PGS Bùi Hiền, người đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ từng gây tranh cãi, qua đời ở tuổi 90

Xã hội 12/05/2025 09:18

PGS.TS Bùi Hiền - người đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ gây tranh cãi gần chục năm trước vừa qua đời chiều 11/5.

Theo báo Tuổi Trẻ, thông tin từ gia đình cho biết PGS.TS Bùi Hiền mất lúc 15h15 ngày 11/5 tại nhà riêng ở TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, hưởng thọ 90 tuổi.

Lễ viếng sẽ được tổ chức vào 13h ngày 12/5, lễ truy điệu và đưa tang được tổ chức vào 6h30 ngày 13/5. Ông sẽ được an táng tại quê nhà Vĩnh Chân, Hạ Hòa, Phú Thọ.

PGS Bùi Hiền, người đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ từng gây tranh cãi, qua đời ở tuổi 90 - Ảnh 1
PGS.TS Bùi Hiền mất lúc 15h15 ngày 11/5 tại nhà riêng ở TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ. 

Như vậy chỉ trong hai ngày giới ngôn ngữ học, văn chương chia tay ba phó giáo sư là ông Phạm Văn Tình, Trần Khánh Thành và Bùi Hiền.

PGS Bùi Hiền sinh năm 1935 ở xã Vĩnh Chân, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ.

Ông có bằng tiến sĩ về tiếng Nga, cả cuộc đời cống hiến cho công tác giảng dạy tiếng Nga ở Trường đại học Sư phạm ngoại ngữ (nay là Trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội), nghiên cứu ngôn ngữ tiếng Nga và công tác quản lý giáo dục tại Trường đại học Sư phạm ngoại ngữ và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

PGS Bùi Hiền, người đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ từng gây tranh cãi, qua đời ở tuổi 90 - Ảnh 2
PGS Bùi Hiền từng được biết đến với đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ gây tranh cãi. Ảnh: Báo Tiền Phong. 

Theo thông tin báo Tiền Phong, Năm 2017, ông được biết đến với đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ gây tranh cãi. Theo đó, đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ là nghiên cứu cá nhân mà PGS.TS Bùi Hiền theo đuổi từ lâu. Đề xuất này lần đầu được công bố trên báo Giáo dục và Thời đại số 72 ngày 8/9/1995.

Theo PGS.TS Bùi Hiền đề xuất cải tiến hướng đến mục đích: thống nhất và đơn giản hóa một phần về mặt chữ viết cho các văn bản và giúp người nước ngoài, người dân tộc thiểu số dễ tiếp cận với chữ viết tiếng Việt hơn.

PGS Bùi Hiền, người đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ từng gây tranh cãi, qua đời ở tuổi 90 - Ảnh 3
Một ví dụ về văn bản được viết bằng bộ chữ mới. Ảnh: Báo Tiền Phong.

Cuối năm 2017, đề xuất của ông được đưa ra truyền thông và đã có bàn cãi sôi nổi do những khác lạ trong lối viết cải tiến mà ông đưa ra. Bàn cãi lắng xuống khi các chuyên gia khẳng định nếu có cải tiến loại chữ viết mà hàng triệu người trong và ngoài nước đang sử dụng, không thể đơn giản là do một cá nhân đề xuất.

Năm 1953, ông được cử sang Trung Quốc để học tiếng Nga. Sau 2 năm học, năm 1955, ông tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ, Khoa tiếng Nga ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Trở về nước, ông được giao phụ trách ban tiếng Nga của trường Ngoại ngữ mới thành lập ở Hà Nội. Năm 1967, trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội được thành lập, Bùi Hiền phụ trách khoa Tiếng Nga của trường này.

Từ năm 1969 đến năm 1972, ông làm nghiên cứu sinh phó tiến sĩ ngành tiếng Nga ở Liên Xô. Sau khi bảo vệ thành công luận án, năm 1973, ông trở về nước tiếp tục công tác tại Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Năm 1974 ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội.

Sau đó, ông được bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng Viện Nội dung và Phương pháp dạy học phổ thông thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và giữ chức vụ này cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1993.

GS.TS Võ Tòng Xuân qua đời ở tuổi 84 sau thời gian chống chọi với bệnh hiểm nghèo

Dù được các bác sĩ tận tình điều trị, chăm sóc nhưng do tuổi cao, GS.TS Võ Tòng Xuân đã không qua khỏi sau thời gian dài chống chọi với bệnh hiểm nghèo.

TIN MỚI NHẤT