Chăn ga gối đệm bẩn hơn cả bồn cầu: Chuyên gia tiết lộ tần suất vệ sinh

Sống khỏe 28/07/2025 08:00

Các nhà khoa học chỉ ra rằng nếu không được vệ sinh và thay mới định kỳ, ga trải giường và vỏ gối có thể còn bẩn hơn cả bồn cầu, dễ khiến con người mắc bệnh và làm giảm chất lượng giấc ngủ.

Con người dành gần 1/3 cuộc đời trên giường ngủ nhưng chỉ một bộ phận nhỏ có thói quen thay ga giường và các vật dụng liên quan mỗi tuần. Rất nhiều người không có thói quen thay hoặc giặt giũ định kỳ những vật dụng này.

Theo khảo sát của nhà cung cấp chăn ga gối Pizuna Linens (Anh), 67% người được hỏi thừa nhận họ thường quên giặt đồ giường; 35% không cho đó là việc phiền phức; 22% ít giặt vì thiếu đồ thay thế; 38% cho rằng không cần giặt thường xuyên hơn nữa.

Một khảo sát khác từ Sleep Advisory cho thấy người Mỹ trung bình chỉ thay ga giường khoảng 24 ngày/lần. Còn theo YouGov, chỉ khoảng 28% người Anh giặt ga mỗi tuần, 36% hai tuần một lần và 4% chọn giặt mỗi hai tháng hoặc lâu hơn.

Chăn ga gối đệm bẩn hơn cả bồn cầu: Chuyên gia tiết lộ tần suất vệ sinh - Ảnh 1
Ảnh minh họa

Tổ chức Sleep Foundation và Giáo sư Primrose Freestone, chuyên gia vi sinh lâm sàng tại Đại học Leicester (Anh), khuyến cáo nên giặt ga trải giường và vỏ gối ít nhất mỗi tuần một lần. Việc giặt giũ định kỳ không chỉ đảm bảo vệ sinh mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng giấc ngủ.

Tiến sĩ Freestone viết trên tạp chí The Conversation rằng: “Dù bạn có tắm rửa sạch sẽ trước khi đi ngủ, mỗi đêm cơ thể vẫn rụng hàng trăm nghìn tế bào da chết, tiết dầu và đổ khoảng 240ml mồ hôi. Những thứ này tạo điều kiện cho vi khuẩn và vi sinh vật phát triển, khi phân hủy mồ hôi có thể tạo ra mùi khó chịu”.

Ngay cả khi giường có vẻ sạch sẽ, vi khuẩn và nấm vô hình từ da người vẫn tích tụ lên ga, vỏ gối, chăn, đệm... và có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

Đặc biệt, tế bào da chết là nguồn thức ăn cho mạt bụi – loài sinh sôi mạnh trong môi trường ấm và ẩm như giường ngủ. Phân của chúng là một chất gây dị ứng mạnh, làm tăng nguy cơ bùng phát chàm, hen suyễn và viêm mũi dị ứng.

Thậm chí, các loại nấm như Aspergillus fumigatus và Candida albicans có thể tồn tại trong ruột gối. Nấm Aspergillus có thể gây bệnh đường hô hấp ở người miễn dịch yếu, Candida có thể sống sót trên vải tới một tháng và gây các bệnh như nấm miệng, nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc nhiễm nấm men.

Một số nghiên cứu còn cho thấy, nếu không giặt vỏ gối quá một tuần, lượng vi khuẩn trên đó có thể cao hơn bệ bồn cầu tới 17.000 lần. Các chất bẩn, da chết và vi khuẩn tồn dư cũng có thể khiến người dùng bị nổi mụn nhiều hơn.

Các chuyên gia lưu ý, bụi bẩn, phấn hoa và chất gây dị ứng tích tụ trên tóc và da trong suốt ngày dài cũng có thể chuyển sang giường khi ta nằm ngủ, làm giảm chất lượng không khí trong phòng và ảnh hưởng đến hệ hô hấp.

