Món ăn đến được chế biến từ nội tạng động vật chứa nhiều dinh dưỡng, thế nhưng món ăn này cũng mang đến những nguy cơ tiềm ẩn gây hại cho sức khỏe.
- Người phụ nữ ở Hà Nội nhập viện cấp cứu vì viêm dạ dày, ruột cấp do sử dụng chanh liều cao
- Rộ thông tin ho thật mạnh giúp cứu nguy khi đột quỵ: Chuyên gia tim mạch nói thế nào?
Ngày 5/5, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 17, Chi cục QLTT TP Hà Nội phối hợp cùng lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ hơn 7 tấn nội tạng động vật không rõ nguồn gốc tại kho đông lạnh thuộc Công ty Đức Tấn Sài Gòn, địa chỉ số 1, km12, đường Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Cụ thể, trong quá trình kiểm tra kho đông lạnh, lực lượng chức năng phát hiện hơn 7 tấn trứng non, tràng gà, nầm lợn. Toàn bộ số hàng hóa này không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp, vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Tổng giá trị của số hàng vi phạm ước tính lên đến hơn 664 triệu đồng.

Trước đó, cuối tháng 4/2025, gần 11 tấn hàng hóa là thịt bò và nội tạng bò như lòng bò, gân bò, bì bò, họng bò, sách bò, xương bò, mép bò, óc bò, dạ dày bò, gan, phổi bò, chứa trong 03 kho đông lạnh, chưa qua sử dụng được bọc trong các túi nilong, không có nhãn mác, thông tin về sản phẩm, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp vừa bị Đội QLTT số 17, Chi cục QLTT thành phố Hà Nội phối hợp với Đội 7, Phòng PC03, Công an thành phố Hà Nội phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Trong đó, nhiều loại thực phẩm có dấu hiệu bị hư hỏng, bốc mùi khó chịu. Lô hàng có tổng trị giá trên 188 triệu đồng.
Việc phát hiện những lô hàng này một lần nữa cảnh báo về tình trạng buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Mối nguy hiểm khi sử dụng nội tạng bẩn
Việc sử dụng nội tạng bẩn, hoặc hôi thối sẽ mang lại nhiều nguy cơ không an toàn cho người sử dụng. Trên thực tế, một số ruột động vật có chứa lượng lớn vi khuẩn E. Coli và các vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn… cho người khi ăn phải lòng, nội tạng nấu không chín kỹ hoặc ô nhiễm chéo sang các thức ăn nước uống khác trong quá trình chế biến. Nội tạng có thể là nguồn lây các bệnh nhiễm khuẩn khác như lao, than, lợn đóng dấu..., các bệnh ký sinh trùng như sán dây, sán chó và giun xoắn cho người. Người mắc các bệnh này thông thường để lại hậu quả nặng nề về sức khỏe và nặng hơn có thể tử vong.
Với những loại nội tạng được vận chuyển từ nơi xa bằng container sẽ có một quá trình dài thu gom, rất dễ mất an toàn về thực phẩm. Để bảo quản được loại thực phẩm dễ bị hư hỏng như nội tạng, có thể cần phải dùng tới chất bảo quản thực phẩm. Đặc biệt, với các thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, rất có thể sử dụng chất bảo quản gây hại cho sức khỏe và tiềm ẩn những mối nguy hại khó lường cho sức khỏe.
Bên cạnh yếu tố về an toàn thực phẩm, người tiêu dùng cũng cần lưu ý đến yếu tố dinh dưỡng. Nội tạng động vật thường chứa hàm lượng chất béo bão hòa và cholesterol cao hơn đáng kể so với thịt nạc, khiến người ăn thường xuyên dễ đối mặt với nguy cơ tăng mỡ máu, xơ vữa động mạch và các bệnh lý tim mạch. Những nhóm có nguy cơ cao như người lớn tuổi, người thừa cân - béo phì, bệnh nhân tiểu đường, cao huyết áp hay rối loạn chuyển hóa càng cần hạn chế các món này.
Không chỉ chứa nhiều chất béo, nội tạng còn là ổ purin - hợp chất khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành acid uric, thủ phạm gây bệnh gout. Gout không chỉ là đau khớp - nó còn ảnh hưởng đến thận, huyết áp, làm giảm chất lượng sống rõ rệt.
Gan, tim, cật… đều là những cơ quan trao đổi chất mạnh nên có mật độ purin rất cao. Theo khuyến cáo dinh dưỡng quốc tế, những ai từng bị gout hoặc có nguy cơ cao (nam giới trên 40, béo phì, nghiện rượu, ăn nhiều thịt đỏ) nên tránh xa nội tạng.

Cách chọn nội tạng động vật sạch
Mua ở địa chỉ tin cậy
Người tiêu dùng có thể tìm mua nội tạng động vật ở những nơi quen biết để hiểu rõ nguồn xuất xứ của chúng. Nếu không, rất có thể chị em sẽ mua phải loại nhập lậu, để lâu ngày, được tẩm hóa chất giữ tươi lâu… sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe.
Quan sát màu sắc, tình trạng nội tạng
Nội tạng động vật tươi thường có màu sắc tươi mới, màu hồng sáng, không bị chảy nước, không bị thâm, không bị beo, căng đều. Khi thấy nội tạng động vật được ngâm lạnh, vẫn còn cứng do “đóng đá”, tức là sản phẩm đã được để lâu và bảo quản đông lạnh. Ấn nhẹ có sự đàn hồi, không bị lún.
Riêng đối với gan thường có màu thâm sẫm, vì thế không nên chọn loại có màu bạc, vàng nhạt, lốm đốm đỏ hoặc trắng hoặc sờ vào thấy cứng.
Còn lòng non của lợn hay bị đắng nên người mua hãy chọn loại bé, ống ruột căng và tròn, màu trắng hồng, chất dịch bên trong màu trắng sữa. Những đoạn lòng đường kính lớn, mỏng, dẹp, chất dịch bên trong màu vàng thường không được non, ăn sẽ dai và dễ đắng.
Để nơi vệ sinh
Khi mua hàng, người mua nên quan sát kỹ tim, gan, dạ dày, lòng… có được để ở trên khay, đĩa sạch, được bọc lại hay không? Nếu để trên bàn bẩn, không che đậy, có lẫn cả chất thải động vật thì không nên mua. Mua loại đã được sơ chế sạch sẽ là tốt hơn cả.
Ăn nội tạng thế nào để an toàn?
Nội tạng không phải là "thực phẩm độc hại" tuyệt đối, vì cũng cung cấp nhiều chất như sắt, vitamin A, B12… Nhưng đó phải là món ăn thi thoảng, được xử lý sạch, chế biến đúng cách, và dùng trong lượng hạn chế.
Vì vậy, để vừa được thưởng thức nội tạng động vật mà vẫn đảm bảo sức khỏe, mỗi người chỉ nên ăn nội tạng động vật tối đa 1 lần/tuần, mỗi lần không quá 100g. Trong quá trình chế biến, chú ý ngâm rửa kỹ bằng muối, rượu gừng, nước chanh để khử mùi, diệt khuẩn; ưu tiên luộc, hấp, tránh nướng, chiên cháy khét (sinh chất gây ung thư như PAH, HCA).
Tuyệt đối không ăn nội tạng động vật còn tái, không ăn tiết sống, tránh nguy cơ nhiễm khuẩn, giun sán. Nên ăn kèm rau xanh, trái cây, uống nhiều nước để hỗ trợ chuyển hóa chất béo và acid uric.