Mẹ bầu không nghén thai nhi có bị ảnh hưởng không?

Mẹ bầu 17/03/2023 10:38

Mang thai và ốm nghén thường song hành cùng nhau, vậy mang thai không nghén có sao không?

Ốm nghén khi mang thai không phải là cảm giác dễ chịu nhưng nếu không xảy ra hiện tượng đó, khá nhiều mẹ bầu lại tỏ ra lo lắng về sự phát triển của thai nhi.

Chị Mai Lan (24 tuổi, Hà Nội) cho biết, chị mang thai được 8 tuần nhưng lại ít khi bị nghén, vài ngày mới bị nghén 1 lần, thậm chí không thấy dấu hiệu của ốm nghén khiến chị vô cùng hoang mang.

“Hầu hết phụ nữ mang thai đều trải qua giai đoạn ốm nghén nhưng tôi lại không có dấu hiệu gì. Như vậy tôi thấy lo quá, không biết em bé trong bụng có bị sao không nữa”, chị Lan tâm sự.

Mẹ bầu không nghén thai nhi có bị ảnh hưởng không? - Ảnh 1

Ốm nghén là triệu chứng dễ gặp trong 3 tháng đầu ở phụ nữ mang thai (Ảnh minh họa)

Chia sẻ về chủ đề này, ThS. BS Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo, BV Phụ sản Trung ương cho biết, khi mang thai, cơ thể của mẹ bầu sẽ có rất nhiều thay đổi, và hiển nhiên, thay đổi hormone cũng nằm trong số những thay đổi đó.

Việc này sẽ khiến mẹ xuất hiện một số triệu chứng mang thai thường gặp, điển hình là triệu chứng ốm nghén, nhất là đối với phụ nữ mang thai trong những tuần đầu mang thai.

Theo bác sĩ Thành, tùy theo cơ địa, tình trạng sức khỏe của mẹ bầu và giới tính của thai nhi mà tình trạng ốm nghén của mỗi mẹ bầu sẽ không giống nhau. Có mẹ bầu sẽ ốm nghén nặng và có mẹ bầu sẽ ốm nghén nhẹ. Và thường thì mẹ bầu mang thai bé gái sẽ ốm nghén nặng hơn những mẹ bầu mang thai bé trai.

Mặc dù ốm nghén là dấu hiệu phổ biến trong thai kỳ nhưng vẫn có trường hợp mẹ bầu không ốm nghén. Theo số liệu thống kê có khoảng 20%, thậm chí là đến 30% phụ nữ mang thai nhưng không có biểu hiện ốm nghén như thông thường.

Mẹ bầu không nghén thai nhi có bị ảnh hưởng không? - Ảnh 2

Ốm nghén bình thường không gây hại cho sự phát triển của thai nhi (Ảnh minh họa)

Vị bác sĩ sản khoa cho biết, trên thực tế, ốm nghén chỉ là một trong số những biểu hiện của thai kỳ. Nếu mẹ bầu có các triệu chứng mang thai khác như thích ngủ hơn, thèm đồ ngọt hoặc đồ chua, đau đầu, chóng mặt,… thì các mẹ bầu vẫn rất bình thường.

Trong quá trình thăm khám, theo dõi thai kỳ cho hàng ngàn sản phụ, bác sĩ Thành đã gặp không ít mẹ bầu không bị nghén khi mang thai. Khi đến phòng khám của bác sĩ Thành, ngoài điểm chung là có cùng câu hỏi “Mang thai không nghén có sao không” thì thần sắc của các mẹ bầu này rất ổn định.

Vì vậy, thay vì lo lắng mang thai không nghén có sao không thì mẹ bầu có thể thở phào nhẹ nhõm và cảm thấy may mắn vì không phải ốm nghén. Có rất nhiều mẹ bầu nghén nặng đến nỗi sụt cân, mất cảm giác ngon miệng khi ăn uống và trông thiếu sức sống, hốc hác đi rất nhiều. Trong khi đó, các mẹ bầu không nghén khi mang thai thường có khí sắc tốt hơn và hiếm khi sụt cân trong những tuần đầu mang thai.

“Ốm nghén đôi khi chỉ là triệu chứng chủ quan, không phản ánh chính xác hoạt động của thai nhi. Không phải cứ nghén nhiều là tốt, và không phải không nghén là không đáng lo. Chỉ khi khám, bác sĩ mới kiểm tra, giám sát chính xác được mức độ phát triển, hoạt động của thai nhi”, bác sĩ Thành nói.

Vị bác sĩ khẳng định, mẹ bầu và thai nhi hoàn toàn bình thường, không hề có điều gì bất ổn nếu mẹ bầu chỉ không ốm nghén.

“Thế nên, mẹ bầu hãy gạt bỏ lo âu “Mang thai không nghén có sao không?”. Thay vào đó, chị em hãy tập trung vào chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của mình cùng con yêu ngay từ bây giờ”, bác sĩ Thành nhắn nhủ.

Độ tuổi nào thích hợp cho lần đầu làm “chuyện ấy”?

Chuyện chăn gối là nhu cầu tự nhiên của con người, nhưng độ tuổi nào là tốt nhất để bắt đầu?

TIN MỚI NHẤT