Nữ dược sĩ 103 tuổi làm việc thoăn thoắt, leo 3 tầng nhà mỗi ngày

Sống khỏe 06/05/2025 13:04

Nữ dược sĩ 103 tuổi tại Nhật Bản vẫn làm việc hằng ngày, sức khỏe tốt tới bất ngờ. Bà thậm chí được công nhận là nữ dược sĩ già nhất thế giới chưa nghỉ hưu.

Bà Keiza Hatamoto, 103 tuổi sống tại Nhật Bản được kỷ lục Guinness Thế giới chứng nhận là "Dược sĩ lớn tuổi nhất thế giới".

Ở độ tuổi này, bà vẫn sở hữu làn da hồng hào và tinh thần phấn chấn. Bà vẫn gắn bó với công việc của mình và chưa nghỉ hưu. Với trí nhớ sắc bén và thể lực bền bỉ, bà Hatamoto có thể di chuyển linh hoạt mà không cần sự hỗ trợ, mỗi ngày leo ba tầng cầu thang một cách dễ dàng. Ngoài một vài lần cần bác sĩ do chấn thương nhỏ, bà hầu như không phải điều trị y tế.

Nữ dược sĩ 103 tuổi làm việc thoăn thoắt, leo 3 tầng nhà mỗi ngày - Ảnh 1
Nữ dược sĩ Keiza Hatamoto, 103 tuổi (Ảnh: Japantimes)

Làm việc 6 ngày một tuần không mệt mỏi

Dược sĩ người Nhật Keiza Hatamoto vẫn làm việc 6 ngày một tuần và tin rằng "tiếp tục làm những gì bạn thích" là một trong những bí quyết sống lâu.

Với bà, công việc mang lại cho bà động lực để dậy sớm mỗi ngày. Ngay cả trong những ngày nghỉ lễ, khi không được làm việc, bà thậm chí cảm thấy trống trải và buồn chán.

Đến tuổi nghỉ hưu không có nghĩa là bạn phải chấp nhận tuổi già và nói lời tạm biệt với nơi làm việc. Mọi người đều có thể thể hiện sức khỏe và sức sống vượt xa tuổi tác của mình, và nếu người cao tuổi có thể tiếp tục làm việc và duy trì tương tác với xã hội, điều đó sẽ có tác động nhất định đến việc sử dụng và rèn luyện các chức năng của não như ngôn ngữ, nhận thức và cảm xúc.

Nữ dược sĩ 103 tuổi làm việc thoăn thoắt, leo 3 tầng nhà mỗi ngày - Ảnh 2
Nguồn ảnh: toyokeizai

Ngủ 7,5 tiếng mỗi ngày và ngủ trưa 30 phút để giữ cho đầu óc minh mẫn

Đối với Keiza Hatamoto, giấc ngủ ngon là chìa khóa để duy trì sức khỏe. Bà ngủ khoảng 7,5 tiếng mỗi ngày, đi ngủ lúc 23h30 phút và thức dậy lúc 7 giờ sáng, ngủ trưa 30 phút. Chỉ khi nghỉ ngơi đầy đủ thì các tế bào não mới có thể hoạt động tốt và tư duy mới minh mẫn.

Hãy khởi động cơ thể ngay trên giường

Mỗi sáng, trước khi rời giường, bà Keiza dành thời gian thực hiện các động tác khởi động nhẹ nhàng nhằm kích hoạt cơ thể, giúp việc đứng dậy và đi lại trở nên thuận lợi hơn.

Bà nói: "Nếu không khởi động, tôi dễ bị loạng choạng. Nhưng chỉ cần tập vài động tác, tôi có thể tự đi đến cửa phòng mà không cần vịn tay."

Bài tập trên giường của bà Keiza gồm 8 động tác đơn giản:

Nằm ngửa, nâng mỗi chân lên xuống 10 lần.

Bắt chéo hai chân, cho chân ở trên chạm nhẹ xuống nệm, lặp lại 10 lần.

Gập một chân lại, dùng hai tay ôm đầu gối kéo sát vào ngực.

Ôm cả hai đầu gối và lăn nhẹ người qua lại trên giường (chú ý để tránh rơi khỏi giường).

Duỗi thẳng tay chân hướng lên trần nhà, nhẹ nhàng rung lắc.

Xoay cổ chân 10 lần mỗi bên.

Nằm nghiêng, nắm tay vào thành giường, kéo giãn cơ tay và nách.

Nằm ngửa, thực hiện động tác đạp xe trên không từ 50 đến 100 lần.

Leo cầu thang để tăng cường sức mạnh cho đôi chân

Phòng của bà Keiza Hatamoto ở tầng ba, phòng khách và bếp ở tầng một nên việc lên xuống cầu thang mỗi ngày từ lâu đã trở thành thói quen thường nhật của bà.

Mỗi tầng có khoảng 10 bậc thang và bà phải leo ít nhất 40 bậc thang mỗi ngày. Bà thậm chí còn để những vật dụng cần thiết hàng ngày trong căn phòng ở tầng ba và phải leo cầu thang để lấy chúng khi cần, điều này tự nhiên làm tăng mức độ hoạt động của đôi chân.

Bà tin rằng ngay cả khi một người đi chậm, việc có thể đi được tức là có khả năng tự chăm sóc bản thân. Duy trì việc tự chăm sóc, duy trì sự độc lập và sức khỏe khi về già chính là nền tảng cho một cuộc sống lý tưởng.

Chú ý đến lượng protein trong chế độ ăn uống

Bà Keiza Hatamoto tin rằng khi con người sống, tình trạng thể chất của họ chắc chắn sẽ tốt và xấu, nhưng nếu họ có thói quen ăn uống đều đặn và đúng cách, nguyên nhân gây bệnh sẽ giảm đi rất nhiều.

Vì vậy, có thể nói chế độ ăn uống cân bằng là chiến lược quan trọng giúp bà duy trì sức khỏe. Đặc biệt, bà rất chú trọng đến lượng protein trong ba bữa ăn. Cá hoặc thịt là thực phẩm không thể thiếu trong bữa trưa và bữa tối để giúp duy trì sức mạnh cơ bắp và chức năng miễn dịch.

Vào bữa sáng, bà thích món salad sữa chua tươi mát và bổ dưỡng, gồm sữa chua, nửa quả chuối, nho khô, trái cây theo mùa, cà rốt xắt sợi, dưa chuột xắt sợi, đậu nành hấp và trứng luộc,…

Một món ăn quen thuộc khác trong thực đơn của bà là súp miso, loại canh truyền thống Nhật Bản với nhiều rau củ như cà rốt, củ cải trắng, khoai tây, rong biển, hành lá và đậu phụ chiên. Đây là món bà yêu thích vì vừa dễ tiêu hóa, vừa giàu dinh dưỡng.

 (Theo Japantimes)

6 thói quen ăn uống lành mạnh giúp bạn kéo dài tuổi thọ nhưng ít ai biết để làm theo

Chế độ ăn uống lành mạnh rất quan trọng cho sức khỏe tổng thể.