Trẻ mắc bệnh đường hô hấp gia tăng, bác sĩ khoa Nhi chỉ cách phòng ngừa

Tin y tế 31/03/2023 15:55

Tình hình hiện nay được cảnh báo có nhiều loại bệnh gia tăng, đặc biệt là các bệnh lây qua đường hô hấp và tiêu hóa ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ.

Cụ thể, theo ThS.BS. Chu Thị Thu Hà - Khoa Nhi, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba thông tin từ Báo Sức khỏe và đời sống cho rằng, nguyên nhân của sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ trong giai đoạn giao mùa là do giai đoạn này có những đợt không khí lạnh xen kẽ những ngày nhiệt độ tăng, hoặc trong một ngày nhiệt độ biến động nhiều.

"Đây chính là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các loại vi khuẩn và virus, các loài côn trùng truyền bệnh, đặc biệt là các bệnh lây qua đường hô hấp và tiêu hóa. Ở trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu và khó thích ứng kịp với sự thay đổi nhanh của môi trường nên rất dễ bị nhiễm bệnh", ThS.BS. Chu Thị Thu Hà phân tích.

Để phòng bệnh cho trẻ trong thời điểm giao mùa, ThS.BS. Chu Thị Thu Hà đưa ra khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần chú ý những điều sau:

Trẻ mắc bệnh đường hô hấp gia tăng, bác sĩ khoa Nhi chỉ cách phòng ngừa - Ảnh 1

Cha mẹ cần dọn dẹp sạch sẽ, giữ cho môi trường trong nhà thông thoáng có đủ ánh sáng để tiêu diệt tác nhân vi sinh vật, vệ sinh đồ chơi và đồ dùng của trẻ. Ảnh: Sức khỏe và đời sống

Hàng ngày nên vệ sinh mũi họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý ấm, vệ sinh răng miệng và vệ sinh thân thể. Hướng dẫn cho trẻ rửa tay bằng xà phòng để giảm sự lây nhiễm vi sinh vật.

Cha mẹ cần dọn dẹp sạch sẽ, giữ cho môi trường trong nhà thông thoáng có đủ ánh sáng để tiêu diệt tác nhân vi sinh vật, vệ sinh đồ chơi và đồ dùng của trẻ.

Nên chú ý trang phục của trẻ phải phù hợp với thời tiết và môi trường.

Đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng và chỗ đông người

Đảm bảo dinh dưỡng, tăng cường rau xanh và hoa quả để cung cấp đủ vitamin cho trẻ.

Cần cho trẻ tiêm vaccine đầy đủ. Ngoài các loại vaccine thông thường, có một số loại vaccine mà các bậc cha mẹ nên bổ sung thêm cho trẻ như vaccine phòng cúm, rubella, thủy đậu…

Trẻ mắc bệnh đường hô hấp gia tăng, bác sĩ khoa Nhi chỉ cách phòng ngừa - Ảnh 2
Cẩn trọng bệnh thủy đậu. Ảnh: Internet

Cũng theo Cục Y tế dự phòng thông tin về loại bệnh đang có diễn biến phức tạp hiện nay chính là thủy đậu. Theo đó, ngày 21/3, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần (từ ngày 10 - 17/3), trên địa bàn thành phố ghi nhận 70 trường hợp mắc thuỷ đậu, giảm nhẹ so với tuần trước đó Hà Nội ghi nhận 112 ca thuỷ đậu.

Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 548 ca thuỷ đậu phần lớn ở nhóm tuổi mầm non và tiểu học.

Bệnh nhân thuỷ đậu ghi nhận tại 18/30 quận huyện, trong đó một số quận, huyện có số mắc cao, dẫn đầu là Chương Mỹ với 230 ca, tiếp đến là Mê Linh với 69 ca, Ba Vì (60 ca), Nam Từ Liêm (56 ca), Mỹ Đức (42 ca).

Theo nhận định của CDC Hà Nội, so với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc thủy đậu ghi nhận năm 2023 tăng cao, bệnh nhân ghi nhận phần lớn ở nhóm tuổi mầm non và tiểu học.

Thống kê trên cả nước, trong 2 tháng 1-2/2023, cả nước ghi nhận gần 3.200 ca mắc thuỷ đậu, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh thủy đậu là bệnh cấp tính do nhiễm virus Varicella Zoter (gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ em và bệnh zona ở người lớn). Virus có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu khi bong ra tồn tại trong không khí. Bệnh rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu.

Khi bị bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1 - 2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh thường kéo dài từ 7 - 10 ngày.

 

Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau:

1.Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.

2.Những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 - 10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.

3.Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.

4.Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.

5.Tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.

Quảng Ngãi: Một thôn mắc bệnh ghẻ lây lan, phát hiện hơn 140 trường hợp trong cộng đồng

Bệnh lý được cho là có khả năng lây rất nhanh từ người này sang người khác, dễ thành dịch trong cộng đồng.

TIN MỚI NHẤT