Cục Quản lý Dược thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm Hanayuki Sunscreen Body, hộp 1 tuýp 100 gram. Lý do thu hồi là do chỉ số chống nắng trên nhãn (SPF 50) không phù hợp với kết quả kiểm nghiệm chỉ số chống nắng (SPF = 2,4).
- Nóng: Phát hiện và tiêu hủy 1 tấn chả chay không rõ nguồn gốc, xuất xứ
- Đôi nam nữ sắp cưới tắm biển tử vong, để lại ô tô trên bờ biển Cửa Lò
Theo thông tin từ VietNamNet, ngày 16/5, Cục Quản lý Dược đã có văn bản đình chỉ lưu hành và yêu cầu thu hồi toàn quốc sản phẩm Hanayuki Sunscreen Body (tuýp 100 g) do Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ VB Group chịu trách nhiệm đưa ra thị trường.
Nguyên nhân là mẫu sản phẩm được kiểm nghiệm chỉ có SPF 2,4, trong khi nhãn sản phẩm công bố SPF 50, gây hiểu lầm nghiêm trọng về công dụng. Ngoài ra, phiếu công bố do Sở Y tế Đồng Nai cấp không có thông tin về chỉ số SPF, cho thấy vi phạm trong việc ghi nhãn và công bố tính năng sản phẩm.
Cơ sở sản xuất là Công ty TNHH EBC Group, hiện đổi tên thành Công ty Cổ phần Nhà máy Y tế EBC Đồng Nai. Bộ Y tế đã yêu cầu ngừng sử dụng, thu hồi toàn bộ lô sản phẩm và xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm theo quy định.
Sau khi lô kem chống nắng Hanayuki bị Cục Quản lý Dược thu hồi vì chỉ số SPF không đạt như công bố, Đoàn Di Băng lên tiếng xin lỗi, cam kết hoàn tiền hoặc đổi sản phẩm cho khách. Cô cũng thông báo tạm ngừng kinh doanh toàn bộ sản phẩm do EBC sản xuất để rà soát chất lượng. Đoàn Di Băng cho biết VB Group, công ty do chồng cô làm Tổng giám đốc kiêm nhà phân phối, cũng là “bên thiệt hại trực tiếp” vì nhập hàng từ nhà máy.

Ngày 20/5, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết đã có công văn đề nghị các Sở Y tế rà soát phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm có công bố tính năng, công dụng chống nắng đã được tiếp nhận, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định hiện hành về quản lý mỹ phẩm. Các đơn vị thu hồi các số tiếp nhận phiếu công bố không đáp ứng quy định.
Đồng thời, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra việc ghi nhãn, quảng cáo các sản phẩm mỹ phẩm chống nắng trên địa bàn. “Chỉ đạo Trung tâm kiểm nghiệm tăng cường lấy mẫu mỹ phẩm chống nắng để kiểm tra, xác định chỉ số SPF”, Cục Quản lý dược yêu cầu.
Các trường hợp vi phạm phải bị thu hồi, tiêu hủy và xử phạt nghiêm theo quy định.
Cục Quản lý dược yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường rà soát hồ sơ thông tin sản phẩm, phương pháp và kết quả xác định chỉ số SPF của sản phẩm, bảo đảm đầy đủ, chính xác, sẵn sàng cung cấp khi cơ quan chức năng yêu cầu kiểm tra chất lượng. Bên cạnh đó là các nội dung như ghi nhãn, rà soát phiếu công bố sản phẩm có ghi tính năng, công dụng chống nắng...

Theo thông tin từ báo Pháp luật TP.HCM, TS Trần Thanh Thảo (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM) cho biết: Tại khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020, một trong những trường hợp được xác định là hàng giả: Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng; công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa.
Đối với sản phẩm kem chống nắng Hanayuki Sunscreen Body chỉ đạt chỉ số chống nắng (SPF) 2,4 tức ở mức 4,8% so với tiêu chuẩn ghi trên nhãn sản phẩm.
Cạnh đó, theo tiêu chuẩn hiện nay, chỉ số SPF trong kem chống nắng phải đạt mức thấp nhất là 15 và cao nhất là 100. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy chỉ số SPF trong sản phẩm chỉ đạt mức 16% so với mức độ yêu cầu tối thiểu của sản phẩm kem chống nắng thông thường.
Dựa vào các căn cứ nêu trên, có thể xác định sản phẩm kem chống nắng Hanayuki Sunscreen Body đã bị thu hồi là hàng giả về công dụng, chất lượng, thuộc đối tượng tác động của tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo Điều 192 BLHS.
Căn cứ Điều 3 Nghị định 98/2020, cá nhân hoặc pháp nhân thương mại thực hiện các hành vi chế tạo, pha trộn, đóng gói… hàng giả thì có thể bị xử lý hình sự về tội sản xuất hàng giả theo Điều 192 BLHS.
Ngoài ra, cá nhân hoặc pháp nhân thương mại đưa hàng giả vào lưu thông trên thị trường như chào hàng, bán buôn, bán lẻ… thì có thể bị xử lý hình sự về tội buôn bán hàng giả theo Điều 192 BLHS. Chẳng hạn, cá nhân biết đó là hàng giả nhưng vẫn cố tình livestream để quảng bá, bán, phân phối hàng giả đến người tiêu dùng nhằm thu lợi nhuận bất chính thì có thể bị xử lý hình sự.
Trường hợp cá nhân hoặc pháp nhân thương mại thực hiện hành vi sản xuất và sau đó đưa hàng giả vào lưu thông trên thị trường để thu lợi bất chính thì có thể bị xử lý hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả cùng điều luật trên.
TS Thảo cho rằng, để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả, đòi hỏi hành vi phạm tội phải thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 192 BLHS, như:
Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên… Giá trị hàng giả càng cao hoặc số tiền thu lợi bất chính càng lớn sẽ là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với tội phạm này.
Trường hợp pháp nhân thương mại đáp ứng đủ điều kiện chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 75 BLHS thì cả pháp nhân thương mại và cá nhân người phạm tội sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội danh này.
Ngược lại, nếu pháp nhân thương mại không đáp ứng đủ điều kiện tại Điều 75 BLHS thì chỉ cá nhân người thực hiện hành vi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.