Dấu hiệu ung thư bị nhầm tưởng: Làm thế nào để phân biệt?

Sức khỏe 27/09/2022 08:35

Nhiều người, đặc biệt là người cao tuổi thường xuất hiện những nốt ruồi, đốm nâu mới trên cơ thể. Đó là dấu hiệu của loại ung thư ít người để ý tới.

Dấu hiệu ung thư bị nhầm tưởng: Làm thế nào để phân biệt? - Ảnh 1
Ảnh minh họa: Internet

Ngày 24/9, Hội nghị "Chăm sóc da cho người cao tuổi" do Bệnh viện Da Liễu TP.HCM phối hợp với Bệnh viện Nguyễn Trãi tổ chức. ThS.BS Trần Bá Tòng, Khoa Ngoại, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM, cho biết mỗi năm có khoảng gần 3.000 lượt bệnh nhân đến bệnh viện khám và điều trị ung thư da, trong đó người cao tuổi (từ đủ 60 tuổi trở lên) chiếm hơn 90%. Đặc biệt phần lớn các trường hợp ung thư da đến khám đều ở giai đoạn trễ, khi khối ung thư đã phát triển to, gây khó khăn cho việc điều trị.

Theo BS Tòng, ung thư da nếu phát hiện sớm có thể chữa khỏi được hoàn toàn bằng phương pháp phẫu thuật cắt rộng, đồng thời ít để lại những ảnh hưởng về mặt chức năng, thâm mỹ về sau.

Việc chẩn đoán chậm trễ này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là do phần lớn ung thư da diễn tiến chậm và không kèm triệu chứng đau nhức nên bệnh nhân không phát hiện ra. Một nguyên nhân khác nữa là do bệnh nhân chủ quan, nghĩ đây là những khối u lành tính thường gặp ở người già như dày sừng tiết bã, đốm nâu, nốt ruồi… nên không đi thăm khám.

"Hiện nay có ba loại ung thư da thường gặp nhất ở người lớn tuổi là ung thư tế bào đáy, ung thư tế bào gai và ung thư tế bào hắc tố (melanoma). 90% ung thư tế bào đáy và ung thư tế bào gai gặp ở vùng da đầu mặt, cổ - vùng tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời - có diễn tiến tương đối lành tính, ít tiến triển tới di căn hoặc gây tử vong. Còn ung thư tế bào hắc tố lại có tiên lượng xấu nhất và có khả năng di căn, gây tử vong", BS Tòng cho biết.

Không giống như ở người da trắng, khi đa phần melanoma gặp ở vùng da phơi bày ánh sáng do ảnh hưởng của tia UV. Melanoma ở người châu Á thường gặp ở vị trí đầu chi, đặc biệt là vùng da lòng bàn chân.

Do bệnh diễn tiến mạn tính, không gây đau đớn, có màu đen giống nốt ruồi, lại gặp ở vùng da khó tự quan sát nên bệnh nhân thường đến khám trễ khi bệnh đã diễn tiến qua nhiều năm, tiến triển đến loét và có khả năng di căn.

BS Tòng cho biết việc chẩn đoán và giáo dục nâng cao kiến thức của người dân về việc tự phát hiện sang thương nghi ngờ ung thư da là một việc rất quan trọng trong việc quản lý và điều trị ung thư da.

Dấu hiệu ung thư bị nhầm tưởng: Làm thế nào để phân biệt? - Ảnh 2

Ung thư da có thể xuất hiện giống như nốt ruồi, đốm nâu ít ai phát hiện. Ảnh minh họa

Những triệu chứng sau đây có thể báo hiệu giúp chẩn đoán sớm ung thư da:

- Ổ loét lâu liền hoặc loét có rớm máu

- Ổ dày sừng có loét, nổi cục, dễ chảy máu

- Ổ loét hoặc khối u trên nền sẹo cũ

- Nốt đỏ mạn tính có dấu hiệu loét

- Nốt ruồi thay đổi kích thước

- Khi soi kính lúp có thể quan sát thấy các mạch máu tân tạo

Để phòng tránh ung thư da và có một làn da khỏe mạnh, BS Tòng lưu ý mọi người nên hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong khoảng 10 sáng đến 3 giờ chiều; sử dụng kem chống nắng thường xuyên; che chắn làn da khi ra ngoài trời nắng…

Bất cứ ai cũng có nguy cơ bị ung thư da dù da trắng hay da đen. Khi gặp các dấu hiệu các nốt ruồi bờ không đối xứng, bờ không rõ ràng, màu sắc không đồng nhất, đường kính lớn hơn 6mm, thay đổi về hình dạng, kích thước và màu sắc, hãy tới ngay cơ sở y tế để thăm khám.

Bạn cũng nên tự kiểm tra xem có nốt ruồi bất thường trên da hay không bằng cách: Đứng trước gương nhìn da toàn thân từ trước ra sau, từ phải qua trái trong tư thế chống tay lên. Nhìn kỹ vùng khuỷu tay và cẳng tay. Có thể dùng gương cầm tay kiểm tra vùng cổ, cằm, vùng lưng, vùng mông.

"Ung thư da là một số ít ung thư bạn tự quan sát được, vì vậy bạn nên thường xuyên tự kiểm tra da của mình để phát hiện các bất thường. Những thay đổi không giải thích được trên da của bạn - ví dụ như một nốt ruồi mới mọc, một nốt ruồi thay đổi hoặc vết loét không lành - thường là dấu hiệu đầu tiên của ung thư da và không bao giờ được bỏ qua", BS Tòng cho hay.

7 cách tiêu diệt vi khuẩn trong miệng và ngăn chặn hơi thở có mùi đơn giản nhất

Bạn còn nhớ cảnh khóa môi mang tính biểu tượng giữa Jack và Rose trong bộ phim Titanic năm 1998 từng đoạt giải Oscar không? Hãy tưởng tượng nếu Jack bị "hôi miệng", thật kinh khủng phải không? Chắc hẳn không ai mong muốn mình rơi vào hoàn cảnh như vậy. Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát, có khoảng từ 35% đến 45% số người trên thế giới bị hôi miệng vào một thời điểm nào đó trong ngày của họ.

TIN MỚI NHẤT