Đền Hùng thờ bao nhiêu vị vua

Đời sống 12/04/2018 09:49

Đền Hùng thờ 18 vị vua. Nhìn chung, kiến trúc Đền Hùng gồm Đền Thượng, Đền Trung và Đền Hạ.

“Đền Hùng thờ bao nhiêu vị vua?” là câu hỏi mà rất nhiều người muốn biết câu trả lời. Vậy thì hãy cùng tìm hiểu ngay bây giờ nhé.

Theo tác giả Nguyễn Thị Tuyết Hạnh từ nghiên cứu tục thờ thần và lễ hội Hùng Vương cho biết: “Vào thế kỷ XIII-XIV với ý thức “uống nước nhớ nguồn”, người Việt thờ các ngôi đền thờ Hùng Vương trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh. Ba ngôi đền: Đền Thượng, Đền Trung, Đền Hạ thờ 18 đời Vua Hùng cùng các vị thần núi. Trong mỗi ngôi đền đều có 4 cỗ long ngai, 3 cỗ chính diện đặt bài vị thờ”.

Đền Hạ Đền Hùng

Đền Hạ Đền Hùng
Đền Hạ Đền Hùng. Ảnh minh họa: Internet.

Từ cổng đền qua 225 bậc là tới Đền Hạ, khuôn viên khu Đền Hạ thuộc tầng thấp của Núi Hùng, tổng diện tích là 3.280 m2. Chính vì ở vị trí thấp và rộng trên núi Hùng nên nơi đây có 2 đơn nguyên kiến trúc một ngôi chùa của tôn giáo và đền của tín ngưỡng. Toàn bộ những kiến trúc hiện còn tồn tại trên mặt đất khu vực Đền Hạ đa phần thuộc thời Nguyễn trở lại đây.

Đền Hạ có kiến trúc kiểu chữ nhị (=) gồm hai toà: toà Tiền tế và hậu cung, mái sau ngôi đền dài hơn mái trước. Mỗi toà có ba gian, giữa 2 toà cách nhau một khoảng sân trời bằng 1,5m. Trong gian tiền tế, hai bên đốc xây liền tường có trang trí đắp nổi hình một bên là hình voi, một bên là hình ngựa. Mái đền lợp ngói mũi hài thuộc loại ngói được sử dụng rộng rãi trong những công trình kiến trúc xây dựng thời Lê.

Trong hậu cung đền Hạ có đặt ba ban thờ chính: Ban thờ đặt chính giữa có bài vị thờ ghi: Đột ngột Cao Sơn cổ Việt Hùng thị thập bát thế truyền thánh vương thánh vị; Ban bên trái bài vị ghi: Ất Sơn thánh vương thánh vị. Ban bên phải bài vị ghi: Viễn Sơn thánh vương thánh vị. Cỗ long ngai đặt phía đầu đốc bên phải ngôi đền không có bài vị, trong văn tế có ghi thờ hai nàng công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa con gái của Vua Hùng thứ XVIII. Tương truyền tại khu vực đền Hạ là nơi Mẹ Âu cơ sinh ra bọc trăm trứng, nở thành 100 người con trai. Chính vì vậy, nghĩa “Đồng bào” (cùng một bọc) bắt nguồn từ nơi đây.

Đền Trung Đền Hùng

Từ đền Hạ, đi tiếp 168 bậc đá là tới Đền Trung, đền Trung có tên chữ là “Hùng Vương Tổ Miếu”. Tương truyền đây là nơi vua Hùng thường họp bàn việc nước với các Lạc hầu, Lạc tướng.

Vào thời nhà Nguyễn (Thế kỷ XIX) đền Trung được xây dựng lại, kiến trúc có 3 gian, kiểu chữ nhất. Tháng 9 năm 2009 được sự đầu tư của Chính phủ, đền Trung được tu bổ, tôn tạo và mở rộng thêm phần hậu cung. Kiến trúc đền hiện nay có hai lớp, kiểu chữ nhị, gồm nhà tiền tế và hậu cung.

Cách bài trí thờ tự ở đền Trung giống như đền Hạ. Trong hậu cung của đền có ba ban thờ chính có bài vị thờ ghi: Ban thờ chính giữa bài vị ghi Đột ngột Cao Sơn cổ Việt Hùng thị thập bát thế truyền thánh vương thánh vị; ban bên trái ghi Ất Sơn thánh vương thánh vị và Ban bên phải ghi Viễn Sơn thánh vương thánh vị. Cỗ long ngai phía đầu đốc bên phải đền không có bài vị, trong văn tế có ghi thờ hai nàng công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa con gái vua Hùng thứ XVIII.

Đền Thượng Đền Hùng

Đền Thượng Đền Hùng
Đền Thượng Đền Hùng. Ảnh minh họa: Internet.

Từ Đền Trung đến Đền Thượng cách nhau 102 bậc, đền có tên chữ là “Kính Thiên Lĩnh điện” (nghĩa là: Điện thờ trời trên núi Nghĩa Linh). Xưa kia, đền còn có tên là “Cửu trùng thiên điện” (nghĩa là: Điện thờ trời trên chín tầng mây).

Trải qua thời gian, đền Thượng tiếp tục được nhiều lần trùng tu được nhiều lần trùng tu, tôn tạo song vẫn giữ nguyên kiểu dáng kiến trúc cổ. Năm 2008, đền được tu bổ đồng bộ và khang trang về kiến trúc cũng như nội thất thờ tự. Đền Thượng được xây dựng theo kiến trúc kiểu chữ Vương. Phía trước là nghi môn, rồi đến đại bái, nhà tiền tế và hậu cung.

Giỗ tổ Hùng Vương năm 2018 được tổ chức ở đâu?

Như mọi năm, giỗ tổ Hùng Vương năm 2018 cũng được tổ chức tại Đền Hùng, Phú Thọ. Thời gian diễn ra từ ngày từ ngày 21 đến 25/4/ 2018 (tức từ ngày 6 đến 10 /3 âm lịch).

TIN MỚI NHẤT