Uống rượu ngâm củ ấu tẩu, hai người đàn ông nguy kịch

Tin y tế 03/02/2023 17:12

Sau khi uống loại rượu tự ngâm được cho là tốt cho sức khỏe, hai bệnh nhân ngộ độc nặng.

Theo Báo Công lý thông tin, trung tâm Chống độc Bệnh viện, Bạch Mai (Hà Nội) đã tiếp nhận 2 bệnh nhân bị ngộ độc rượu ngâm củ ấu tẩu, một người 53 tuổi, một người 49 tuổi, đều ở Hải Dương. Trước đó, 2 người cùng uống rượu với nhau, sau đó có biểu hiện tức ngực, khó thở, loạn nhịp tim, trong đó một người bị tím tái.

Ngày 3/2, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, xét nghiệm nước tiểu của người bệnh cho thấy aconitin - chất độc gây loạn nhịp trong củ ấu tàu. Bác sĩ chẩn đoán hai bệnh nhân bị ngộ độc do uống rượu ngâm củ ấu tẩu.

Bác sĩ cho thở máy, điều trị rối loạn điện giải, dùng thuốc trợ tim, chống rối loạn nhịp tim... Hiện 2 người đàn ông vẫn được theo dõi tích cực.

Uống rượu ngâm củ ấu tẩu, hai người đàn ông nguy kịch - Ảnh 1
Củ ấu tẩu. Ảnh: Công Lý

Theo VietNamNet, củ ấu tẩu (hay còn gọi ấu tàu) thường được dùng làm rượu thuốc để xoa bóp chữa các chứng đau, tê, nhức, mỏi. Mặc dù vậy, thành phần của nó chứa aconitin là chất rất độc.

Theo bác sĩ, nếu chế biến không đúng cách, củ ấu tàu vẫn còn độc tính. Khi ăn cháo hoặc uống rượu ngâm củ ấu tàu độc tính, các triệu chứng ngộ độc thường xuất hiện ngay, như tê bì quanh miệng, môi, lưỡi, nôn, rối loạn hệ thần kinh, co giật. Nặng hơn là các rối loạn tim mạch có thể gây trụy mạch, trụy huyết áp, dẫn đến tử vong nhanh chóng.

Bác sĩ khuyến cáo khi sử dụng các chế phẩm có thành phần là củ ấu tàu, người dân phải hết sức thận trọng. Không tự chế biến củ ấu tàu làm thức ăn nếu không biết cách loại bỏ độc tố. Không được uống rượu ngâm củ ấu tàu bởi có thể ngộ độc dẫn đến tử vong. Các loại rượu ngâm củ ấu tàu dùng để xoa bóp phải được dán nhãn rõ ràng, cất giữ cẩn thận, tránh xa tầm tay trẻ em. Khi có biểu hiện ngộ độc, bệnh nhân cần được nhanh chóng đưa đến bệnh viện để xử trí kịp thời.

Cũng theo Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Thủy, Giám đốc Trung tâm Cai nghiện và Điều trị rối loạn giấc ngủ, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, cho biết rượu thuốc bao gồm 2 loại ngâm cùng dược liệu hoặc động vật.

Các loại động vật hay được ngâm phổ biến là rắn, tắc kè, bìm bịp, hải mã, lộc nhung. Các loại thảo mộc thường được dùng như sâm linh chi, đinh lăng, cúc hoa, các loại sâm, hà thủ ô, chuối chát…

Bác sĩ Thủy cho biết các bài thuốc Đông y thường có tác dụng bồi bổ, chữa bệnh. Tuy nhiên, việc sử dụng phải có sự tư vấn từ bác sĩ Đông y. Người dân ngâm các loại củ quả, thảo mộc, động vật vào rượu không có sự kiểm soát có thể gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

“Tác dụng bổ của các loại rượu ngâm chưa được kiểm chứng, chỉ là người dân truyền tai nhau. Khi sử dụng rượu ngâm, đầu tiên chúng ta phải biết rõ nguồn gốc và uống ở mức vừa phải”, chuyên gia này khuyến cáo.

TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cũng thông tin trong y học cổ truyền, nhiều loại rễ, củ cây rừng có tác dụng chữa bệnh rất tốt khi được sử dụng bởi người có kiến thức chuyên môn và dùng đúng liều lượng, đúng cách.

Tuy nhiên, nếu không biết rõ tác dụng của từng loại rễ cây, củ cây rừng hoặc động vật, người dân tuyệt đối không được ngâm rượu uống, chế biến làm thực phẩm. Việc sử dụng không cách hoặc đúng liều lượng, có thể gây độc đối với thần kinh, tim mạch, hô hấp thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng.

Xót xa thai phụ qua đời sau cơn đa ối, nguy kịch: Bệnh viện lí giải nguyên nhân do thiếu kinh nghiệm và bệnh lý hiếm

Sau khi nhập viện, sản phụ rơi vào tình trạng tụt huyết áp, tăng nhịp tim, qua đời không lâu khi ca cấp cứu bất thành.

TIN MỚI NHẤT