Tiến sĩ Freestone nhấn mạnh môi trường ngủ sạch sẽ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn tác động tới chất lượng giấc ngủ. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, giấc ngủ tốt giúp cải thiện chức năng tim mạch, tư duy và tinh thần minh mẫn.

Hướng dẫn làm sạch đồ dùng trên giường ngủ

Tiến sĩ Freestone và các chuyên gia khuyến nghị cách giặt đúng và tần suất giặt cho từng loại vật dụng. Trước khi giặt, cần đọc kỹ nhãn và chất liệu để tránh giặt sai cách gây hỏng hóc.

Ga trải giường và vỏ gối: Nên giặt mỗi tuần một lần. Nếu bạn đang bệnh, ra nhiều mồ hôi hoặc ngủ cùng thú cưng thì nên giặt mỗi 3–4 ngày/lần. Nên giặt ở nhiệt độ trên 60°C để diệt khuẩn, nấm và mạt bụi. Có thể dùng máy sấy nhiệt hoặc bàn ủi để tiệt trùng. Muốn diệt mạt bụi trong gối, có thể bỏ gối vào ngăn đá tủ lạnh ít nhất 8 tiếng.

Nệm: Cần hút bụi ít nhất mỗi tuần một lần, thông thoáng nệm vài ngày một lần để tránh độ ẩm từ mồ hôi khiến mạt bụi sinh sôi. Nếu có sử dụng lớp bảo vệ chống dị ứng, nên thay nệm sau 7 năm để đảm bảo vệ sinh.

Chăn ga gối đệm bẩn hơn cả bồn cầu: Chuyên gia tiết lộ tần suất vệ sinh - Ảnh 2
Ảnh minh họa

Làm sạch nệm: Theo tạp chí Good Housekeeping, bạn có thể dùng máy hơi nước để làm sạch kỹ mặt trên, các cạnh và lò xo của nệm nhằm tiêu diệt mạt bụi, sau đó hút sạch xác mạt bằng máy hút bụi. Tuy nhiên, với loại nệm memory foam hoặc không chịu được nhiệt, không nên dùng hơi nước. Thay vào đó, có thể rắc baking soda lên nệm, để vài giờ rồi hút sạch bằng máy hút bụi.

Thú nhồi bông: Cần được giặt định kỳ, đặc biệt khi bẩn, có mùi hoặc trẻ bị bệnh. Trước khi giặt, kiểm tra nhãn để xem có thể giặt máy không. Nếu giặt tay, nên ngâm nước lạnh cùng chất tẩy phù hợp, sau đó phơi khô hoàn toàn để tránh vi khuẩn phát triển.

Ruột gối: Nên vệ sinh mỗi 4–6 tháng/lần, sau khi kiểm tra xem có thể giặt được không. Ruột gối thường tích tụ vi khuẩn và nấm mốc, cần giặt sạch và phơi khô hoàn toàn để ngăn nấm sinh sôi.

Chăn và vỏ chăn: Nên giặt mỗi 2–4 tuần/lần. Nếu có thú cưng ngủ cùng thì cần giặt thường xuyên hơn. Cần kiểm tra xem có thể giặt nước nóng (trên 60°C) không.

Ruột chăn lông hoặc chăn bông: Nên giặt mỗi 2–4 tháng/lần, nhưng cần xem nhãn mác trước vì một số loại cần giặt khô chuyên dụng. Nếu ngủ cùng trẻ nhỏ hoặc thú cưng thì nên giặt thường xuyên hơn để tránh các nguy cơ dị ứng hoặc nhiễm khuẩn.

7 cách tự chăm sóc bản thân giúp cải thiện tâm trạng

Dù không thay thế cho các biện pháp điều trị tâm lý chuyên sâu, một số cách chăm sóc bản thân dưới đây – được các chuyên gia sức khỏe tâm thần khuyến nghị – có thể giúp bạn cải thiện tâm trạng một cách tự nhiên và hiệu quả.

TIN MỚI NHẤT