Lý do thu hồi là nhãn phụ sản phẩm chứa các nội dung phòng bệnh, chữa bệnh như thuốc, gây hiểu nhầm cho người sử dụng. Nhãn gốc sản phẩm ghi không đúng thành phần công thức như hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm.
- Đoàn Di Băng lên tiếng sau khi dầu gội Hanayuki Shampoo bị thu hồi: 'Không ảnh hưởng đến chất lượng'
- Dầu gội của Đoàn Di Băng bị thu hồi, tiêu huỷ do không đạt tiêu chuẩn chất lượng
Theo báo Người Lao Động, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc sản phẩm Hair Head & Hair Revitalising Oleo-Essence (Nhãn hàng: Germaine De Capuccini) - Chai 50ml, Số lô: Lote G0042 0P10, số tiếp nhận Phiếu công bố 178021/22/CBMP-QLD.
Sản phẩm này do Công ty cổ phần thương mại xuất nhập khẩu Uyên Phương (địa chỉ: 2/9 Hồng Hà, Phường 2, quận Tân Bình, TP HCM) chịu trách nhiệm đưa ra thị trường. Nhà sản xuất là Germaine De Capuccini, S.A.U., Tây Ban Nha.

Lý do thu hồi là nhãn phụ sản phẩm chứa các nội dung phòng bệnh, chữa bệnh như thuốc, gây hiểu nhầm cho người sử dụng. Nhãn gốc sản phẩm ghi không đúng thành phần công thức như hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm.
Cục Quản lý Dược đề nghị sở y tế các địa phương thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng lô sản phẩm tinh chất dưỡng, chăm sóc tóc nêu trên và trả lại cơ sở cung ứng sản phẩm; tiến hành thu hồi và tiêu hủy sản phẩm vi phạm...
Trước đó, Công ty cổ phần thương mại xuất nhập khẩu Uyên Phương cũng bị Sở Y tế TP HCM phạt 140 triệu đồng vì nguyên nhân này. Công thức trên nhãn gốc lô sản phẩm thiếu 2 thành phần so với Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm: Rosmarinus Officinalis (Rosemary) Leaf Extract và Ascorbyl Palmitate.
Công ty này cũng buộc phải nộp lại số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm do Cục Quản lý Dược cấp cho sản phẩm trên đây.
Theo thông tin VNExpress, cùng ngày, Cục Quản lý Dược đình chỉ lưu hành, thu hồi, tiêu hủy toàn bộ lô Dung dịch vệ sinh phụ nữ Lá trầu không Collagen Italia Slim do Công ty TNHH mỹ phẩm và hóa chất Quang Xanh (Hưng Yên) sản xuất, Công ty TNHH thảo dược Quốc tế Hải Đăng (Vĩnh Phúc) phân phối. Nguyên nhân là mẫu kiểm nghiệm sản phẩm không đạt chỉ tiêu giới hạn vi sinh vật theo quy định. Các sở y tế địa phương, đơn vị liên quan phải khẩn trương thu hồi, tiêu hủy lô sản phẩm này.

Gần đây, Bộ Y tế liên tục phát hiện thuốc, mỹ phẩm, sản phẩm giả, kém chất lượng. Hôm 9/5, Bộ Y tế cũng thu hồi 9 loại mỹ phẩm, sau khi phát hiện các nhãn sản phẩm ghi công dụng không đúng với hồ sơ đã công bố.
Tiến sĩ Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, cho hay thời gian qua đã có nhiều chỉ đạo tăng cường đấu tranh chống vấn nạn trên. Tuy nhiên, thực tế vẫn xảy ra tình trạng hàng giả, kém chất lượng lưu hành trên thị trường. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm chưa đủ sức răn đe.
Bộ Y tế sẽ tập trung tăng cường quản lý, thanh kiểm tra các cơ sở cung ứng dược phẩm, yêu cầu các cơ sở phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ trước khi nhập và bán cho người dân. Tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm, đặc biệt trên các kênh thương mại điện tử và mạng xã hội.