TP.HCM: Tìm ra nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng ở trẻ trở nặng

Tin y tế 06/06/2023 08:11

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, gần đây số ca trẻ em mắc bệnh tay chân miệng có dấu hiệu gia tăng nhanh.

Theo thông tin từ báo Người Lao Động, ngày 5/6, Sở Y tế TP.HCM cho biết nhóm nghiên cứu của Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) và Đơn vị nghiên cứu lâm sàng ĐH Oxford (OUCRU) – Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã giải trình tự gien 6 mẫu bệnh phẩm của bệnh nhi mắc tay chân miệng là B5 - kiểu gien (subgenotype) của EV71.  Đây là tác nhân khiến bệnh tay chân miệng nặng ở trẻ em.

Theo đó, cả 6 mẫu bệnh phẩm đều có triệu chứng nặng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 có kết quả dương tính với EV71 và đều có kiểu gien B5. Kiểu gien này lần đầu tiên được tìm thấy ở Đài Loan (Trung Quốc) vào năm 2007 và tại TP.HCM các năm 2015, 2018.

TP.HCM: Tìm ra nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng ở trẻ trở nặng - Ảnh 1
Bác sĩ đang kiểm tra sức khoẻ của trẻ bị bệnh tay chân miệng - Ảnh: báo Người Lao Động

Sở Y tế cho biết theo số liệu giám sát dịch bệnh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), số trường hợp trẻ em mắc bệnh tay chân miệng tại thành phố có dấu hiệu gia tăng nhanh trong các tuần gần đây. Cụ thể, số ca tay chân miệng bắt đầu tăng từ tuần 19 đến tuần 22. Trong đó, số ca mắc trong tuần 22 cao gấp hơn 2 lần số ca mắc trong tuần 19.

Trước đó, theo thông tin từ báo Tiền Phong, tại các bệnh viện chuyên khoa Nhi của TP.HCM đang điều trị 33 trẻ mắc bệnh tay chân miệng, tất cả đều dưới 5 tuổi, trong đó có 9 ca nặng và đã có 4 trường hợp nặng xác định do mắc EV71. Sở Y tế đang tiếp tục phối hợp với OUCRU để giải trình tự gene, xác định các chủng gây bệnh nguy hiểm của EV71.

Sở Y tế đã thành lập tổ chuyên gia hỗ trợ hội chẩn các trường hợp bệnh nặng và tổ chức các đoàn kiểm tra tại các quận, huyện về công tác phòng, chống dịch tay chân miệng. Hiện tại, các bệnh viện chuyên khoa Nhi của Thành phố đã sẵn sàng các trang thiết bị hồi sức các trường hợp nặng (lọc máu, ECMO…) và sẵn sàng thuốc điều trị theo phác đồ.

TP.HCM: Tìm ra nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng ở trẻ trở nặng - Ảnh 2
Bệnh tay chân miệng ở trẻ xuất hiện các nốt ban đỏ - Ảnh: báo Tiền Phong

“Tuy nhiên, để chủ động hơn trong ứng phó khi tình hình dịch bệnh diễn tiến phức tạp, Sở Y tế đã có văn bản báo cáo Bộ Y tế và Cục Quản lý dược hỗ trợ cung ứng đủ thuốc điều trị. Nhất là 2 loại thuốc Phenobarbital truyền tĩnh mạch, Gamma Globulin truyền tĩnh mạch”, Sở Y tế TP.HCM cho biết thêm.

Bên cạnh đó, Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố kích hoạt các đội phản ứng nhanh cùng tất cả các Trung tâm Y tế quận, huyện và TP.Thủ Đức khởi động ngay các hoạt động phòng chống và kiểm soát dịch bệnh tay chân miệng trên địa bàn, nhất là tại các hộ gia đình và các trường học.

Ngành y tế khuyến cáo: Rửa tay là biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng quan trọng nhất. Ngoài ra, cần tăng cường vệ sinh đồ chơi cho trẻ, vệ sinh nhà cửa bằng xà phòng, dung dịch Javel hoặc các dung dịch sát khuẩn thông thường. Các bậc phụ huynh cần phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh tay chân miệng ở trẻ (nổi bóng nước lòng bàn tay, bàn chân, lở miệng…) để cách ly kịp thời, hạn chế lây lan. Khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng cần theo dõi sát, phát hiện sớm các dấu hiệu nặng (sốt cao liên tục khó hạ, nôn ói nhiều, giật mình chới với, run chi...).

 

TP.HCM: Người đàn ông 39 tuổi mắc thuỷ đậu rơi vào hôn mê, viện phí dự kiến lên đến 400 triệu đồng

Chàng trai bất ngờ bị thuỷ đậu trở nặng phải chạy ECMO, phải đối mặt với khoản viện phí khổng lồ.

TIN MỚI NHẤT