Chuyên gia Bộ GTVT, Bộ Xây dựng vào cuộc vụ bé trai lọt xuống trụ bê tông: Thành lập tổ điều hành cứu nạn, cứu hộ

Xã hội 08/01/2023 06:15

Đến ngày thứ 9 giải cứu bé Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) rơi xuống ống trụ bê tông tại công trình cầu Rọc Sen, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức cuộc họp với sự tham gia của các đơn vị Bộ, Sở ngành địa phương, các chuyên gia và thành lập tổ điều hành cứu nạn, cứu hộ công trình.

Theo thông tin từ báo Dân Trí, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp làm việc với các chuyên gia Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, nhà thầu chính và các đơn vị có kinh nghiệm hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng cầu, đường tại Việt Nam để có biện pháp nhấc trụ bê tông (nơi bé trai 10 tuổi lọt sâu xuống dưới) lên mặt đất.

Tại buổi làm việc, nhà thầu chính và các chuyên gia xây dựng cầu đường, chuyên gia Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Bộ Xây dựng thống nhất sử dụng dùng cọc ván thép và ống vách thép trong quá trình làm sạch đất xung quanh trụ bê tông. Khi công đoạn này hoàn thành, các lực lượng sẽ dùng dây cáp kéo trụ bê tông lên mặt đất.

Sau khi nghe các chuyên gia phản biện, đánh giá rủi ro của phương án này, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa thống nhất phương án nêu trên. Tỉnh cho thành lập Ban chỉ đạo trong công tác nhấc trụ bê tông D500.

Chuyên gia Bộ GTVT, Bộ Xây dựng vào cuộc vụ bé trai lọt xuống trụ bê tông: Thành lập tổ điều hành cứu nạn, cứu hộ - Ảnh 1
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đề nghị đơn vị thi công chú ý an toàn trong lao động - Ảnh: Báo Dân Trí

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị nhà thầu chính, đơn vị thi công phối hợp với các chuyên gia Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng để đảm bảo an toàn khi thi công kéo trụ bê tông lên mặt đất. Mặt khác, các đơn vị liên quan cần quan tâm đến lực lượng thi công, đảm bảo sức khỏe công nhân để chia ca làm liên tục, sớm đưa trụ bê tông lên mặt đất.

Ông Lê Hoàng Bảo - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đồng Tháp - cho biết: "Khi triển khai giai đoạn 2 có bối rối vì địa chất phức tạp, chiều sâu lớn, thiết bị thiếu. Hiện nay, với sự hỗ trợ của các chuyên nên chúng tôi đã chốt được phương án tổng thể để đưa trụ bê tông lên mặt đất, đưa thi thể em bé ra ngoài, bàn giao cho gia đình lo hậu sự".

Chuyên gia Bộ GTVT, Bộ Xây dựng vào cuộc vụ bé trai lọt xuống trụ bê tông: Thành lập tổ điều hành cứu nạn, cứu hộ - Ảnh 2
Công tác cứu hộ vẫn đang diễn ra - Ảnh: VTC News

Theo thông tin từ Zing, ông Bảo chia sẻ thêm, lý do dùng cọc thép đóng xuống 15m tạo thành bộ khung 4,8m x 4,8m chủ yếu để hạ độ cao xuống. Khi công đoạn này hoàn thành sẽ đặt 2 ống thép (loại 1m và loại 2m) vào trụ bê tông. Sau đó dùng khoan guồng xoắn lấy đất trong 2 ống thép này. Khi việc lấy đất hoàn thành, đội thi công khóa dây thép vào trụ bê tông, kéo lên.

Ngoài ra, khi triển khai phương án kéo trụ bê tông lên mặt đất phải đảm bảo thời gian, an toàn cho con người và sử dụng phương tiện tại chỗ. Trong quá trình thực hiện, Ban chỉ huy tiếp tục lắng nghe, tiếp thu những ý kiến chuyên gia để hoàn thành công tác cứu hộ trong thời gian sớm nhất.

Đơn vị thi công đang gấp rút chuyển cần cẩu trọng tải 80 tấn, búa, ống thép và nhiều thiết bị, máy móc liên quan đến hiện trường. 

Nỗi day dứt của cha bé trai 10 tuổi lọt xuống ống trụ bê tông ở Đồng Tháp: 'Không ngờ đến giây phút này, cả nhà lại phải trông tin con'

Tiếng của Hạo Nam yếu ớt cất gọi cha 'cứu con với' từ lòng hố. Đó cũng chính là lời cuối cùng mà anh Thái Văn Tấn Tài nghe được từ cậu con trai.

TIN MỚI NHẤT