Những kiến thức sai lầm của mẹ Việt khi nuôi con bằng sữa mẹ hầu hết mẹ bỉm nào cũng mặc phải

Chăm sóc con 13/11/2021 06:38

Cho trẻ ti mẹ sẽ khiến trẻ bám mẹ, chỉ cho trẻ uống sữa mẹ thôi là chưa đủ no và hàng loạt quan niệm khác của các bà mẹ Việt về việc nuôi con nhỏ liệu có đúng dưới góc nhìn của khoa học?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS Lê Quỳnh Trang Đài - Cố vấn Đối tác doanh nghiệp và Ngân hàng sữa mẹ của Alive & Thrive và bác sĩ Đoàn Ngọc Minh – Phó khoa Sản, bác sĩ phụ trách chương trình "Nuôi con bằng sữa mẹ" của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc.

Cho trẻ bú mẹ sẽ khiến trẻ bú lắt nhắt không đủ no?

Trẻ nút vú nhiều lần trong ngày vì đó là sinh lý bú và nuốt của trẻ từ khi còn trong bụng mẹ, nên đòi nút vú không có nghĩa là đói. Bé duy trì nút vú giúp bé thỏa mãn đúng nhu cầu sinh lý ngay khi sinh ra, giảm stress, cảm nhận hơi ấm của mẹ.

Bên cạnh đó, việc để bé ngậm bắt và nút vú nhiều lần trong ngày, tùy nhu cầu của bé, trung bình khoản 8-12 lần không kể đêm ngày cả 2 bên vú, đặc biệt là vào ban đêm, sẽ giúp kích thích tiết prolactin, tạo sữa đủ cho nhu cầu của bé. Đó là bản năng tự nhiên, sự kết nối mẹ con, bé nút vú nhiều, hiệu quả bao nhiêu thì gọi sữa về nhiều bấy nhiêu.

Cho trẻ ti mẹ sẽ khiến trẻ bám mẹ, trẻ phụ thuộc khi đi ngủ phải ngậm ti mẹ?

sua me
Trẻ nhỏ bám mẹ là đúng, vì đó là nhu cầu sinh tồn của trẻ - Ảnh: Internet

Trẻ bám mẹ là đúng, vì đó là nhu cầu sinh tồn của trẻ, trẻ sẽ đòi bú nhiều lần không kể đêm ngày để kích thích gọi sữa, tạo sữa, giảm stress khi thay đổi môi trường từ bụng mẹ ra môi trường lạnh lẽo, lạ lẫm cả mùi, độ ẩm và hơi ấm… nên trẻ luôn cần mẹ bên cạnh.

Nhưng không cần phải để bé bên cạnh vú khi ngủ, theo khuyến cáo của Hiệp Hội Nhi Khoa Hoa Kỳ (AAP) vì nguy cơ đè ngạt bé khi hai mẹ con đều ngủ. Bạn chỉ cần để bé ở cùng phòng trong 24 tiếng, bé sẽ được bú khi có dấu hiệu đòi bú, khi bé tự nhả vú và ngủ thì bạn sẽ đưa trẻ trở về nôi của bé, cạnh giường mẹ.

Ngoài sữa mẹ, phải cho bé ăn thêm sữa công thức mới đủ chất để phát triển?

Sữa mẹ là thức ăn hoàn hảo nhất trong 6 tháng đầu đời, cung cấp hệ miễn dịch tối ưu cho trẻ mà không có một loại thực phẩm nào thay thế được. Sữa mẹ vẫn được khuyến cáo tiếp tục đến 24 tháng bên cạnh chế độ ăn dặm của trẻ.

Sữa công thức không phải là thực phẩm thiết yếu để bé phát triển, thậm chí còn kèm theo nhiều bất lợi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, đối với bé non tháng nhẹ cân thì sữa từ chính mẹ ruột của bé, rồi đến sữa non hiến tặng, sữa trưởng thành hiến tặng tươi hoặc đã được tiệt khuẩn, trong khi sữa công thức non tháng và đủ tháng được ưu tiên sau cùng, chỉ khi bé không thể có được tất cả các nguồn ưu tiên phù hợp với đường ruột, sự phát triển của bé như vừa kể trên.

Theo báo cáo của UNICEF, tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn ở năm 2012 giảm đi 29%, trong khi doanh thu sữa công thức tăng 37% trong khoảng thời gian từ 2008-2013, đồng thời tỷ lệ tử vong của bé sơ sinh cũng tăng theo. Sự can thiệp của sữa công thức, làm đứt sự kết nối mẹ con, trẻ no lâu do chậm khó tiêu hóa, các cữ bú mẹ cũng theo đó giảm từ từ và việc sản xuất sữa cũng giảm theo và dần mất hẳn.

Cách kích sữa tốt nhất là vắt sữa bằng máy hút sữa theo lịch cố định

Chúng ta không thể phủ nhận sự hiệu quả của máy hút sữa đã giúp bà mẹ rất nhiều, đặc biệt mẹ có thể đi làm, mà vẫn duy trì được sữa mẹ.

Tuy nhiên phương pháp kích sữa tốt nhất là miệng của bé. Những ngày đầu sau sinh, bé bú có sự kết nối mẹ con tăng lượng oxytocin tự nhiên để mẹ sớm hồi phục sau sinh - co bóp tử cung tống sản dịch tốt, sữa tiết ra sớm. Đồng thời lượng sữa non những ngày đầu rất ít, sệt đặc, bé sẽ nhận được đầy đủ những "giọt vàng" quý giá của lượng kháng thể đậm đặc, chất béo, lượng đạm vừa đủ cần thiết. Trong khi máy hút sữa làm mất hết những "giọt vàng" này, vì lượng rất ít, dính hết vào bình.

Bên cạnh sự tiện lợi của máy hút sữa, mẹ cũng nên cân nhắc những bất lợi đi kèm như mất kết nối mẹ con, nguy cơ bé nhiễm khuẩn từ bình bú, rửa vệ sinh bình/ dụng cụ không sạch hoặc còn nhiều xà phòng mà mắt thường không thấy được…

Ngoài ra, việc dùng máy hút sữa có thể dẫn đến nguy cơ mẹ sử dụng bình bú và núm vú nhân tạo từ những ngày đầu khi bé đang điều chỉnh khớp ngậm nhằm bú mẹ hiệu quả. Khi sử dụng qua lại giữa núm vú giả và ti mẹ dẫn đến khó khăn khi bé trở về bú mẹ trực tiếp do sai khớp ngậm. Do đó, việc chọn lựa hút sữa ra bình của mẹ và để bé ti bình có thể thực hiện sau khi bé đã ti mẹ thuần thục, ít nhất sau sinh một tháng.

TIN MỚI NHẤT