Không bố mẹ, 4 đứa trẻ bơ vơ trong căn nhà lụp xụp giữa lưng đồi

Xã hội 22/11/2022 09:21

Chuyện 4 đứa trẻ Hơ Ta Nính mồ côi bố, mẹ bỏ đi biệt tích, côi cút trong căn nhà lụp xụp nằm giữa lưng chừng đồi, khiến những ai chứng kiến cũng không khỏi cảm thương.

Sau cơn mưa rừng, đường vào bản Cá Tớp (xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, Thanh Hóa) trở nên khó nhọc. Cung đường ngoằn nghèo thêm phần thách thức tay lái của chúng tôi. Hơn một giờ đánh vật với đường đồi, cuốc bộ leo núi 1km, cũng đến được nhà anh em Hơ Ta Nính - 4 đứa trẻ bơ vơ không nơi nương tựa.

Nỗi đau từ lá ngón, 4 đứa trẻ sống cảnh bơ vơ

Nằm giữa lưng chừng đồi, căn nhà lợp bằng mái đã cũ, là nơi che nắng, che mưa của 4 anh em Nính nằm thu mình giữa không gian núi rừng xám bạc, nghèo nàn. Trước sân nhà, thời điểm chúng tôi có mặt 4 anh em nhà Nính đang túm tụm chơi trò đất nặn. 

Thấy khách, mấy đứa réo lên vui mừng. Chúng vui bởi các "Mẹ đỡ đầu" là chị em trong Hội liên hiệp phụ nữ xã Pù Nhi lại mang lương thực, thực phẩm lên hỗ trợ. Có gạo, có rau củ, có cá… mấy đứa vui ra mặt vì không còn lo bị đói.

Nính bảo: "Các mẹ, đồ ăn lần trước chưa ăn hết, sao lần này mang nhiều thế ạ!". Nghe Nính (anh cả) nói, chị Thao Thị Dua, Phó chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã Pù Nhi xoa đầu Nính mà bảo: "Các mẹ định 2 hôm nữa mới mang lên cho mấy đứa nhưng nghe dự báo thời tiết lại sắp có mưa bão, sợ đường sá bị sạt, không đi lại được, các con không có gì ăn, cái bụng sẽ bị đói".

Không bố mẹ, 4 đứa trẻ bơ vơ trong căn nhà lụp xụp giữa lưng đồi - Ảnh 1

Nói rồi, chị Dua bê thùng đồ đưa cho cái Tho. Tho (em gái) nhanh nhảu xếp đồ vào một góc rồi lẩm nhẩm như một chị cả: "Thế là không lo mưa gió, chẳng sợ bị đói cái bụng nữa rồi!"…

Nhìn những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi học nhưng lại không có sự chở che của bố mẹ, phải chật vật nương tựa vào nhau vượt qua những sóng cuộc đời, thực khiến chúng tôi không khỏi thương cảm.

Căn nhà nhỏ được cất dựng bằng những tấm ván cong queo, những bức vách bằng luồng, những liếp cửa, bức vách hổng trống khiến ánh sáng rọi thẳng vào nhà. Bên trong nhà chỉ có mấy cái nồi, xoong đen nhẻm, vài cái thùng đựng nước ăn, chiếc bàn học xiêu vẹo và một chiếc giường nhỏ. 

Tho bảo, đêm qua mưa chỗ ngủ bị dột ướt, mấy anh em phải khiêng giường ra một góc nhà khác, tụm vào nhau để ngủ…

Nói về hoàn cảnh của 4 anh em nhà Nính, chị Dua cho biết "Cuộc sống của bố mẹ mấy đứa không hạnh phúc. Bố Nính vì thiếu hiểu biết mà dùng lá ngón để tự tử, bỏ lại mấy mẹ con, Mẹ Nính không chịu được nghèo nàn đành bỏ lại 4 anh em Nính đi làm ăn, rồi cũng biệt tích".

4 đứa trẻ mồ côi ham học

Nính (13 tuổi), anh cả trong nhà, nhưng em lại không được nhanh nhẹn như các bạn cùng trang lứa. Mọi việc chăm lo trong gia đình, 1 tay em gái là Hơ Thị Tho (12 tuổi) phải cáng đáng, từ nấu nướng, giặt giũ, bảo ban các em học hành… Sau Nính và Tho, còn có 2 em nhỏ Hơ Thị Xi (8 tuổi) và Hơ Trọng Nghĩa (7 tuổi).

