó tả. Chị không thể trở lại với công việc hàng ngày mà thậm chí không thể buộc tóc cho bản thân mình!

Theo các bác sĩ, bàn tay có vai trò rất quan trọng trong lao động, đặc biệt hơn nữa là ngón tay cái chiếm tới 50% chức năng của bàn tay, nên việc tạo hình lại ngón tay cái với những bệnh nhân bị cụt ngón cái như trường hợp của chị Đ là việc quan trọng trong quá trình điều trị. 

Bệnh nhân Đ bị tổn thương mất tới nền đốt bàn ngón I tay trái; gân duỗi ngón cái dài, gân duỗi ngón cái ngắn, gân gấp ngón cái dài bị co rút. Bên cạnh đó, dây thần kinh chi phối ngón tay cái cũng bị tổn thương.

'Chuyển' ngón chân thành ngón tay cho nữ bệnh nhân bị tai nạn lao động - Ảnh 2
Bàn tay chị Đ trước khi phẫu thuật (không có ngón cái) và sau khi được ghép nối ngón cái - Ảnh: VOV

Bác sĩ phụ trách phẫu thuật và điều trị cho chị Đ. cho biết, sau khi thăm khám bệnh nhân, bác sĩ đã quyết định lựa chọn lấy ngón chân II bên trái, để chuyển lên tạo hình ngón cái tay trái cho chị Đ. Sự lựa chọn này do tính tương đồng, kích thước ngón chân trái đó gần giống với ngón tay cái còn lại của bệnh nhân.

Ngày 13/4, các bác sĩ khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tiến hành phẫu thuật vi phẫu, chuyển ngón II chân trái lên tay, tái tạo ngón I tay trái cho bệnh nhân Đ. Bệnh nhân được găm kim Kirschner cố định xương đốt bàn ngón I tay trái với xương đốt bàn ngón II bàn chân trái; khâu tạo hình phục hồi lại gân gấp ngón cái dài, các gân duỗi ngón cái dài, ngón cái ngắn; khâu nối động mạch, tĩnh mạch của vạt với động mạch cấp máu ở bàn tay và nối phục hồi dây thần kinh chi phối ngón tay cái bên trái.

Bệnh nhân được tập sớm và  vận động ngay sau mổ. Đến nay, kết quả ca phẫu thuật rất khả quan. Bệnh nhân được phục hồi ngón cái của tay trái với kích thước tương đương so với ngón tay của bàn tay lành. Ngón tái tạo thực hiện được các vận động gấp, duỗi, đối chiếu ngón… Phẫu thuật chuyển ngón chân lên tạo hình ngón tay là một kỹ thuật khó, đòi hỏi các phẫu thuật viên chuyên sâu và có nhiều kinh nghiệm.

Và giờ đây khi đã có ngón tay cái mới, chị Đ thấy tự tin trở lại, không phải giấu bàn tay mình khi ở chỗ đông người. Chị đã có thể dùng điện thoại bằng ngón tay cái mới, có thể cầm nắm, sinh hoạt với ngón cái mới, tự mình buộc tóc gọn gàng và hy vọng thời gian sắp tới chị sẽ tập để sử dụng ngón tay linh hoạt giống như ngón tay cái bình thường trước đây.

Một trường hợp tương tự cũng vừa xảy ra tại Bệnh viên Quân y 175 (Thành phố Hồ Chí Minh). Theo Báo Hà Nội Mới, ngày 27/4, Bệnh viện Quân y 175 thông tin về ca phẫu thuật chuyển ngón chân làm ngón tay, trả lại 50% chức năng cầm nắm cho bệnh nhân.

'Chuyển' ngón chân thành ngón tay cho nữ bệnh nhân bị tai nạn lao động - Ảnh 3
Bệnh nhân được các bác sĩ thăm khám, chúc mừng sau phẫu thuật - Ảnh: Báo Hà Nội Mới

10 năm trước, bệnh nhân T.V.D (sinh năm 1993, ngụ tại Quảng Bình) bị tai nạn lao động, đứt rời ngón cái bàn tay phải. Bệnh nhân đã được xử trí tạo mỏm cụt tại bệnh viện địa phương, hiện vết mổ mỏm cụt ổn định.

Qua thăm khám, các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 quyết định sẽ lấy ngón chân thứ 2 của bàn chân trái đưa lên làm ngón cái cho bàn tay phải.

Đến nay, ngón cái được tái tạo mới đã sống tốt và có thể cử động những động tác gập duỗi, khép ngón cái. Bệnh nhân tái khám theo lịch để được hướng dẫn tập luyện, phục hồi vận động của “ngón tay” mới.

Kinh hãi phát hiện 10 vỏ dầu gội và đinh sắt trong dạ dày người đàn ông

10 dị vật nằm trong cơ thể người đàn ông trong 20 ngày vừa được các bác sĩ Bệnh viện huyện Bình Chánh lấy ra, gồm vỏ dầu gội cuốn tròn và đinh bọc túi nhựa.

TIN MỚI NHẤT