Phẫu thuật thành công bé trai bị thủng dạ dày do thói quen hàng ngày của cha mẹ

Tin y tế 06/04/2023 14:17

Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Nha Trang vừa phẫu thuật nội soi cấp cứu khâu lỗ thủng dạ dày thành công cho ở bệnh nhi N.Đ.Q.T (14 tuổi, phường Phước Hòa, TP.Nha Trang)

Theo thông tin Báo Khánh Hòa, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Nha Trang tiếp nhận bệnh nhi N.Đ.Q.T (14 tuổi, phường Phước Hòa, TP.Nha Trang) trong tình trạng đau nhiều ở vùng bụng. Theo người nhà bệnh nhân, cháu T. có hiện tượng đau bụng âm ỉ, táo bón kéo dài trong thời gian gần đây. Trước khi nhập viện, T. có dấu hiệu đau bụng nhiều, đau quằn quại nên gia đình đưa bé đến bệnh viện để thăm khám.

Phẫu thuật thành công bé trai bị thủng dạ dày do thói quen hàng ngày của cha mẹ - Ảnh 1
Phẫu thuật nội soi cấp cứu khâu lỗ thủng dạ dày. Ảnh: Báo Khánh Hòa

Các bác sĩ tiến hành khám và làm các xét nghiệm, kết quả, bệnh nhi T. có dấu hiệu nhiễm trùng đường ruột, viêm loét dạ dày tá tràng. Bệnh nhi được chỉ định nhập viện để theo dõi. Tại khoa Nhi, qua thăm khám và thực hiện thêm X-quang, CT, siêu âm ổ bụng các bác sĩ bệnh viện chẩn đoán bệnh nhi T. bị thủng dạ dày cần can thiệp ngoại khoa cấp cứu.

Sau đó, các bác sĩ cùng ê-kíp mổ tiến hành phẫu thuật bằng phương pháp nội soi khâu lỗ thủng ổ loét dạ dày cho bệnh nhi. “Quá trình phẫu thuật, phát hiện ổ bụng của trẻ có nhiều dịch tiêu hoá, dạ dày có một lỗ thủng đường kính 0.5cm. Chúng tôi tiến hành hút sạch dịch, khâu lỗ thủng dạ dày, rửa bụng, và đặt ống dẫn lưu. Sau phẫu thuật, sức khoẻ bệnh nhi ổn định. Đây là trường hợp hiếm gặp, là dạng cấp cứu ngoại khoa nguy hiểm, bởi khả năng biến chứng nặng dẫn đến tử vong rất cao nếu không được chẩn đoán đúng và phẫu thuật kịp thời”, bác sĩ chuyên khoa II Cao Việt Dũng – Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Nha Trang cho biết.

Bác sĩ Cao Việt Dũng cho biết thêm, thủng dạ dày ở trẻ hiếm gặp nên rất dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh lý cấp tính khác như viêm ruột thừa, lồng ruột, tắc ruột, viêm túi mật, viêm tụy... Trẻ bị thủng dạ dày thường có các triệu chứng đau bụng dữ dội, nôn, có thể vật vã, tím tái khi đã trở nặng. Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong do nhiễm trùng, nhiễm độc, suy đa phủ tạng…

Trước đó VTV News từng đưa tin, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng xử lý cấp cứu kịp thời và thành công 2 trường hợp viêm phúc mạc do thủng dạ dày.

Hiện nay, nhiều bậc cha mẹ vẫn cho rằng trẻ em không bị loét dạ dày tá tràng, nhưng các kết quả nghiên cứu cho thấy trẻ cũng có thể bị mắc bệnh lý trên. Khác với người lớn, loét dạ dày – tá tràng thường do vi khuẩn  H. pylori (khuẩn HP) gây ra, ở trẻ em đa số các trường hợp nguyên nhân gây bệnh là do do thói quen ăn uống thiếu khoa học (ăn nhiều đồ chua , cay, nóng, đồ ăn nhanh…), áp lực trong học tập, thức khuya, stress… dẫn đến tình trạng viêm loét và thủng dạ dày - tá tràng.

Qua đó, Bác sĩ khuyến cáo, để phòng bệnh và tránh cho trẻ bị mắc bệnh lý trên, phụ huynh không nên gây áp lực lên con cái quá nhiều, luôn để trẻ lạc quan, vui tươi, thoải mái, tránh thức khuya. Đồng thời, tập cho trẻ thói quen ăn uống hợp lý, không để đói quá và cũng tránh ăn quá no. Nên chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày và có giờ nhất định, ăn chậm, nhai kỹ sẽ tốt cho tiêu hoá.  Hạn chế các thực phẩm xào, rán, nướng, các thực phẩm mặn và đặc biệt tránh sử dụng các chất kích thích như cà phê, trà đặc, thức uống có cồn…Không ăn các thức ăn quá chua, uống quá lạnh, quá nóng, nên ăn thức ăn mềm, dễ tiêu. Khi thấy trẻ có các biểu hiện như đau bụng tái đi tái lại thường xuyên, khó chịu đường tiêu hóa, gia đình cần đưa trẻ đi khám trong thời gian sớm nhất.

Thông tin mới vụ ngộ độc botulinum: 7 người đã được xuất viện

7 bệnh nhân trong vụ ngộ độc botulinum đã xuất viện, hai bệnh nhân nặng còn lại cần theo dõi thêm.

TIN MỚI NHẤT