"Dù hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn nhưng 4 anh em nhà Nính lại rất ham học. Nhờ sự chung tay của chị em phụ nữ xã và các chiến sỹ biên phòng Tam Chung đùm bọc, hỗ trợ, các em vẫn được đến trường. Nhưng lần nào lên, chúng cũng lo sợ sẽ không được đến trường nữa!" - chị Dua kể.

Nghe các mẹ hỏi đến chuyện học hành của mấy anh em, Tho chạy vào trong ngăn bàn lấy quyển vở vừa được cô giáo chấm điểm cao ra khoe. Đôi bàn tay nhỏ, gầy, đen đúa của Tho lần mở từng trang vở với nét chữ ngay ngắn, gọn gàng, thu hút mọi ánh nhìn của chúng tôi.

Tho bảo với tôi, dù đường đi học xa, khó đi; Cái bụng hôm no, hôm đói nhưng 4 anh em nhà Tho luôn nhận được sự yêu thương, che chở đùm bọc của các "Mẹ đỡ đầu", của các chú đồn biên phòng. Để không phụ lòng công ơn, 4 anh em Nính, Tho luôn đi học đều, cố gắng vươn lên trong học tập.

Không bố mẹ, 4 đứa trẻ bơ vơ trong căn nhà lụp xụp giữa lưng đồi - Ảnh 2Không bố mẹ, 4 đứa trẻ bơ vơ trong căn nhà lụp xụp giữa lưng đồi - Ảnh 3

Năm nay Tho chỉ đạt học sinh Trung bình thôi nhưng vào năm học mới này Tho sẽ chăm học, cố gắng học giỏi, biết chữ để sau này còn làm cô giáo. Làm cô giáo rồi, Tho sẽ dạy chữ cho những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn" – cô bé Tho hào hứng.

Công việc một ngày của con làm những gì? Tôi hỏi. Tho e thẹn mà đáp "Ngày mới với con bắt đầu từ 5 rưỡi sáng. Con dậy hâm lại nồi cơm, thức ăn cho mấy anh em ăn sáng. Rồi Tho rửa mặt của em Nghĩa, thay quần áo, lo sách vở cho em đến trường. Đến khi học về, con giặt quần áo, nấu ăn. Tối đến thì mấy anh em bảo ban nhau học bài mới đi ngủ".

Tho bảo, những ngày mưa thì Tho vất vả hơn. Củi ướt, Tho nhón, thổi mãi mới lên được lửa để nấu cơm. Rồi mưa quần áo mấy anh em ướt hết, phải hong lửa cho khô mới có cái mặc đi học. Hôm nào mưa bão lớn, đường bị sạt lở thì phải ở nhà, tự học. Hết mưa các cô lại mang bài tập lên nhà cho học.

Nói rồi Tho cuối sầm mặt xuống, tủi mà mếu máo: "Giá như bố, mẹ không bỏ rơi các con thì các con không phải ở một mình. Ngày mưa bão, các con sợ lắm, nhất là hôm trời có sấm chớp!"…

Chia tay 4 anh em Nính khi cơn mưa vùng biên nặng hạt trở lại. Sau lưng tôi hãy còn văng vẳng những tiếng khóc tỉ ôi tủi phận của Tho, của Nính… Mong rằng, rồi đây các con dưới sự chở tre của các mẹ đỡ đầu, các chú bộ đội biên phòng và hy vọng những nhà hảo tâm biết đến gia cảnh, sẽ góp sức là chỗ dựa để các con theo đuổi con chữ, trưởng thành.

Gặp cô giáo về hưu sáng bán vé số, tối “gieo chữ” cho trẻ em nghèo ở lớp tình thương

Bước sang tuổi 74, hàng ngày cô Nguyễn Thị Ba vẫn rong ruổi khắp các con đường ở TP. Thủ Dầu Một để bán từng tờ vé số, chiều lại đến lớp học tình thương dạy chữ cho trẻ em nghèo. Hơn 6 năm qua, cô Ba xem đó là điều hạnh phúc và may mắn nhất mà mình có được.

TIN MỚI NHẤT