Phát hiện ca bệnh giun rồng thứ 26 tại Việt Nam, cách phòng tránh căn bệnh ký sinh trùng nguy hiểm

Sức khỏe 10/05/2025 10:03

Người đàn ông 47 tuổi nổi các đường ngoằn ngoèo dưới da, bác sĩ phát hiện nhiễm giun rồng, là ca thứ 26 được công bố tại Việt Nam.

Theo thông tin từ VnExpress, ngày 10/5, đại diện Trung tâm Y tế huyện Yên Lập cho biết bệnh nhân ban đầu xuất hiện nốt rát sẩn màu hồng nhạt trên da vùng hông trái, sau 5 ngày nổi thêm đường ngoằn ngoèo nhỏ dài 5-6 cm ở vùng gối trái, da khô, ngứa từng cơn, không chảy dịch, không hóa mủ hay sốt.

Kết quả xét nghiệm xác định bệnh nhân bị nhiễm giun rồng, đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Phát hiện ca bệnh giun rồng thứ 26 tại Việt Nam, cách phòng tránh căn bệnh ký sinh trùng nguy hiểm - Ảnh 1
Giun rồng ký sinh dưới da người đàn ông - Ảnh: VnExpress

Giun rồng, một bệnh lý hiếm gặp trên toàn cầu, vốn chỉ xuất hiện lẻ tẻ ở một số nước châu Phi. Việt Nam ghi nhận 25 trường hợp trong vòng 5 năm qua (từ năm 2020 tới cuối 2024), trước đó không có ca nào. Bệnh chủ yếu xuất hiện ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Yên Bái (11 ca), Phú Thọ (9 ca), Thanh Hóa và Lào Cai (2), Hòa Bình (1). Đa phần bệnh nhân là nam giới, có thói quen tiêu thụ thực phẩm sống hoặc chưa được nấu chín.

Trước đó, theo thông tin từ báo Dân trí, ngày 30/4, một bệnh nhân nam (44 tuổi), trú tại xã Long Cốc, được đưa vào khoa Truyền nhiễm, Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn trong tình trạng sưng đau tại vùng chi, có mụn nước và sốt nhẹ. 

Qua thăm khám và xét nghiệm, các bác sĩ xác định người bệnh bị nhiễm giun rồng (Dracunculus) - loại ký sinh trùng hiếm gặp, có khả năng gây biến chứng nặng nếu không được xử trí kịp thời.

Phát hiện ca bệnh giun rồng thứ 26 tại Việt Nam, cách phòng tránh căn bệnh ký sinh trùng nguy hiểm - Ảnh 2
Một trường hợp nhiễm giun rồng - Ảnh: Báo Dân trí

Bệnh giun rồng do ký sinh trùng Dracunculus medinensis gây ra. Khi xâm nhập vào cơ thể qua nước hoặc thực phẩm bị nhiễm ấu trùng, giun trưởng thành có thể phát triển dài đến 1,2 mét, sống ký sinh dưới da và thường xuyên chui ra ngoài qua các vết loét, gây đau đớn dữ dội, viêm nhiễm, thậm chí hoại tử nếu không điều trị đúng cách.

Đáng chú ý, hiện nay chưa có thuốc đặc trị hay vaccine phòng ngừa bệnh giun rồng, khiến việc phòng bệnh trở nên đặc biệt quan trọng.

Cách phòng bệnh đơn giản nhưng bắt buộc

Để tránh lây nhiễm, Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm các biện pháp sau:

- Không ăn đồ sống, đồ tái, đặc biệt là các món cá gỏi, nem chua, tiết canh.

- Luôn ăn chín, uống sôi, tuyệt đối không dùng nước chưa đun sôi hoặc chưa qua lọc diệt khuẩn.

- Giữ vệ sinh cá nhân, nguồn nước sinh hoạt và môi trường sống.

- Khi có dấu hiệu mụn nước, sưng đau bất thường ở tay chân, hoặc sốt không rõ nguyên nhân, cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra.

Người phụ nữ suýt tử vong sau mũi tiêm khớp vai ở phòng khám tư

Ngày 9/5, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết vừa tiếp nhận một bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn nặng sau khi tiêm khớp vai tại một phòng khám tư.

TIN MỚI NHẤT